Người dân xã Dũng Phong (Cao Phong) tìm hiểu, tra cứu thông tin các văn bản pháp luật tại bộ phận một cửa của xã.
Thời gian trước, do chưa sử dụng phần mềm đăng ký hộ tịch (ĐKHT) điện tử, chưa có phần mềm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), nên chưa cấp được số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh cho trẻ em, việc thống kê số liệu hộ tịch còn có sai sót, chậm trễ vì phải làm thủ công… Từ ngày 10/10/2019, toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch (QLHT) của Bộ Tư pháp tại các cơ quan ĐKHT 3 cấp. Phần mềm đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ đăng ký, QLHT theo Luật Hộ tịch năm 2014. CSDLHTĐT được quản lý tập trung, liên thông, cho phép làm việc mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều loại thiết bị khác nhau. Công dân có thể sử dụng phần mềm để ĐKHT trực tuyến. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố, 151 xã, phường, thị trấn khai thác, sử dụng phần mềm QLHT. Sở Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thành phố triển khai, tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các nội dung nghiệp vụ về ĐKHT, như: Đăng ký lại việc sinh, đăng ký khai sinh quá hạn, thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch đối với người lớn tuổi, bệnh tật, già yếu; đăng ký mới, đăng ký lại kết hôn, đảm bảo xác định chính xác tình trạng hôn nhân của công dân. Phối hợp trao đổi kịp thời bằng văn bản với cơ quan Công an tại địa bàn về thông tin của công dân khi đăng ký khai sinh, khai tử để có cơ sở bổ sung, quản lý, theo dõi nhân khẩu tại địa phương.
Thực hiện Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở Tư pháp, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp thực hiện việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh qua hệ thống đăng ký khai sinh điện tử. Thông qua công tác đăng ký khai sinh điện tử của Bộ Tư pháp, CSDLQGVDC của Bộ Công an để thu thập, cập nhật thông tin dân cư, cấp số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh. Đây là mã số để quản lý công dân, là chìa khóa để kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin dân cư giữa CSDLQGVDC, CSDLHTĐT với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trong quá trình nhập dữ liệu công dân, phối hợp chặt chẽ với Công an các cấp để đảm bảo thông tin chính xác. Đối với trường hợp thiếu, sai sót thông tin, Sở Tư pháp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thông tin cho công dân, phối hợp chặt chẽ với công dân trong đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin còn thiếu, hoặc chưa chính xác trước khi cập nhật vào phần mềm hộ tịch toàn quốc. Qua đó, nhằm đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân. Đến nay, đã có 14.216 trường hợp được cấp mã số định danh khi đi đăng ký khai sinh.
Sau hơn 1 năm thực hiện việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, như: Trình độ CNTT của cán bộ tư pháp cấp xã hạn chế, vẫn xảy ra trường hợp nhập sai thông tin dân cư khi đăng ký khai sinh, dẫn đến việc phải hủy số định danh cá nhân, điều chỉnh thông tin công dân, ảnh hưởng đến tài nguyên số chung và thời gian giải quyết TTHC cấp giấy khai sinh cho công dân. Mặt khác, đường truyền kết nối giữa Trung tâm CSDLHTĐT của Bộ Tư pháp và Trung tâm CSDLQGVDC của Bộ Công an chỉ có một đường truyền nên việc kết nối nhiều khi bị gián đoạn, ảnh hưởng đến việc cấp số định danh cho công dân…
Đồng chí Bùi Thị Thúy Bình, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Để việc phối hợp cấp số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh của 2 bộ ngày càng chặt chẽ, đạt hiệu quả, đảm bảo đúng quy định của Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ cập nhật các đơn vị hành chính cấp xã mới theo Nghị quyết số 830 vào CSDLHTĐT. Đồng thời, cần ưu tiên về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng tốc độ đường truyền để khắc phục các tồn tại, bất cập hiện nay trong quá trình đăng ký khai sinh, cấp mã số định danh cho công dân.
Đinh Thắng