(HBĐT) - Những năm qua, mỗi mùa mưa bão lại xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến tài sản, tính mạng người dân. Chính vì vậy, đối phó với thiên tai, ngoài sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền, rất cần sự đồng lòng của người dân.
Cuối tháng 10 vừa qua, địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to trên diện rộng. Ngày 30/10, đồi Lủ Thao, giáp khu dân cư xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) có hiện tượng nước lẫn đất chảy xuống phía chân đồi. Qua khảo sát xuất hiện nhiều vết nứt dài 20 - 30 m, rộng 40 - 60 cm, các vết nứt cách nhau từ 8 - 10 m. Với chiều dài các vết nứt, nếu tiếp tục mưa dài ngày, nguy cơ sạt lở rất dễ xảy ra. Khi đó, ước sẽ có khoảng 40 - 45 nghìn m3 đất, đá tràn xuống nhà dân.
Ngay sau khi nhận được thông tin của chính quyền địa phương, Ban chỉ huy (BCH) phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Lương Sơn đã phối hợp BCH PCTT&TKCN tỉnh tiến hành kiểm tra hiện trường. Qua đó, xác định phải thực hiện gấp phương án di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Theo lãnh đạo xã Lâm Sơn, ngay sau khi nhận được chỉ đạo từ Huyện ủy, UBND huyện Lương Sơn, chính quyền xã cùng với xóm đã có cuộc họp với các hộ dân, thống nhất di dời khẩn cấp các gia đình trong vòng nguy hiểm. Điều đáng mừng là phương án đã nhận được sự thống nhất cao của người dân.
Cụ thể, 110 nhân khẩu của 24 hộ dân xóm Rổng Vòng đã được sơ tán đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng ngay sau đó thực hiện cắm chốt 24/24h để cảnh báo người dân, phân luồng giao thông không đi vào vùng nguy hiểm. Huyện cũng lên phương án hỗ trợ người dân về kinh phí, trước mắt hỗ trợ 50 nghìn đồng/ người/ngày trong vòng 7 ngày.
Khu dân cư xóm Rổng Vòng có 145 hộ, trên 600 nhân khẩu, nằm dưới chân đồi Lủ Thao, diện tích khoảng trên 20 ha, được quy hoạch là đất trồng rừng sản xuất. Đồi Lủ Thao có nền đất yếu, độ phong hóa thảm thực vật cao, dễ bị sạt lở khi có lượng mưa lớn, đỉnh đồi cao trên 200m so với khu dân cư.
Được biết, tại vị trí độ cao khoảng 50 - 60 m so với khu dân cư, từ những năm 2015 đã xuất hiện vết nứt dài khoảng 30 m, bề rộng vết nứt 0,3 - 0,5 m. Thời điểm đó, huyện Lương Sơn đã đầu tư xây dựng kè chống sạt lở. Dự án đã được triển khai, tuy nhiên, do thiếu kinh phí, bên cạnh đó, khu vực này tiềm ẩn nguy cơ sạt, trượt khá cao, khó có khả năng khắc phục.
Theo đồng chí Bùi Quang Toàn, Bí thư Huyện ủy Lương Sơn, tại buổi kiểm tra sau đó với lãnh đạo UBND tỉnh, huyện đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí đảm bảo ổn định lâu dài các hộ dân được di dời, cũng như toàn bộ xóm Rổng Vòng trong thời gian tới; đưa diện tích 20 ha đất đồi Lủ Thao đang được quy hoạch là đất rừng sản xuất, sang quy hoạch đất rừng phòng hộ; xử lý triệt để nguy cơ sạt lở đất đồi...
Theo sự chỉ đạo của tỉnh sẽ triển khai khảo sát, đánh giá hiện trạng trên diện rộng nhằm có hướng xử lý tổng thể trong toàn khu vực. Đồng thời, sẵn sàng có hướng tái định cư cho người dân trong vùng nguy hiểm trường hợp cần thiết.
Từ việc kịp thời di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm ở xóm Rổng Vòng cho thấy, để góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai, kiến thức, ý thức tự giác, chủ động chuẩn bị phòng tránh, ứng phó của từng hộ gia đình, người dân cũng như vai trò, sự chủ động của các cấp chính quyền có ý nghĩa quan trọng; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động nâng cao ý thức, tự giác trong phòng, chống thiên tai.
Song song với đó, chủ động có sẵn quỹ đất phù hợp phục vụ tái định cư, nhằm có thể sớm ổn định cuộc sống tốt hơn so với nơi ở cũ cho người dân. Chính quyền cấp xã thường xuyên rà soát, cập nhật các điểm có nguy cơ sạt lở đất, núi, sông...; kịp thời báo cáo, thực hiện di dời dân đến nơi an toàn sớm nhất, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân.
Hồng Trung