Từ nguồn tài trợ của tổ chức DDS Đan Mạch, Chương trình hợp lực (Dự án Thêm cây), Hội Nông dân tỉnh đã triển khai dự án tại 2 huyện (Cao Phong, Đà Bắc) với mục tiêu hình thành và tăng cường năng lực cho các nhóm nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Kể từ năm 2010 đến nay, tại địa bàn 6 xã hưởng lợi chương trình gồm: Toàn Sơn, Cao Sơn, Hào Lý, Tu Lý, Tân Minh, Hiền Lương đã thành lập được 30 nhóm nông dân sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ. Thông qua đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường của nông dân được nâng lên một bước.
Nhóm khai thác lâm nghiệp xóm Nà Chiếu, xã Cao Sơn là một trong những nhóm thành lập đầu tiên vào năm 2011. Hoạt động của nhóm ban đầu là trực tiếp đứng ra mua lại diện tích rừng của bà con và tổ chức khai thác, sau đó thuê xe vận chuyển đến bán thẳng cho nhà máy. Thực tế cho thấy, với cách làm này vừa tránh được tình trạng bị tư thương ép giá lại mang về lợi nhuận của các thành viên thông qua việc tham gia chuỗi giá trị. Các thành viên trong nhóm mạnh dạn chia sẻ rằng trước đây, trữ lượng gỗ bao nhiêu đều do tư thương tính toán. Từ chỗ được Dự án tập huấn kiến thức nên mỗi lần thu mua, khai thác, nông dân tự tính toán được trữ lượng nên hạn chế thấp nhất rủi ro. Đáng nói hơn cả là kể từ năm 2015, nhóm khai thác lâm nghiệp xóm Nà Chiếu đã phát triển lên loại hình HTX là HTX Nông, lâm nghiệp, dịch vụ và môi trường Cao Sơn.
Nhóm lâm nghiệp quy mô nhỏ xã Tân Minh (Đà Bắc) khai thác rừng sản xuất theo chu kỳ.
Một nhóm có hoạt động hiệu quả cũng được duy trì từ năm 2011 đến nay là nhóm lâm sản ngoài gỗ hay còn gọi là nhóm nuôi ong dưới tán rừng xóm Cha ở xã Toàn Sơn do chị Nguyễn Thị Bắc làm trưởng nhóm, tổng số 12 thành viên. Chị Bắc cho biết: Chúng tôi là những nông dân tự nguyện tham gia thành lập nhóm nuôi ong dưới tán rừng. ở đây, nhờ còn nhiều diện tích rừng nên nguồn thức ăn cho ong khá thuận lợi. Khi được hỗ trợ cầu ong, con giống, chúng tôi đã đăng ký tham gia thực hiện và tính toán, đổi công. Hiện nhóm có nguồn tăng thu nhập đều đặn hàng tháng, quý, năm từ nghề nuôi ong lấy mật.
Một nhóm nông dân sản xuất lâm nghiệp quy mô nhỏ khác cũng hoạt động khá tốt là nhóm nông dân xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn có sự tham gia của 12 thành viên trồng rừng mới.
Chương trình hợp lực (Dự án Thêm cây) có mục tiêu cải thiện sinh kế và thích ứng khí hậu dựa vào sản xuất lâm nghiệp quy mô nhỏ ở miền Bắc Việt Nam. Cái được lớn nhất của nông dân khi tham gia nhóm sở thích sản xuất lâm nghiệp quy mô nhỏ là được theo học các lớp huấn luyện nâng cao kiến thức, kỹ năng về kỹ thuật trồng một số cây lâm nghiệp, kỹ thuật vườn ươm, tính toán trữ lượng gỗ, hạch toán kinh doanh lâm nghiệp, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, maketting sản phẩm, tiếp cận thị trường... Ngoài ra, mỗi nhóm được hỗ trợ nguồn kinh phí ban đầu 20 triệu đồng cho hoạt động để mua vật tư, dụng cụ lâm nghiệp gồm: cuốc, xẻng, máy phát cỏ, cưa, phân bón và cây giống... Đến nay, 30 nhóm sản xuất lâm nghiệp quy mô nhỏ tiếp tục duy trì hoạt động với quy mô bình quân mỗi nhóm từ 12 - 15 thành viên.
Bùi Minh