Theo số liệu báo cáo của Phòng BHTN, trong 9 tháng năm 2017, có 2.350 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó 4 người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp trên 20 tỷ đồng. Theo thống kê, số người đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, có trên 62% nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp là người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động năm 2012; 29% người lao động hết hạn hợp đồng, 2 bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng vì việc gia đình…
Hòa Bình là địa bàn ít doanh nghiệp nên số người đến giải quyết chế độ BHTN ít, chủ yếu là lao động từ các tỉnh khác hoặc các khu công nghiệp: Vĩnh Phúc, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh về địa phương. Điều đáng nói ở đây, mặc dù số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khá cao, nhưng số người có nhu cầu giới thiệu việc làm và tham gia các khóa đào tạo nghề rất ít. Tính riêng trong 9 tháng, có 5 trường hợp được hỗ trợ học nghề với số tiền 21 triệu đồng.
Cán bộ Phòng bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ việc làm) hướng dẫn giải quyết chế độ cho người dân.
Chúng tôi gặp ông Nhữ Đình Mẽ, sinh năm 1966, trú tại tổ 17, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) nộp hồ sơ hưởng chế độ BHTN. ông Mẽ chia sẻ: Trước kia, tôi làm thợ cơ khí sửa chữa ở Bình Dương được 2 năm, rồi chuyển về Sân gôn Phú Mỹ, sau chuyển về Sân gôn Tân Sơn Nhất - TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2015, tôi chuyển về Sân gôn Long Biên - Hà Nội rồi sang FLC Quy Nhơn - Bình Định. Tháng 8/2017, tôi về nghỉ, chấm dứt hợp đồng lao động. Đến đây, tôi được cán bộ Phòng BHTN hướng dẫn làm thủ tục và tư vấn giới thiệu việc làm nhưng tuổi đã cao, tôi muốn nghỉ ngơi nên đề nghị hưởng chế độ BHTN theo quy định chứ không có nhu cầu giới thiệu việc làm.
Tại Phòng BHTN cũng có một số lao động trẻ đến làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp nhưng phần lớn họ chỉ đề nghị hưởng số tiền trợ cấp theo quy định chứ chưa có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm mới.
Lý giải nguyên nhân khiến người lao động thất nghiệp hưởng trợ cấp thất nghiệp thờ ơ với các khóa đào tạo nghề nghề, giới thiệu việc làm, bà Đinh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng BHTN, Trung tâm Giới thiệu việc làm cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động phổ thông, trình độ văn hóa hạn chế, độ tuổi cao. Những đối tượng này có tâm lý ngại chuyển đổi nghề. Một nguyên nhân khác là một số lao động chỉ quan tâm đến quyền lợi trước mắt là nhận được bao nhiêu tiền mà không quan tâm đến các quyền lợi liên quan. Mặt khác, tỷ lệ tham gia học nghề thấp do thời gian dạy nghề ngắn, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và thực hiện chính sách BHTN.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, hiện nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động giải quyết chế độ, chính sách BHTN trên địa bàn tỉnh, ngoài 14 cán bộ Phòng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, còn có 3 văn phòng đại diện tại các huyện: Lương Sơn, Lạc Sơn và Yên Thủy - nơi tập trung nhiều lao động và các doanh nghiệp. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường tuyên truyền về chính sách BHTN, hỗ trợ việc làm, học nghề tới các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh dưới nhiều hình thức. Phối hợp chặt chẽ với BHXH nhằm đảm bảo thực hiện chế độ cho người lao động kịp thời, kiểm tra tình trạng việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người đến nộp hồ sơ hưởng BHTN tại trung tâm được tư vấn từ khi nộp hồ sơ và khi nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn nhằm tư vấn giúp người lao động thất nghiệp học nghề. Đồng thời, tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước đến người lao động. Trung tâm tập trung cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ cho người lao động nói chung và người thất nghiệp tìm việc làm nói riêng.