Trung tâm thương mại Vincom Plaza (TP Hòa Bình) đảm bảo các mặt hàng phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Tối 30/1, tỉnh ta công bố có 2 ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng mắc Covid – 19. Ngay tối hôm đó và trong ngày 31/1 có việc một bộ phận người dân đã vội vàng đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ vì lo sợ dịch bệnh bùng phát sẽ xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Chị Hương Giang, phường Đồng Tiến chia sẻ: Nghe thông tin trên địa bàn có bệnh nhân nhiễm Covid-19, thực sự gia đình lo lắng lắm. Vì dịch bệnh xảy ra gần Tết nên tôi cứ nghĩ sẽ thiếu các mặt hàng, vì vậy hôm sau đã dậy sớm đi mua khá nhiều thịt, cá, giò, mì tôm, rau củ và cả bánh kẹo. Nhưng chỉ một, hai hôm sau tôi đã thấy việc mua hàng dự trữ là thừa vì các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị vẫn hoạt động bình thường, hàng hóa dồi dào và nhất là giá cả vẫn ổn định như khi chưa có dịch. Sau sự việc này gia đình cũng thấy đã lo lắng thái quá, không cần thiết.
Trao đổi về vấn đề hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid - 19 thuộc phạm vi quản lý ngành Công Thương, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngay trong ngày 31/1, Sở đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố kích hoạt, triển khai phương án và kịch bản đảm bảo nguồn cung hàng hóa theo Kế hoạch số 438/KH-SCT ngày 01/4/2020 của Sở Công Thương về đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu phục vụ theo các cấp độ của dịch bệnh tại địa phương phù hợp với tình hình mới. Sở cũng chỉ đạo các siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình thị trường, cung cầu hàng hóa và tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi đầu cơ, găm giữ hàng, vi phạm về giá bán... đối với các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu cao. Trước đó, các trung tâm thương mại, siêu thị đã sớm có kế hoạch chủ động nguồn hàng và thực hiện chương trình bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán với số lượng hàng hóa tăng từ 15 - 20%. Có thể khẳng định, hiện nay, nguồn cung hàng hóa trên toàn tỉnh được đảm bảo phục vụ Tết Nguyên đán và kể cả cho phương án phòng dịch Covid – 19. Nếu dịch bệnh có diễn biến xấu hơn thì vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong chỉ đạo của Sở Công Thương, ngoài nguồn cung đảm bảo phục vụ Tết Tân Sửu, Sở đã chỉ đạo gắn luôn với kịch bản dự phòng nếu xảy ra dịch bệnh. Trong năm 2020, các huyện, thành phố đều có kịch bản hết sức cụ thể về nguồn cung hàng hóa nếu xảy ra từng cấp độ của dịch.
Song song với đó, Sở Công Thương đã chỉ đạo ngành điện bám sát tất cả các địa điểm, nhất là ở những khu cách ly tập trung, đặc biệt là tại khu vực cư trú của 2 bệnh nhân mắc Covid – 19 ở phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) và thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) đảm bảo nguồn điện phục vụ sinh hoạt cho bà con. Riêng 2 địa điểm này nguồn cung hàng hóa luôn được đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận để bán hàng bình ổn giá cho người dân. Có những doanh nghiệp cam kết đảm bảo nguồn cung và cũng có doanh nghiệp đã trực tiếp đến hỗ trợ,tặng quà các hộ dân khu vực phong tỏa ở khu Ban Rừng, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc).
Ngoài ra, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện tốt thông điệp 5K, thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc, bố trí các điểm rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn để hạn chế, phòng tránh lây lan dịch bệnh…
Với sự chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo nguồn cung hàng hóa, nên theo đánh giá của Sở Công Thương, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, hàng hóa phong phú do các cơ sở kinh doanh tăng cường tập kết, dự trữ để phục vụ nhu cầu ngày Tết. Tuy sức mua tăng mạnh hơn nhưng do nguồn cung dồi dào và có sự chuẩn bị hàng hóa chu đáo của các siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh nên mặt bằng giá các hàng phục vụ Tết năm nay không có hiện tượng tăng đột biến. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2021 ước tăng 1,02% so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1 ước đạt 3.720 tỷ đồng, tăng 0,59% so với tháng trước.
Tuy nhiên, theo đồng chí Giám đốc Sở Công Thương, thời gian tới dự báo tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp. Chính vì vậy, các huyện, thành phố cần kích hoạt lại kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong mọi cấp độ.
Bình Giang