(HBĐT) - Tôi không sinh ra trên đất Mường nhưng điều ấy cũng đâu làm tôi mất đi những ấn tượng đẹp với mảnh đất này. Hoà Bình ôm trọn một khúc sông Đà thơ mộng nhất, tựa lưng vào những ngọn núi thiêng, ngoảnh mặt ra đón lấy hừng đông và biển cả. Dù được lý giải bằng khái niệm "địa văn hóa” hay "địa chính trị” thì cũng đều nhận ra một điều thú vị: Hòa Bình bao giờ cũng là miền đất ấm.

Chiếc xe tải đưa tôi đặt chân xuống mảnh đất Hòa Bình vào một trưa hè năm 1995, tức là gần 30 năm trước. Ngày đó, trên nhiều miền quê ở miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mình giữa cũ và mới. Cái cũ ở đây là những thói quen thời bao cấp, với sự túng thiếu và nhịp sống bình lặng. Cái mới là sự khẩn trương, mau lẹ với những xô bồ. Có những chiếc cassette đặt trên tủ ngang, bên bộ sa lông tai voi, phích nước Rạng Đông vang lên những giai điệu Âu Mỹ. Có những chiếc xe Cup dựng bên nhà ngói cũ kỹ... Suốt cả hành trình, tôi đã đi qua những thị xã, thị trấn như thế, những cuộc đời như thế để đến với một Hòa Bình. Thị xã này cũng vừa kết thúc hành trình xây dựng nhà máy thủy điện trong sự ngỡ ngàng.

Trong những năm đầu ở đây, tôi bị hút vào những dấu ấn của công trường. Từ những địa danh, từ những câu chuyện người lớn kể với nhau trong những đêm ngồi bên hè phố hóng mát, trong đầu tôi dường như vẫn ngân nga tiếng ghi ta trong những đêm văn nghệ trên công trường thủy điện. Tưởng như, trong cái nóng của đêm hè, dưới chân mình vẫn còn vọng lên dư âm của những bánh xe vội vã trên công trường.

Nhưng rồi, thị xã đã chuyển mình với nhiều thanh âm mới mẻ. Những khu nhà mới mọc lên, thêm xóm, thêm phố với những gương mặt trẻ thơ lấp ló sau song cửa sổ. Trong những kỳ nghỉ hè của thời sinh viên, tôi nghe bố mẹ bảo đó là những gia đình công nhân trẻ đến thành phố mới này lập nghiệp. Đã có những nhà máy xuất hiện, một nhịp sống tấp nập, khẩn trương hoà vào dòng chủ lưu êm ả, bình yên cũ.

Đó là câu chuyện cách đây 19 năm, đó là vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Cũng vào thời điểm đó SEA Games 22 lần đầu được tổ chức ở Việt Nam trở thành sự kiện chưa từng có. Khi đó, các môn thi chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhưng, riêng các nội dung đua xe đạp được tổ chức ở Hòa Bình. Một làn gió mới, một bầu không khí sôi nổi lan tỏa khắp nơi. Những con đường năm xưa từng rộn rã, tấp nập bởi những chuyến xe trên công trường thủy điện được nâng cấp, sửa chữa kịp thời phục vụ đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á.

19 năm sau, những cơn mưa mùa hạ, những mùa hoa phượng, hoa bằng lăng vẫn ngập tràn trên các con đường nhưng mọi thứ đã thực sự đổi thay. Đến với Hoà Bình hôm nay đã có thêm nhiều con đường mới. Nhắc đến Hoà Bình, bạn bè gần xa nhắc ngay đến những thương hiệu từ sản phẩm nông nghiệp, du lịch khiến người nông dân mát lòng, mát dạ. Trước kia, mùa hạ đến người ta chỉ lên xem xả lũ trên đập thuỷ điện, đến tắm ở khu suối khoáng Kim Bôi, hay ghé thăm khu du lịch bản Lác thì giờ đây, Hoà Bình là lời mời gọi tha thiết bốn mùa.

Những thương hiệu cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, gà Lạc Thủy… đã rút ngắn khoảng cách địa lý giữa Hoà Bình với các miền đất khác. Mùa hè này, khi dịch bệnh đã lắng xuống bởi chiến lược vắc xin của Chính phủ, nơi đây tiếp tục là điểm đến của sinh viên, của các gia đình vào kỳ nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần.

Khi SEA Games 31 trở lại với Hoà Bình, nhân dân trong tỉnh đón nhận sự kiện với một tâm thế khác sau gần hai thập kỷ. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và thể thao đã nâng cao đời sống tinh thần. Các cổ động viên của đất Mường không ngại cơn mưa xối xả, không quản đèo dốc với những lá cờ, những nụ cười, ánh mắt, nhiệt tình cổ vũ đã đem lại thành công cho các nội dung thi của bộ môn xe đạp.

Một mùa hè không thể nào quên chắc chắn sẽ còn được nhiều người nhắc đến. Mai sau lớn lên, nhiều em bé sẽ còn nhắc đến ký ức này. Còn trong giờ phút này, khi mùa hạ về trên mảnh đất thân yêu, hãy cùng tận hưởng hương vị của những chiến thắng và thành quả sau bao năm đổi mới và phát triển trên quê hương đất Mường.

Tản văn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục