Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" (7/5/1954 - 7/5/2024), Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hòa Bình tổ chức chuyến điền dã tại TP Điên Biên Phủ. Tôi cũng như các nhà văn: Lê Va, Lã Thanh Tùng, Phan Mai Hương, Phạm Minh Hằng, Bùi Việt Phương, Nguyễn Hữu Thông rất háo hức với chuyến điền dã thú vị này và mỗi người đều có những dự kiến sáng tác riêng cho mình. Riêng tôi ấp ủ tiếp tục tìm kiếm tư liệu để hoàn thiện bài viết về bà cô thân thương từng là dân công hỏa tuyến, gánh gạo chi viện cho chiến dịch với hoàn cảnh đặc biệt của gia đình.

Bà tên là Đinh Thị Thọ sinh năm 1924, mất năm 2020. Bố tôi và bố bà là anh em trai, cả hai đều có một người em gái nhưng mất sớm. Vì bố mẹ bà cũng mất sớm nên bà sống với gia đình tôi đến lúc đi làm dâu.

Như chúng ta biết, "thực dân Pháp tấn công đánh chiếm tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất ngày 15/4/1947", "chiếm được thị xã Hòa Bình trong các ngày từ 16 - 25/4/1947, địch mở hàng chục trận càn quét vào các xã Quỳnh Lâm, Hòa Bình, Trung Minh và khu vực Pheo... Đi tới đâu quân Pháp đều đốt nhà, bắn phá bừa bãi vào nhà dân và giết hại hàng chục đồng bào ta (chủ yếu là người già và trẻ em không đi sơ tán)" (Lịch sử Đảng bộ huyện Kỳ Sơn qua các thời kỳ đại hội 1945 - 2010, trang 37 và 39) .

Những năm tháng này bà Đinh Thị Thọ được gia đình, họ mạc tổ chức lễ thành hôn với ông Đinh Đức Văn, hơn bà 2 tuổi, người cùng làng. Ông Văn là giáo viên dạy tư thục trong làng. Mặc dù đã có thể về nhà chồng, song theo phong tục địa phương và hoàn cảnh chiến tranh nên hai gia đình thỏa thuận cho bà ở lại nhà 3 năm. Cũng vào giai đoạn này, thực dân Pháp cho xây dựng các căn cứ phía Bắc nước Lào, đặc biệt căn cứ địa "bất khả xâm phạm" ở lòng chảo Điện Biên Phủ. Để đối phó với thực dân Pháp, Đảng và Bác Hồ đã thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch Điên Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng tư lệnh. Các địa phương trong nước đều có kế hoạch chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, tổng Mông Hóa, châu Kỳ Sơn lúc đó cũng hình thành các tổ dân công hỏa tuyến, mỗi tổ từ 5 - 7 người. Họ là những người con gái còn son rỗi, tuổi từ 18 - 25, có sức khỏe với nhiệm vụ gánh gạo lên mặt trận Điện Biên Phủ. Quãng đường mà dân công hỏa tuyến tỉnh Hòa Bình chịu trách nhiệm là đến khu vực Suối Rút, châu Mai Đà ngày ấy. Bên cạnh lực lượng dân công hỏa tuyến còn có lực lượng thanh niên xung phong, lực lượng này đảm bảo giao thông, sửa chữa cầu đường, vận chuyển vũ khí, trang thiết bị cho chiến dịch.

Lưc lượng dân công hỏa tuyến đi theo từng đợt, dứt điểm từng khối lượng hàng nhất định. Gạo thường được tập kết nơi hẻo lánh, dưới sàn nhà dân, dùng phên nứa quây lại làm "kho gạo". Có 2 loại gạo: gạo đóng thuế, gạo do dân ủng hộ chiến dịch, cả hai đều do bà con địa phương xay, giã, dần, sàng... theo yêu cầu chiến dịch. Dụng cụ gánh gạo là các sọt đan bằng nứa, lót bằng bẹ cây bương, mo cau, đòn gánh là những đoạn nứa. Việc gánh gạo được thực hiện vào ban đêm, dưới những tán rừng, theo những nẻo đường bí mật, bất ngờ, đi theo từng tốp, người đi đầu dùng đèn ló hoặc đèn dầu đặt trong ống bương dẫn đường, tránh sự phát hiện của máy bay địch. Những dân công hỏa tuyến mặc váy áo tối màu, đi chân đất, họ chỉ được biết chỗ lấy và trả gạo. Có lần phải ngủ lại giữa rừng, sáng ra thấy vết chân hổ đi xung quanh đoàn người nằm ngủ.

Trong những năm tháng cô tôi chưa về nhà chồng thì ngoài những đêm đi dân công hỏa tuyến là việc đồng áng, cùng bố mẹ tôi dắt díu chúng tôi đi tản cư vào rừng khắp các vùng châu Kỳ Sơn và vùng núi Ba Vì (Hà Nội). Ngày ấy làng tôi có 3 người tham gia vào lực lượng dân công hỏa tuyến của tổng Mông Hóa là bà Đinh Thị Thọ (SN 1924), Đinh Thị Ba (SN 1929) và Nguyễn Thị Hồi (SN 1931). Sau này bà Đinh Thị Ba thoát ly công tác.

Trở lại với ông Đinh Đức Văn, người chồng của cô tôi. Ông Văn cùng với gia đình tản cư vào rừng phía sau làng, dựng lán bên bờ con suối, ông vẫn dạy học và tham gia hoạt động đoàn thể ở cơ sở địa phương. Một buổi chiều có một tốp lính đi càn là người Việt phản động ập tới bắt trói hai vợ chồng người anh trai, người em gái và ông giải ra đình làng tra khảo, đánh đập. Trong người ông Văn có một quả lựu đạn, một lá cờ Tổ quốc và sách vở chữ quốc ngữ. Buổi tối địch thả hai vợ chồng anh chị và em gái, còn ông bị giải lên khu vực phủ toàn quyền Pháp (thuộc phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình ngày nay). Vài ngày sau giặc Pháp đưa ông Văn ra nơi gành Đình Thơm (tả ngạn, phía trên đầu cầu Hòa Bình 2 ngày nay), nơi có cây thông ngả ra bờ sông bắn và thả thi thể ông xuống dòng sông Đà. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thịnh Lang (cũ), TP Hoà Bình thì tại gành Đình Thơm thực dân Pháp đã xử bắn rất nhiều người dân. Tại đó nên dựng một miếu thờ!

Thế là cô tôi - bà Đinh Thị Thọ đã tan vỡ "chuyến đò đời" đầu tiên, một mối lương duyên mà cả hai họ cùng làng xóm vun xới, trân trọng. Một vài năm sau đó, với sự tác thành của họ mạc, cô tôi xây dựng gia đình với một người đàn ông trong làng, ông bà sinh hạ được 4 người con trai.

Với thành tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến, cô tôi được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Huy chương Kháng chiến hạng nhì.

Trở lại hành trình điền dã tại TP Điện Biên Phủ nói trên của Chi hội Nhà văn Việt Nam tại tỉnh Hòa Bình. Chúng tôi đã tham quan các điểm nhấn chính của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa như: Đồi A1, nghĩa trang liệt sĩ, bảo tàng, hầm tướng Đờ Cát và giao lưu với đại diện Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điện Biên. Sau đó đoàn trở lại nghỉ qua đêm ở thị trấn huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La theo lời mời của người con trai đầu bà cô tôi - chú Nguyễn Văn Phục. Duyên kỳ ngộ, chú Phục đã xây dựng gia đình với cô Ngô Thị Thảo, con gái đầu của cụ Ngô Đức Kế - một chiến sĩĐiện Biên Phủ. Ông Kế quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, có 4 người con gái. Sau chiến dịch Điên Biên Phủ, ông Kế chuyển sang công tác ngành y tế, từ Điện Biên chuyển về Sơn La và cuối cùng về bệnh viện huyện Thuận Châu.

Sau bữa cơm tối cùng với gia đình cô chú Phục - Thảo với món nộm hoa ban đặc biệt, chúng tôi cùng dạo bước quanh hồ Thuận Châu kỳ ảo, lung linh ánh điện. Cô chú định cư nơi này đã 50 mùa hoa ban nở, con cái đã yên bề gia thất, an cư lạc nghiệp cách chân đèo Pha Đin không xa, đêm đêm vẫn nghe đâu đây: "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ…”, thế là cũng mừng cho cô Đinh Thị Thọ của tôi.

Sáng hôm sau chúng tôi tạm biệt Thuận Châu, Sơn La, Điện Biên - xứ sở của loài hoa ban giữa mùa hoa nở trắng núi rừng và không quên hẹn ngày trở lại.


Đinh Đăng Lượng

(CTV)


Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục