(HBĐT) - Cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi có mặt tại xã Thái Thịnh (thành phố Hòa Bình) đúng vào thời điểm cử tri các xóm Bích, Trụ và khu dân cư xóm Tháu sôi nổi bàn thảo về việc sáp nhập và thành lập xóm. Phương án cuối cùng nhận được sự tán thành của đại đa số cử tri đại diện các hộ gia đình đó là sáp nhập xóm Bích với xóm Trụ và đặt tên xóm mới là xóm Bích Trụ; thành lập xóm Tháu từ khu dân cư xóm Tháu. Bà Nguyễn Thị Hà (xóm Bích, xã Thái Thịnh) phấn khởi cho biết: Chúng tôi hy vọng xóm mới đông dân hơn, các hoạt động sẽ sôi nổi, phong phú hơn. Nguồn lực để xây dựng các công trình sẽ tập trung hơn. Đời sống văn hóa, tinh thần người dân sẽ có nhiều khởi sắc.
Ngoài xã Thái Thịnh, trên địa bàn thành phố Hòa
Bình còn có phường Phương Lâm đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri, hoàn thiện
hồ sơ để HĐND cấp xã, phường tổ chức họp bất thường thông qua Đề án. Theo đó,
phường Phương Lâm sẽ tiến hành sáp nhập, kiện toàn, đổi tên 29 tổ dân phố để
thành lập 18 tổ dân phố mới.
Cùng với thành phố Hòa Bình, các huyện cũng đã hoàn
thành việc triển khai thí điểm việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên các thôn, xóm,
tổ dân phố theo đúng quy định về thời gian, lộ trình theo Kế hoạch số 85 ngày
30/8/2017 của Ban chỉ đạo 1084 tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Tỵ, Phó Giám đốc Sở
Nội vụ, Phó Ban chỉ đạo 1084 tỉnh cho biết: Việc thực hiện thí điểm sáp nhập,
kiện toàn xóm, tổ dân phố được triển khai tại 22 đơn vị cấp xã, phường thuộc 11
huyện, thành phố. Đến nay, Sở Nội vụ đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị của
UBND 11 huyện, thành phố, gồm hồ sơ của 20 xã, phường, thị trấn đã thực hiện
xác lập thủ tục về việc thành lập, sáp nhập, đặt tên, đổi tên các thôn, xóm, tổ
dân phố. Còn 2 đơn vị chưa thực hiện được là xã Giáp Đắt (huyện Đà Bắc) do phải
tập trung khắc phục ảnh hưởng của cơn bão số 10 và xã Vạn Mai (huyện Mai Châu)
do chưa đảm bảo tỷ lệ cử tri tán thành phương án sáp nhập. Theo đó, Sở Nội vụ
đã trình UBND tỉnh hồ sơ của 11 huyện, thành phố đề nghị sáp nhập, đặt tên đối
với 82 thôn, xóm để thành lập 42 thôn, xóm và 41 tổ dân phố để thành lập 21 tổ
dân phố mới.
Bắt đầu triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 9/2017,
việc sáp nhập, kiện toàn xóm ban đầu đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như:
phương pháp tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân; quy trình,
thủ tục sáp nhập, sắp xếp các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể; đóng góp kinh phí
xây dựng Nhà văn hóa; quỹ đất bố trí xây dựng các công trình phúc lợi sau sáp
nhập; tâm lý đội ngũ cán bộ cơ sở về; lo ngại thay đổi tên xóm, tổ dân phố liên
quan đến các loại giấy tờ...
Trước thực tế đó, Ban chỉ đạo 1084 các cấp đã tăng
cường công tác lãnh chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc hướng dẫn giải quyết những vướng
mắc trực tiếp ở cơ sở; thống nhất phương án giải quyết khó khăn. MTTQ tỉnh và
các sở, ban, ngành, đoàn thể như: Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Phụ nữ, Hội
Nông dân... đã khẩn trương có hướng dẫn để cấp cơ sở giải quyết các vướng mắc
liên quan đến công tác chuyên môn thuộc lĩnh vực quản lý của ngành trong việc
triển khai thực hiện Đề án. Sở Nội vụ với chức năng là cơ quan thường trực của
Ban chỉ đạo 1084 đã chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo 1084 các huyện, thành phố
để thẩm định, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ. Ngày 16/11/2017, Sở Nội vụ đã có tờ
trình số 2797/TTr-SNV gửi UBND tỉnh về việc "Thành lập, sáp nhập, đặt tên, đổi
tên các thôn, xóm, tổ dân phố của các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện,
thành phố tỉnh Hòa Bình”.
Hiện nay, theo đề nghị của UBND các huyện, thành phố
trong tỉnh và báo cáo của Sở Nội vụ, UBND tỉnh đang xem xét, hoàn thiện để
trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định việc thành lập, sáp nhập, đặt tên và đổi
tên đối với 42 thôn, xóm và 21 tổ dân phố trên địa bàn tỉnh trong kỳ họp thứ 5,
HĐND tỉnh khóa XVI sắp tới.
Dương
Liễu