(HBĐT) - Với phương châm "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Hiền Lương (Đà Bắc) xác định công khai, minh bạch là "chìa khóa” thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nội dung công khai ngoài tập trung vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách an sinh xã hội, kế hoạch phát triển KT-XH, địa phương còn thực hiện công khai trong huy động vốn làm đường giao thông, huy động, sử dụng các loại quỹ như: đền ơn - đáp nghĩa, vì người nghèo...
Với nhiều hình thức như: niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, họp khu dân cư..., xã luôn bảo đảm người dân được nắm vững để thực hiện và kiểm tra việc giải quyết của chính quyền các cấp.
Để có được con đường bê tông dẫn đến nhà văn hóa xóm, ông Triệu Văn Minh, Bí thư chi bộ xóm Doi kể: Chúng tôi đã tổ chức họp xin ý kiến Nhân dân, sau khi thống nhất, đóng góp, quá trình xây dựng, bà con tiếp tục tham gia giám sát, nghiệm thu... Do cách làm như vậy nên bà con rất phấn khởi, tin tưởng, thi đua thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, các hộ đã hiến diện tích đất không nhỏ để xây dựng các công trình, tiêu biểu là hiến 2.400 m2 xây dựng trường mầm non, 1.400 m2 xây dựng nhà văn hóa xã, hơn 300 m2 xây dựng đường giao thông...
Thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Hiền Lương chủ động thực hiện tốt việc thông tin, tuyên truyền, vận động động Nhân dân. Đơn cử như trong xây dựng nông thôn mới, với phương châm "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, khi có chủ trương làm bất kỳ việc gì, các xóm đều đưa ra bàn bạc công khai và chỉ triển khai thực hiện khi có sự đồng thuận cao từ người dân. Do vậy, Nhân dân hết sức ủng hộ. Theo đồng chí Nguyễn Đăng Giáp, Bí thư Đảng ủy xã, năm 2014, người dân hiến đất nhiều nhất với 1,4 ha, chủ yếu ở xóm Ké và xóm Doi để làm đường giao thông nông thôn, khu tái định cư Bơ Trùng cho 35 hộ và một số công trình khác. Năm 2018, xã có 3 công trình nhà văn hóa các xóm: Rồng, Ké và Dưng được xây dựng. Người dân các xóm hiến hơn 1.000 m2 đất, đồng thời đóng góp tiền (ngoài 20 triệu đồng xã cấp từ nguồn NSNN); nhiều nhất là người dân xóm Ké đóng góp 200 triệu đồng. Trong các năm tiếp theo, những tiêu chí khó được Nhân dân tích cực chung tay thực hiện. Nhờ đó, đầu năm 2020, Hiền Lương đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, hàng năm, Đảng ủy xã triển khai đến 100% cán bộ, công chức, đảng viên và tổ chức đăng ký thực hiện. Đảng ủy xã chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể CT-XH phối hợp triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Công tác giám sát thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, nhất là lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Đăng Giáp, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: Có thể thấy, thực hiện tốt QCDC ở cơ sở còn là giải pháp góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Đồng thời, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền theo hướng gần dân, vì dân phục vụ hơn. Qua đó phát huy sức mạnh của Nhân dân tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH, nâng cao đời sống Nhân dân. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 11,66%, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm, kết quả này có được một phần nhờ Hiền Lương đã thực hiện tốt QCDC ở cơ sở.
Hải Yến