(HBĐT) - Là một trong bảy dân tộc sinh sống trên mảnh đất Hòa Bình, người Thái ở huyện vùng cao Mai Châu có những nét văn hóa đặc sắc. Trong số đó, khèn bè là một loại nhạc cụ độc đáo không thể thiếu trong những dịp cưới hỏi, lễ, Tết hay ngày hội đón Xuân... của đồng bào Thái.

 

Các cụ già trong bản kể lại rằng xưa có chàng trai họ Lò nghèo, nhân hậu và có tài thổi sáo, thậm chí lấy lá cây đưa lên miệng thổi cũng ra một thứ âm thanh kỳ lạ làm xao xuyến lòng người. Vì tài đó, con gái một Tạo bản giàu có trong vùng đã yêu chàng tha thiết.

Hay tin con gái mình đã bén hơi chàng trai họ Lò, Tạo bản giận lắm, nhốt con gái trong buồng, đợi ngày lành tháng tốt sẽ gả cho một người giàu có ở làng bên. Không cưỡng nổi ý muốn của cha mẹ, nàng gửi lại cho chàng gói sáp ong đá đã in dấu tay của nàng mỗi khi kéo sợi. Nhận kỷ vật cuối cùng của người yêu, chàng buồn bã bỏ bản ra đi. Lang thang hết ngày này qua ngày khác, cuối cùng chàng gặp con suối và dừng lại.

Bên dòng suối vắng, chàng nảy ra ý định làm cây sáo thổi để giải buồn. Thấy có nhiều cây nứa tép bên bờ suối, chàng chọn lấy từng dóng nứa to, nhỏ khác nhau bó lại và lấy sáp ong người yêu tặng bịt kín các kẽ hở giữa các ống sáo, rồi lấy dao vạt chéo phần đầu và thổi thử.

Lạ thay, cây sáo bè có tiếng to, nhỏ, cao, thấp khác nhau theo các ngón tay bấm của chàng. Chàng mải mê thổi bên dòng nước chảy, quên ăn quên ngủ.

Bẵng đi một thời gian không thấy chàng trai nghèo về bản, bạn bè đi tìm và thấy chàng đã chết khô bên bờ suối, tay vẫn nắm chặt chiếc khèn. Từ đó, cây khèn của chàng trai nghèo họ Lò được bạn bè bắt chước làm theo. Khèn bè theo tay các chàng trai đi sương về nắng, còn sáp ong thì bện chặt lấy khèn, không bao giờ tách rời.

Khèn bè của dân tộc Thái (Mai Châu) được cấu tạo với 14 ống nứa, nhưng phải là nứa tép bánh tẻ, nhỏ, mỏng, ít mấu và xếp từ thấp đến cao. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá. Một cây khèn bè của người Thái gồm có 4 ống khèn được thuôn thông suốt gắn chặt vào bầu hơi. Độ dài của ống khèn tùy thuộc vào nghệ nhân làm khèn, nhưng cây khèn kêu được còn phụ thuộc vào những lưỡi khèn. Lưỡi khèn được làm bằng đồng hoặc bạc trắng, đánh mỏng như tờ giấy để gắn vào trong các ống khèn, phía trên bầu hơi có dùi những nốt bấm.

Âm thanh của khèn phụ thuộc vào cách cài những lưỡi khèn và độ chính xác về khoảng cách của những nốt bấm. Khèn bè dài, tiếng to, trầm, dùng cho người cao tuổi thổi ở nhà, còn khèn ngắn, tiếng nhỏ, thanh dùng cho thanh niên mang theo người.

Chiếc khèn bè của người Thái Mai Châu như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, là sự kết tinh những giá trị vật chất của tự nhiên và tình yêu quê hương, dân tộc của người nghệ nhân làm nên chiếc khèn. Khèn bè được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau như trong những dịp lễ, Tết, chúc mừng, đón khách, cưới xin...

Tiếng khèn vang vọng, lúc thoáng đạt, lúc nỉ non dìu dặt làm xao xuyến lòng người. Người Thái sử dụng khèn bè để đệm cho người hát các bài dân ca trong những ngày lễ truyền thống, có khi làm nền cho các điệu dân vũ của người Thái trong những ngày vui, những dịp trọng đại…

Tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện chắp gió gửi lời của bao chàng trai, cô gái. Bất cứ chàng trai người Thái Mai Châu nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương trên rẫy, thì cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ để giải trí, mà còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình và là chiếc cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp. Hình ảnh những chàng trai khỏe mạnh với những giai điệu khèn hay sẽ chiếm được cảm tình của các cô gái.

Trải qua thời gian, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhiều loại nhạc cụ hiện đại xuất hiện đâu đó ở những bản làng Mai Châu (Hòa Bình), nhưng người Thái vẫn luôn gìn giữ chiếc khèn bè của dân tộc mình. Giai điệu dặt dìu của tiếng khèn góp phần chuyển tải ước mong cho mùa màng được tươi tốt, cho bản làng thêm yên vui, cho tình yêu đôi lứa nhân đôi niềm hạnh phúc./.

 

                                                                 HBĐT tổng hợp

Các tin khác

Mùng 1-2 Tết, phụ nữ không được phép ra ngoài nhà khi đoàn chúc chưa đi hết các nhà trong bản.
Nhiều lễ hội dân gian của người Mường được tổ chức vào dịp đầu xuân.
Đến với Hòa Bình để cùng khám phá, cảm nhận vẻ đẹp của miền văn hóa giàu bản sắc
Người dân tập trung đánh bắt cá tại khúc suối xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tại lễ hội đánh cá suối tháng 3 năm 2011.

Những lễ hội tiêu biểu ở Hoà Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là vùng đất nổi tiếng với nhiều lễ hội dân gian mang bản sắc dân tộc. Người Mường có các lễ hội nông nghiệp như: hội xuống đồng, hội cầu mưa, hội đi săn, hội đánh cá, lễ rửa lá lúa, lễ cơm mới, lễ nạ mạ, lễ cầu mát, lễ nhóm lửa, lễ hội chùa kè… lễ hội ở các vùng Mường không mang rõ tính chất hội mà chủ yếu hướng vào lễ nghi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục