(HBĐT)Theo Sở NN&PTNT, sau 25 năm tái lập tỉnh trên địa bàn tỉnh ta có 303 công trình cấp nước tập trung được xây dựng với tổng mức đầu tư trên 930 tỷ đồng. Các công trình cấp nước tập trung được xây dựng từ nhiều nguồn vốn của các chương trình, dự án như: Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135); Dự án ổn định dân cư và phát triển KT-XH vùng chuyển dân lòng hồ Hòa Bình (Dự án 747); Chương trình phát triển cộng đồng và tài trợ trẻ em (ChildFund);

 Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicep); Dự án giảm nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Điều đáng quan tâm là trong tổng số 303 công trình cấp nước tập trung được đầu tư xây dựng chỉ có 26% công trình hoạt động bền vững; 25% công trình hoạt động bình thường; 49% hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động. Trong đó, công trình  hoạt động kém hiệu quả chiếm 36% và 13% công trình không hoạt động. Thực trạng đó cho thấy còn rất nhiều tồn tại, bất cập từ quy hoạch, khảo sát, thiết kế,  thi công, giám sát, đến quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh.

  Chỉ vì không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng, công trình cấp nước tập trung xã Quy Mỹ (Tân Lạc) bị hư hỏng nặng, gây lãng phí và ảnh hưởng đến đời sống dân cư trên địa bàn.

Theo đánh giá của lãnh đạo các địa phương, nguyên nhân dẫn đến việc quản lý sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung sau đầu tư kém hiệu quả gồm cả khách quan lẫn chủ quan. Ai cũng thấy rõ đầu tư tràn lan, thiếu đồng bộ là vấn đề cần chấn chỉnh. Các công trình phần lớn hỏng hệ thống điện, máy bơm, đường ống dẫn nước,  một phần do đầu tư xây dựng đã lâu năm. Mặt khác, do ý thức người dân quản lý sử dụng kém và do trong quá trình khảo sát không kỹ nên xây dựng xong đã phải “đắp chiếu” vì không có nguồn nước, bỏ lâu ngày không có người quản lý, bảo vệ dẫn đến van, ống han rỉ, gia súc đi lại gây hư hỏng...

Trong thực tế, trên địa bàn 11 huyện, thành phố đều có công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động. Chủ tịch UBND xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) Bùi Văn Chung cho biết:  “Công trình cấp nước tập trung xây dựng tại xã được đầu tư trên 8 tỷ đồng. Do trạm biến áp xây dựng trên đỉnh đồi đã 3 lần bị sét đánh hỏng nên không có kinh phí để khắc phục. Ngoài ra, hệ thống đường ống cũng bị hư hỏng nặng do trâu, bò và người dân kém ý thức gây ra nên công trình không phát huy hiệu quả”.

Năm 1994, xã Quy Mỹ (Tân Lạc) được đầu tư xây dựng công trình nước sạch tự chảy từ nguồn vốn của UNICEF. Đến năm 2004, công trình này được nâng cấp với kinh phí trên 1 tỷ đồng đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho dân cư 4/5 xóm trong xã. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, công trình không thể hoạt động được và người dân trong xã lại phải lấy nước theo cách truyền thống để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày. Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Cành cho biết: “Trong quá trình sử dụng, máy bơm nước bị cháy, do không có kinh phí sửa chữa, thay thế nên công trình “tê liệt” cho đến nay. Theo đó, đường ống dẫn nước và  đường dây điện mất mát dần, hiện chỉ còn lại hơn 30%”. Hai công trình cấp nước tập trung được xây dựng tại xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) và Vĩnh Tiến (Kim Bôi) cũng “đắp chiếu” sau khi lũ lớn làm hư hỏng tuyến đường ống dẫn nước chính nhưng không được sửa chữa kịp thời. Công trình cấp nước tập trung xã Tân Phong (Cao Phong) được xây dựng bằng nguồn vốn của chương trình  ChildFund đến nay cũng bỏ hoang do thiếu nước đầu nguồn và đường ống dẫn nước bị hư hỏng không có kinh phí tu sửa...

100% công trình thiết kế xây trụ cấp nước cho nhóm hộ hoặc bể chứa nước tập trung cho cụm dân cư đều hoàn toàn hư hỏng và bị bỏ hoang sau một thời gian đưa vào sử dụng. Đó là một thực tế vì phương thức đó dẫn đến tình trạng “Cha chung không ai khóc”, công trình không có người quản lý, hư hỏng không ai chịu trách nhiệm. Một số nguyên nhân khác dẫn đến nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động là do đội ngũ quản lý, vận hành không có chuyên môn, không đề ra được quy chế hoạt động cụ thể, không xây dựng được nguồn kinh phí bảo dưỡng công trình thường xuyên, nhiều công trình xây dựng ở khu vực chất lượng nước không bảo đảm. Rừng đầu nguồn của không ít công trình bị khai thác bừa bãi dẫn đến cạn kiện nguồn sinh thuỷ và công trình cấp nước bị tê liệt

Những năm gần đây, BQL chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung theo hình thức dẫn nước trực tiếp đến từng hộ dân và lắp đặt đồng hồ đo nước để phục vụ việc theo dõi, quản lý. Tổ chức tập huấn cho thành viên các tổ quản lý, vận hành các xã. Trên thực tế, công trình nào địa phương thành lập ban quản lý, vận hành và có quy chế hoạt động rõ ràng, dành một phần kinh phí thu được hàng năm để duy tu, bảo dưỡng công trình và cử người có chuyên môn vận hành thì công trình đó phát huy tác dụng tốt. Tuy nhiên, với 49% công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động đồng nghĩa với việc chúng ta đang để lãng phí hàng trăm tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, khi đầu tư xây dựng công trình cấp nước cần phải đồng bộ, theo hướng bền vững lâu dài. Mặt khác, công tác giám sát, kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình trong quá trình xây dựng đòi hỏi nghiêm túc và chặt chẽ. Đơn vị quản lý phải thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn xét nghiệm, kiểm tra và giám sát về chất lượng nước để người dân yên tâm sử dụng. Rà soát để lập kế hoạch phục hồi, sửa chữa nâng cao hiệu quả vốn đầu tư các công trình cấp nước đã xuống cấp. Tính toán kỹ lưỡng về cơ chế, chính sách và mô hình quản lý đối với các công trình cấp nước tập trung.

Hy vọng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và các huyện, thành phố, việc quản lý, sử dụng các công trình cấp nước tập trung sau đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được mục tiêu tăng tuổi thọ công trình và tránh tình trạng tiền tỷ của Nhà nước bị lãng phí.

                                                                                Đức Phượng

 

Các tin khác


Huyện Cao Phong ứng phó với thiên tai bất thường

Thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả với các tình huống bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, các cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong đã chú trọng chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại huyện Lương Sơn

Sáng 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát việc tổ chức, thi hành Luật Công đoàn tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn).

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Đà Bắc và các sở, ngành

Ngày 7/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Đà Bắc, Hội LHPN tỉnh, Hội Đông y tỉnh và Sở Y tế.

Thời tiết ngày 7/5: Bắc Bộ tiếp tục mưa rào và dông, Trung và Nam Bộ nắng nóng trở lại

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to đến rất to. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1. Khu vực Trung và Nam Bộ nắng nóng trở lại.

Tọa đàm “Thắp lửa truyền thống” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều 6/5, tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh, Tỉnh Đoàn - Hội đồng Đội tỉnh tổ chức tọa đàm "Thắp lửa truyền thống” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục