Hồi ký của Thúy Ngọc

 

Trong ký ức tôi luôn nhớ về bà, bà tôi mất cách đây đã 31 năm, khoảng thời gian không phải là ngắn. Ngày nay, chế độ, chính sách về người có công thay đổi, những bà mẹ có 1 con duy nhất và bà mẹ có từ 2 con trở lên đã hy sinh được trao tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Vì vậy, bà tôi có trong danh sách truy tặng vào đợt II/2014, một danh hiệu cao quý, là niềm tự hào lớn lao của gia đình tôi.

 

Ông bà tôi sinh được 6 người con (4 trai, 2 gái) và hai trong số đó là liệt sĩ. Bác tôi hy sinh thời chống Pháp (năm 1943), khi mới 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất thời thanh xuân; còn chú tôi là liệt sĩ thời chống Mỹ. Sắp đến ngày thương binh - liệt sĩ, ngày mà cả nước tri ân đến thương binh, gia đình liệt sĩ, những người đã để lại một phần xương máu và thân mình nơi chiến trường. Tôi tưởng nhớ đến người thân - những người đã hy sinh cho Tổ quốc và tỏ lòng thành kính, dâng lên bàn thờ bà niềm vinh dự, tự hào của gia đình về bà - người mẹ anh hùng...

 

Kể về sự hy sinh của bác tôi, bà   luôn tự hào và tôi cảm nhận được ánh mắt của bà như sáng hơn. Ngày bác tôi bỏ nhà đi biệt tích, bà như trầm hơn, khóc nhiều hơn, bà lao vào công việc để quên đi nỗi buồn phiền. Những lúc như thế ông tôi mắng:

 

- Bà lúc nào cũng khóc lóc, nuôi con mà chẳng biết con đi đâu, làm gì, để nó “bỏ nhà, bỏ cửa” đi lúc nào không hay giờ còn rầu rĩ, than thở nỗi gì, hạng nó không có mục đích, không có lý tưởng thì chết quách đi cho xong.

 

Những lúc ông trách bà chỉ biết thở dài.

 

15 tuổi, bác tôi bỏ nhà đi biệt tích. Không tin tức, gia đình không biết bác    đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, tham gia cách mạng hay lại “theo Tây” mà hại nước, hại dân. Bà tôi thường chép   miệng than:

 

- Cái thằng như con gái ấy chẳng biết sống, chết thế nào, có làm nên trò trống gì không. Nghĩ dại, nhỡ nó đi theo cái lũ bán nước, hại dân thì khổ.

 

Những lúc bà than, bố tôi thường  an ủi bà:

 

- Mợ đừng sợ, chắc anh đi đánh Tây chứ không làm điều gì dại dột đâu ạ, con vẫn thấy anh tỏ ra căm thù lũ giặc mà.

 

Nghe bố tôi nói vậy bà lại hỏi:

 

- Hay anh em mày bàn tính với nhau chuyện gì mà mợ không biết?

 

- Dạ không, đấy là con đoán thế.

 

Thực tình trước khi ra đi, bác và bố tôi cũng có lúc tâm sự cùng nhau, bàn cách cùng đi theo cách mạng nhưng vì bố tôi còn nhỏ nên không theo bác được (bố tôi kém bác 3 tuổi). Khi nghe bố tôi nói bà cũng yên tâm một phần. Chẳng ngờ có lần bác tôi tranh thủ về thăm nhà vào một buổi tối khi đơn vị hành quân qua huyện nhà và bác đã xin phép chỉ huy được về thăm gia đình. Bà kể lần đó bác về là lần đầu và cũng là lần cuối. Ngày ấy, khi bác xuất hiện ông bà tôi mừng lắm, bà như trút được gánh nặng đè lên vai vì lo bác theo giặc. Bác về trong bộ quân phục màu xanh lá cây, đầu đội mũ sao vàng của “Bộ đội Cụ Hồ” như lời bà thường nói. Vậy là bác đã đi theo con đường chính nghĩa. Kể từ sau hôm bác về thăm nhà được 2 năm thì gia đình nhận được giấy báo tử.

 

Bác hy sinh một thời gian, bố và chú tôi cũng đi thoát ly, nhà chỉ còn lại hai cô và chú út. Gần 20 năm sau, chú lấy vợ, sinh con. Thời kỳ đó chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt, ông tôi hỏi chú:

 

- Anh không có ý định đi làm hay đi đánh giặc à, suốt ngày chỉ luẩn quẩn ở nhà với con trâu, sào ruộng thôi sao?

 

Được lời như cởi tấm lòng, chú tôi  giãi bày:

 

- Con cũng đã có gia đình, vợ con rồi thầy cho con nhập ngũ được không ạ?

 

- Anh nghĩ sao cũng được miễn là đừng có làm gì nên tội.

 

Từ hôm được ông nhất trí cho đi tòng quân chú rất phấn khởi. Hiềm nỗi, ông bà là gia đình liệt sĩ lại có người thoát ly (bố tôi tham gia bình dân học vụ còn chú thứ 3 làm công nhân trên Việt Trì) nên chú được ưu tiên không phải đi nghĩa vụ. Đã nhiều lần chú lên Xã đội đăng ký vào quân ngũ nhưng không được, chú liền viết đơn tình nguyện lên Huyện đội nhưng vẫn không có hồi âm. Sau lần ấy chú lên thẳng Tỉnh đội trình bày với lời lẽ tha thiết mong được xét nguyện vọng. Do sự khẩn khoản cùng ý trí quyết tâm với nhiều lá đơn gửi nên Tỉnh đội đã về nhà ông bà xác minh:

 

- Trên tỉnh đã nhận được đơn của cháu với mong muốn tòng quân, nhà ta là gia đình chính sách thành thử chúng em muốn hỏi ý kiến gia đình.

 

Ông tôi thủng thẳng:

 

- Cháu nó đã bằng sào, bằng gậy rồi các chú cứ để nó tự quyết định. Đất nước bị giặc giày xéo, nó muốn đi để cống hiến cho quê hương, đất nước, gia đình ủng hộ.

Sau lần ấy chú tôi có lệnh gọi nhập ngũ. Hôm chú đi, ông tôi động viên:

 

- Dù gì con cũng phải theo gương các anh mà học tập đừng để gia đình mang tiếng là được. Cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc và đem vinh quang về cho gia đình con nhé.

 

- Vâng! Con xin hứa sẽ quyết tâm đánh nhiều giặc là lập được nhiều chiến công về “báo cáo” với thầy, mợ.

 

Ông tôi cười, vỗ vai chú:

 

- Đúng! “Làm trai cho đáng nên trai”, phải thế mới được.

 

Đúng là suy nghĩ của những người đàn ông, cứng cỏi, cương quyết, lòng nhẹ nhàng, chú sốc ba lô lên đường với tâm trạng háo hức. Còn bà và thím sụt sịt, động viên chú:

 

- Thôi con đi chân cứng đá mềm, lập thật nhiều chiến công, thỉnh thoảng viết thư về cho thầy, mợ và gia đình yên tâm.

 

Sau ngày tòng quân, chú tôi đi biền biệt. Nghe đâu chú đi B nên không có dịp về thăm nhà, chỉ liên lạc bằng những lá thư với mấy dòng ngắn ngủi để gia đình yên tâm. Có lần thím 2 (vợ của chú thứ 2 sau bố tôi) trên Việt Trì kể: “Có một đêm, bộ đội hành quân qua nhà, thím và bà con còn mang thức ăn, nước uống phục vụ bộ đội, thím hỏi đơn vị, nghe tên đúng đơn vị của em mà không sao tìm được chú bởi nhiều đơn vị cùng hành quân “vào trong”. Sau lần đó, chú có viết thư cho chị dâu thông báo: “Em mới hành quân qua nhà anh chị nhưng không tìm được nhà mà chúng em đi tăng cường cho chiến trường B”... Thông tin chỉ có vậy cho đến ngày ông bà tôi lại có giấy báo tử của chú. Vậy là 2 con đã trở thành liệt sĩ, tâm nguyện của ông bà là muốn tìm được các con đưa về với quê hương nhưng tôi chắc tâm nguyện đó khó thực hiện được. Cho đến giờ gia đình, họ hàng tôi vẫn tìm kiếm, hỏi thăm tin tức phần mộ của cả bác và chú nhưng vẫn chưa xác định được nơi hy sinh (chỉ có lần bà tôi mong manh được tin bác hy sinh ở ngoài Bắc, còn chú hy sinh trong Tây Ninh). Dù bác và chú tôi có nằm lại nơi nào, ở miền quê nào hay trong nghĩa trang liệt sĩ, tôi chắc rằng cả hai người và những chiến sĩ vô danh khác đều được những người con đất Việt chăm sóc và tưởng nhớ.

 

Còn về phần ông bà tôi, nơi chín suối chắc hẳn cũng rất tự hào về các con vì họ đã cống hiến cho Tổ quốc, quê hương, đem vinh quang vẻ vang cho gia đình. Đúng, các con của ông bà đã     ngã xuống nhưng những tên tuổi của họ vẫn sống mãi với thời gian. Giờ đây Đảng, Nhà nước ghi nhận và bà tôi đã được trao danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

 

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục