(HBĐT) - Đại dịch Covid-19 khiến tình hình việc làm của người lao động (NLĐ) trên phạm vi cả nước bị ảnh hưởng nặng nề. NLĐ trong tỉnh cũng không tránh khỏi những tác động do đại dịch gây ra. Dự báo năm 2020, chỉ tiêu giải quyết việc làm cho NLĐ toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 94%. Nhiều giải pháp đang được tích cực triển khai, nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn đối với thực trạng lao động - việc làm.
Tháng 9/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm mở phiên giao dịch việc làm tại TP Hòa Bình thu hút gần 1.000 người lao động tham gia.
Các chỉ tiêu chính năm 2020 đều khó đạt
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, ngoài những lý do khách quan, chủ quan, đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chủ yếu khiến số lao động bị mất việc, ngưng việc tăng đột biến. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp hoặc đình trệ, khiến hàng loạt nhà máy, xí nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Giãn cách xã hội làm nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, hoạt động du lịch, khách sạn, nhà hàng... bị ảnh hưởng nặng nề. Lao động những ngành này đối mặt với nhiều khó khăn, không chỉ trong thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, mà dự báo còn tiếp tục kéo dài.
Đặc biệt, với tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh cho đến thời điểm này chủ yếu sang Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc. Đồng chí Đinh Hải Nam, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Hòa Bình cho biết: Mặc dù các doanh nghiệp vào khá nhiều, nhưng tuyển dụng lao động xuất khẩu lại được rất ít, chỉ tiêu kế hoạch XKLĐ không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2020, thành phố chỉ có 15 lao động xuất khẩu sang Đài Loan, trong khi năm 2019, số lao động xuất khẩu sang thị trường các nước Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc là 131 lao động. Nguyên nhân chính dẫn đến không hoàn thành chỉ tiêu xuất phát từ tâm lý của người dân "sợ covid". Đối với lao động làm việc trong nước, mặc dù có nhiều nỗ lực trong tổ chức sàn giao dịch, giới thiệu các công ty về tư vấn, giới thiệu việc làm, mở các lớp đào tạo nghề để người dân tự tạo việc làm, nhưng việc thực hiện chỉ tiêu của năm cũng không đạt 100%. Kết quả thực hiện 3.721 lao động, trong khi chỉ tiêu được giao năm 2020 là 3.990 lao động.
Cũng do ảnh hưởng đại dịch, hàng nghìn NLĐ trên địa bàn huyện Lạc Sơn phải mất việc tạm thời trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, do các DN trong nước tạm ngừng hoạt động. Kể từ quý II/2020, hầu hết số lao động này quay trở lại làm việc, phần lớn tại các công ty sản xuất của các tập đoàn lớn đóng tại khu công nghiệp thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên... Hiện nay, có khoảng 2.000 lao động tự tạo việc làm và việc làm mới, ước đạt trên 90% chỉ tiêu kế hoạch năm. Đối với công tác XKLĐ, huyện đang rà soát thống kê lao động ở các xã. Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Văn Chính, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện, XKLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài ảm đạm như tình hình chung.
Tính đến hết tháng 10, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới và việc làm tăng thêm cho khoảng 11.800 lao động, đạt 73,75% kế hoạch được giao. Việc làm tăng thêm chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ (bán hàng online, vận chuyển...). XKLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 80 người, trong đó, có một vài trường hợp xuất khẩu sang thị thường Nhật Bản, còn lại tập trung ở thị trường Đài Loan, Hàn Quốc.
Trước đây, mỗi năm, các DN tuyển dụng nhiều lao động của tỉnh như Samsung, Canon tuyển dụng ít nhất 1.000 lao động, năm nay đã tạm dừng. Một số DN của tỉnh cắt giảm lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, dẫn đến công tác giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn. Đến nay, có trên 200 lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, gần 200 lao động chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, gần 5.000 lao động không có giao kết hợp đồng lao động được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Đồng bộ các giải pháp về lao động - việc làm
Có một thực tế, cùng với thực trạng lao động - việc làm gặp biến động do ảnh hưởng dịch Covid-19, công tác tuyển dụng lao động cho DN năm 2020 gặp khó khăn. Số NLĐ nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng cao. Cụ thể, có 4.674 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, so với năm 2019 tăng 18%, đã thực hiện chi trả số tiền gần 55 tỷ đồng, tăng 29%.
Đồng chí Quách Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai kịp thời Kết luận số 77-KL/TW, ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg để hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, lao động bị mất việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trả lương cho NLĐ, với nguồn kinh phí đã hỗ trợ trên 5 tỷ đồng.
Trong quý III/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã mở 11 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương, trung bình mỗi phiên có gần 400 lao động, hơn 30 DN, cơ sở dạy nghề tham gia, có 681 lao động được tuyển dụng trực tiếp qua các phiên giao dịch, hơn 1.000 lao động đã đăng ký học nghề, XKLĐ. Ngành cũng tạo điều kiện cho 12 doanh nghiệp tuyển dụng lao động của tỉnh đi XKLĐ, 6 DN tuyển dụng lao động trong nước. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn trực tiếp tại trung tâm, qua các hội nghị tư vấn việc làm tại các huyện cho trên 4.000 lượt lao động.
Bên cạnh việc tạo điều kiện để các DN trong và ngoài tỉnh tuyển dụng lao động, ngành LĐ-TB&XH phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức tập huấn, tuyên truyền về chính sách cho vay giải quyết việc làm, XKLĐ, tạo tiền đề cho công tác lao động - việc làm những năm tiếp theo. Năm 2021, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, ngành đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng chỉ tiêu tạo việc làm trong nước cho 15.800 lao động; phấn đấu tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 2,6%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 57%. Để đạt được các chỉ tiêu trên, Sở tham mưu tổ chức thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án được ban hành, nhằm tạo nhiều việc làm mới và giải quyết việc làm cho NLĐ. Thực hiện cơ cấu lại lực lượng lao động, cả về quy mô, chất lượng, ngành nghề... tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm, đa dạng hóa hoạt động giao dịch việc làm, tiếp tục phát huy, nâng cao năng lực hoạt động sàn giao dịch việc làm, góp phần tích cực kết nối cung - cầu lao động. Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao. Mặt khác, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Mở rộng hình thức đào tạo theo địa chỉ, nhu cầu của DN, đảm bảo sau đào tạo, lao động có được việc làm.
Thông qua nguồn vốn chính sách, hộ nghèo xã Văn Sơn (Lạc Sơn) được tạo việc làm tại chỗ.
Bùi Minh
Phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn
Dịch Covid-19 tác động không nhỏ đối với tình hình lao động - việc làm ở nông thôn. Cụ thể, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, trên địa bàn xã có một số trường hợp lao động bị tạm ngừng hoặc mất việc làm, chủ yếu là lao động tự do. Trong thực hiện chi trả tiền hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong gói 62.000 tỷ đồng, xã tiếp nhận trên 60 đơn. Tuy nhiên, hầu hết đối tượng kê khai lại không đáp ứng được các điều kiện thủ tục để xét duyệt hồ sơ theo quy định.
Ngoài số lao động làm việc tại nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đi làm trở lại bình thường, tình hình việc làm cho lao động nông thôn còn nhiều khó khăn. Nắm bắt nhu cầu tạo việc làm tại chỗ, năm 2020, Trung tâm Dạy nghề, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp mở tại xã được 8 lớp nghề cho lao động nông thôn, với các nghề mây tre đan, nuôi gà hữu cơ, chăn nuôi trâu, bò, trồng cây ăn quả có múi, may túi siêu thị... Sau khóa đào tạo, hơn 250 học viên được cấp chứng chỉ nghề đã tích cực ứng dụng kiến thức được học vào công việc sản xuất của gia đình. Trong đó, lớp nghề may túi siêu thị đang phát triển tốt, thành lập được nhóm sản xuất với khoảng 15 lao động tham gia, đảm bảo việc làm, thu nhập.
Bùi Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND xã Nam Thượng (Kim Bôi)
Mong muốn được tạo điều kiện xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu tại chỗ
Với tác động của đại dịch Covid-19, tình hình hoạt động của Công ty TNHH Pacific gặp không ít khó khăn, cụ thể là về thị trường tiêu thụ. Sản lượng xuất khẩu hàng hóa giảm 35 - 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ với đặc thù hàng hóa là mặt hàng nông sản dự trữ, chuyên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, nên doanh nghiệp vẫn ổn định việc làm, tiền lương cho gần 300 lao động, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, đảm bảo duy trì 50% ngày công lao động/tháng và thu nhập cho 43 người đã nghỉ hưu vẫn được doanh nghiệp tiếp tục ký hợp đồng.
Các khó khăn vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới. Nhất là đối với lĩnh vực xuất khẩu còn tiếp tục bị hạn chế, do các đối tác thương mại hàng đầu, bao gồm cả Nhật Bản vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Mặt khác, nguyên liệu cần cho sản xuất bị cạn kiệt. Phía doanh nghiệp mong muốn được ngành chức năng, cụ thể là Sở NN&PTNT tạo điều kiện để xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu. Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, Pacific đồng thời mong nhận được sự ủng hộ của Nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, để có tương lai ổn định, lâu dài, nhà máy sản xuất của doanh nghiệp cần sớm được đưa vào khu công nghiệp tập trung, giúp mang lại hiệu quả KT-CXH cao, đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng, môi trường...
Phạm Duy Khoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Pacific (TP Hòa Bình)
Hỗ trợ hộ làm du lịch cộng đồng tái xây dựng sinh kế hậu Covid-19
Những hộ làm du lịch cộng đồng (DLCĐ) như chúng tôi đã trải qua một năm vô cùng khó khăn. Ở nửa năm đầu 2020, gần như xã Tiền Phong nói riêng, huyện Đà Bắc nói chung không có đoàn khách du lịch nào đến, đồng nghĩa với việc những hộ làm du lịch rơi vào tình cảnh không có việc làm, thu nhập. Hàng chục lao động "ăn theo" hoạt động DLCĐ, gồm thành viên trong đội văn nghệ, dịch vụ tàu thuyền, dệt thổ cẩm... cũng mất việc, mất nguồn thu.
Hiện nay, khi tình hình cải thiện hơn, hoạt động DLCĐ tại khu du lịch hồ Hòa Bình đang bình thường trở lại. Từ nửa đầu tháng 9 đến nay, các homestay ở địa phương bắt đầu đón khách thông qua sự giới thiệu, kết nối của Công ty CP Du lịch cộng đồng Đà Bắc với đối tác là công ty lữ hành. Hơn lúc nào hết, chúng tôi mong dịch Covid-19 qua mau để vực dậy ngành du lịch, những người làm du lịch ra khỏi "khủng hoảng" lao động - việc làm. Bên cạnh đó, hộ làm du lịch địa phương được hỗ trợ thêm về kỹ năng làm du lịch và phát triển cộng đồng, đào tạo về nghiệp vụ, giúp nâng cao khả năng kiểm soát các tác động của du lịch đối với cộng đồng và ngược lại; hỗ trợ về vốn đầu tư cải tạo lại cơ sở lưu trú để sẵn sàng đón du khách quốc tế.
Lò Văn Thích, Chủ homestay Quang Thọ, xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc)
(HBĐT) - Ngày 25/11, đoàn cứu trợ TP Hòa Bình gồm 15 thành viên là lãnh đạo UB MTTQ, Hội Chữ thập đỏ thành phố và các phường, xã, cùng 2 xe tải hàng hóa đã lên đường đến 3 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) bị ảnh hưởng lũ lụt để trao quà hỗ trợ.
(HBĐT) - Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2020, toàn tỉnh có 82.541 người tham gia BHXH, đạt 17,1% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, tham gia BHXH bắt buộc 74.096 người, đạt 15,4% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt 93,2% kế hoạch; 8.445 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 1,76% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt 60,4% kế hoạch.
(HBĐT) - Chiều 25/11, tại Trường PT DTNT THCS&THPT B Mai Châu, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với nhà trường tổ chức trao thưởng cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết cận huyết thống”.
(HBĐT) - Ngày 25/11, Hội LHPN tỉnh, Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF), Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Hội LHPN huyện Yên Thuỷ phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá kết quả phối hợp, thực hiện dự án "Tăng cường vai trò của phụ nữ và trẻ em gái tỉnh Hoà Bình trong phòng, chống bạo lực giới (PCBLG)” tại huyện Yên Thuỷ. Dự hội nghị có lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, UBND huyện Yên Thuỷ, đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Quỹ JIFF, các ngành, đơn vị liên quan và các xã vùng dự án trên địa bàn huyện Yên Thuỷ.
(HBĐT) - Chiều 25/11, lãnh đạo Huyện ủy, UB MTTQ huyện Kim Bôi đã đến trụ sở UB MTTQ tỉnh trao số tiền 400 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai.
(HBĐT) - Ngày 25/11, tại TP Hòa Bình, Ban Xã hội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp BHXH Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại và tư vấn chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với nông dân. Dự hội nghị có hơn 250 đại biểu là cán bộ, hội viên Hội Nông dân TP Hòa Bình.