Có những chuyện không hề tính đến mà lại bất chợt ào đến khiến lòng ngỡ ngàng. Nhiều năm rồi, mới đi lại con đường đê dẫn từ phố thị về quê nhà. Hàng cây dọc đường cọc còi, lầm lũi lùi về phía sau.

 Dọc đường là con sông đào nước xanh lơ, lờ lững chảy. Bên bờ sông là những nương dâu, ruộng rau xanh mướt. Xen những vạt xà lách, cà chua là lác đác những ngồng cải trổ vàng bến sông. Bầy ong, bướm vàng chao liệng, lượn bay. Một hình ảnh thân quen: những thiếu phụ gánh nước tưới rau trong khói lam chiều. Bỗng tiếng ai đó cất lên: "Con đường phía trái là dẫn đến chợ X đó…”. Phía con đường đó đi qua khoảng đồng trống hun hút gió, thiếu vắng những hàng cây là chợ X - chợ quê đã có hàng trăm tuổi…
Ôi chợ X…, từ ngã ba này về đó cũng khoảng 10 km và từ đây về nhà cũng tầm 7 - 8 km. Chợ quê này, cả nhà đều thuộc tên, nằm lòng từ hàng chục năm nay. Và cũng hàng chục năm vắng bóng hình ảnh thân thương của bà. Con đường này - con đường quen thuộc bà đi suốt một thời trẻ; buôn bán, dựng nghiệp cho gia đình. Thời bao cấp, con đường này rất ít xe cộ đi lại. Không phải tuyến xe khách và cũng thưa thớt những chiếc xe tải chở cát, chở sắn, ngô…
Đầu tháng, bà thúng mủng, cùng "bạn hàng” mang các mặt hàng của núi rừng về các chợ miền xuôi để bán, đổi chác. Từ những mặt hàng đó, gia đình có thêm những mặt hàng: gạo, muối, dầu thắp… và lớn hơn nữa là thành gạch, vôi, ngói để gia đình tu sửa, dựng mới cho ngôi nhà ngày một tươm tất hơn.
Giữa tháng, cũng là lúc bà về… gồng gánh, đi bộ gần 20 km. Về đến nhà cũng sâm sẩm tối. Đám cháu lít nhít, vô tâm mải nhận quà từ bà: đôi khi là quả chuối, nắm lạc luộc, thanh kẹo dồi, kẹo lạc mà quên mất phải đi rót cho bà cốc nước. Chỉ đến khi nghe tiếng e hèm nhắc nhở của bố, đám con cháu của bà mới giãn ra để bà nghỉ chút. Lúc này, bà mới ngồi, dựa lưng vào vách nghỉ, mắt khép hờ, lấy tay day day bắp chân, xoa mép bàn chân đã dày lên, nứt nẻ vì đi bộ. Dáng bà mệt mỏi, nhưng ánh mắt bà lấp lánh niềm vui khi gặp các con, các cháu… Gánh hàng của bà cho đám cháu bộ quần áo mới đón Tết; những cuốn sách vở mới đầu năm học mới. Nếu dịp Tết, bàn thờ có bày biện khá đủ đầy những chai rượu cam, rượu chanh, bao thuốc lá Thăng Long, gói chè nhiều màu, bánh pháo tép nổ vang… là dấu hiệu năm đó, gánh hàng của bà đắt hàng…
Dần theo thời gian, từ nẻo đường xa hút đó, cùng gánh hàng của bà, gia đình ngày bớt khó khăn hơn. Nhà được lợp ngói, tậu được con trâu, sắm sanh cho cháu chiếc xe đạp Thống Nhất để đến trường… Con cháu được học hành, được đến với những miền đất mới để lập nghiệp, dựng xây cuộc sống…Sau này, đám cháu lớn dần lên, xa dần vòng tay gia đình. Mỗi bước thăng - trầm, vui - buồn, được - mất, hạnh phúc - bất hạnh đời người, thường nghĩ về tình yêu thương, ấm áp của bà, coi đó như điểm tựa tinh thần lớn lao, vĩnh cửu. Đồng thời, chẳng nghĩ điều gì quá to tát, chỉ thường xuyên nghĩ về bà cùng đôi thúng hàng của bà tháng đôi lần xuôi ngược và cái chợ quê xa vắng phía đồng bằng. Từ nẻo đường xa hút, nhiều gió đó, bà đã lập cho các cháu những nẻo đường đời êm thuận. Bà thường bảo: "Bà chỉ biết xem mặt đồng tiền, không biết chữ… các cháu phải chăm chỉ học hành mới nên người được”. Khi bà lớn tuổi, gánh hàng đó được trao truyền cho mẹ, cho chị… Bà chỉ dặn: "Cùng sống, cùng làm, cùng ăn…đừng bao giờ tranh mối với bạn hàng. Mình làm ăn thật thà, tử tế, họ sẽ muốn giữ mối với mình”. Thảo nào, có lần, cách đây nhiều năm, ghé qua chợ X, khi biết là con cháu của bà, mọi người nhao tới hỏi thăm. Biết bao câu chuyện về bà được mọi người trân trọng nhắc đến. Chuyện bà đứng lên bảo vệ một người lần đầu đến đây bán hàng bị gây khó dễ; chuyện bà hô hào mọi người đóng góp giúp cho mẹ con nhà chị kia bị bệnh; chuyện bà "trị” đám trẻ ranh mới lớn nhưng càn quấy người lạ… Mỗi lời kể của họ chất chứa những tâm tư, cảm mến. Trong mắt họ có cả ngấn nước…
Chiều nay, trong tâm tưởng hiện lên hình ảnh năm nào: đám cháu vượt dốc, ra tận đầu xóm - nơi con đường dẫn về chợ X để đón bà đi chợ về. Rồi các cháu nhao nhao lên mừng rỡ khi thấy hình ảnh những người bà, người mẹ kĩu kịt gánh hàng ngược dốc về đây. Bà luôn là người đi đầu, bước chân nhanh, sải đều trong nắng hoàng hôn...


Tản văn của Bùi Huy


Các tin khác


Chuyện nhà hàng xóm

11 giờ khuya, ông Hạnh vừa cài xong chốt cửa thì nghe tiếng chuông réo. Từ ngày đứa cháu ở quê bị tai nạn, ông luôn ám ảnh bởi tiếng chuông cửa hay tiếng chuông điện thoại mỗi khi về đêm. Lại một hồi gấp gáp nữa. Cửa mở, trước mặt ông lố nhố 5, 6 thanh niên tay cầm gậy gộc, hình như có cả dao quắm. Họ bảo nhau, không phải nhà này rồi vội vã lao đi. Ông ném ánh mắt khó chịu vào khoảng không lẩm bẩm, đêm hôm bấm nhầm chuông cửa nhà người ta mà không mở miệng được một câu xin lỗi.

Thu đi dài năm tháng…

Vẫn là Hồ Gươm xanh thắm… Buổi sáng mùa thu, nắng vàng nhẹ như rải những giọt mật vàng trên những lối đi ven hồ và gió thổi thật nhẹ, dâng những nỗi niềm khe khẽ, dịu dàng. Thu Hồ Gươm bao giờ cũng nhẹ, cũng khác và thật thiết tha. 2 cô bé kia chắc lần đầu ra Hà Nội, lanh chanh chạy dọc con đường ven hồ tìm chỗ check-in ưng ý nhất, cả 2 bố mẹ mỗi người một điện thoại mê mải chụp từ nhiều góc khác nhau. Tiếng người cha: "Chụp ảnh với cây, với hồ, với Tháp Rùa ổn rồi… Giờ không biết ai muốn ăn kem không nhỉ?”. Tiếng 2 đưa trẻ đồng thanh "kem đậu xanh bố nhé… Kem... kem”… Ôi tuổi thơ một sáng mùa thu mát lành, êm dịu.

Cậu bé ngoài đồng bãi

Truyện ngắn của Bùi Huy

Chuyện đời thường: Buổi sáng mùa thu ấy...

Đã có biết bao buổi sáng mùa thu mà ta đã đi qua. Chút se se, ẩm ướt mát lành trong không gian. Làn gió tinh khôi từ phía sông thổi tới; tiếng sóng nước rất nhỏ, dường như còn ngái ngủ... Ngọn núi trầm mặc phía xa bỗng được khoác một dây voan trắng rất mỏng. Tiếng chim lích chích ban sáng cũng khẽ khàng, đủ để đánh thức không gian. Lòng người cũng an lành, phấn chấn chào đón ngày mới…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục