(HBĐT) - Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại thăm bản Dao Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nơi đây. Bà Rà như được "khoác” lên mình chiếc áo mới, không còn những con đường dốc, đất, đá lởm chởm, những ngôi nhà dột nát xiêu vẹo… mà thay vào đó là những ngôi nhà kiên cố, con đường được bê tông hóa từ ngoài trung tâm xã vào đến tận bản.
Đưa chúng tôi đi thăm quan quanh xóm, anh Lý Sinh Thế, Trưởng bản Bà Rà cho hay: Năm nay, người dân được đón một tết vui, ý nghĩa và đủ đầy hơn mọi năm. Con đường mới được đổ bê tông vào đến tận trung tâm bản đã giúp cho trẻ nhỏ đi học được thuận lợi hơn, người dân đi lại trao đổi hàng hóa với các địa phương khác cũng được dễ dàng hơn. Tuy chỉ cách trung tâm xã khoảng 5 km, nhưng đoạn đường lại leo ngược đồi, đồi dốc quanh co. Chỉ năm trước thôi, trời nắng khô còn đi được, nhưng nếu gặp trời mưa, đường dốc trơn trượt chúng tôi chỉ còn cách bỏ xe lại đi bộ, leo dốc về nhà, còn trẻ nhỏ thì nghỉ học vì không đi lại được. Nay con đường bê tông mới đã mang đến nhiều ước mơ, hy vọng mới cho bà con trong bản. Giờ đây, nhiều hộ đã làm nhà mới khang trang, kiên cố, sắm dược đồ dùng sinh hoạt đắt tiền như ti vi, xe máy, ô tô… Có đường, có điện, cuộc sống của người dân bản Dao đổi thay từng ngày. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con trong bản đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế vào canh tác. Trong đó, một số loại cây được xác định là cây trồng chủ lực mang giá trị kinh tế như keo, lành hanh, chè… Bên cạnh đó, một số hộ mạnh dạn trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi… cây phát phát triển tốt bước đầu đã cho thu nhập khá.
Bản Bà Rà hiện có 87 hộ dân, trong đó có trên 60% hộ được công nhận gia đình văn hóa. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống Nhân dân đã đổi thay nhanh chóng. Từ những quả đồi trơ trọi, nay được phủ xanh bởi rừng. Người dân đã xây dựng chuồng trại kiên cố, sạch sẽ để nuôi trâu bò, lợn, gà… Nhờ mạnh dạn chuyển đổi, biết áp dụng KHKT vào trồng chọt, chăn nuôi, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt trên 20 triệu đồng/năm, hộ nghèo còn 5,7%. Trong đó, nhiều gia đình có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, điển hình như gia đình các ông: Triệu Lục Liên, Triệu Xuân Vinh, Triệu Xuân Tình, Phùng Đăng Phúc, Lý Sinh Sơn… Kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, các phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của người Dao được khôi phục và giữ gìn.
Ông Triệu Lục Liên, người có uy trong bản kể: Ngày trước, đồng bào dân tộc Dao sống du canh du cư, cuộc sống nay đây mai đó rất vất vả. Không có chỗ ở ổn định, đói nghèo luôn đeo bám. Đến khi được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con đã định cư ổn định và tập trung phát triển kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi. Cuộc sống ổn định, trẻ nhỏ đã được học tập, vui chơi trong điều kiện tốt. Không chỉ phát triển mạnh về kinh tế mà người dân nơi đây luôn giữ mối đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuốc sống. Nhắc nhở nhau chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không vi phạm pháp luật. Hiện nay, những hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, người dân giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc qua lễ hội, tín ngưỡng dân gian, trang phục, tiếng nói, chữ viết…, không có trường hợp tảo hôn, trẻ được phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Những ngày này, bà con trong bản đều đang tất bật hoàn thành nốt các công việc còn dang dở và bắt tay vào trang hoàng nhà cửa chuẩn bị các món ăn truyền thống dâng lên tổ tiên, ông bà báo cáo về thành quả của năm qua, đón năm mới với những điều tốt lành nhất.
Chia tay bản Dao Bà Rà, hình ảnh những người phụ nữ Dao tất bật bên bếp lửa hồng chuẩn bị bữa cơm chiều, nụ cười rạng rỡ của những em bé khi được mua áo mới hay những chuyến xe xuôi ngược chở nông sản và nhu yếu phẩm thiết yếu chạy bon bon trên tuyến đường bê tông vào bản gây ấn tượng mãi trong tôi. Một mùa xuân mới, ấm no, hạnh phúc hơn đang về với đồng bào dân tộc Dao nơi đây.
Hồng Ngọc