Cộng tác viên dân số xóm Tràng, xã Tú Lý (Đà Bắc) tuyên truyền chính sách dân số cho người dân trên địa bàn.
Theo thống kê của trạm y tế xã, năm 2019, xã có 13/123 trẻ sinh ra là con thứ 3, năm 2020 có 9/77 trẻ sinh ra là con thứ 3 và có 7/77 trẻ sinh ra là con của phụ nữ dưới 20 tuổi. 2 tháng đầu năm nay, xã đã có 2/15 trẻ sinh ra là con thứ 3. Các trường hợp sinh con thứ 3 tập trung chủ yếu tại các xóm: Mít, Suối Thương, Cháu… Chị Đinh Thị Ngọc, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: Xã có 1.427 hộ, 5.994 nhân khẩu, trong đó có 1.569 phụ nữ từ 15-19 tuổi có chồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 gia tăng trên địa bàn, như nhận thức người dân không đều, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề, bắt buộc phải có con trai, tỷ lệ số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai mới đạt 74,5%. Một số trường hợp dù được hướng dẫn các biện pháp tránh thai hiện đại nhưng vẫn bị vỡ kế hoạch, do sử dụng các biện pháp tránh thai không bền vững. Thêm vào đó, do đời sống người dân được nâng cao, kinh tế phát triển, có gia đình dù đã có đủ cả con trai, con gái nhưng vẫn muốn sinh thêm con thứ 3 cho vui cửa, vui nhà. Ngoài ra, do chế tài xử phạt đối với cán bộ, đảng viên và người dân sinh con thứ 3 trở lên đang có phần nới lỏng, nên nhiều trường hợp gia đình cán bộ, đảng viên cố tình sinh thêm con thứ 3 trở lên.
Cùng cán bộ chuyên trách dân số xã, chúng tôi đến xóm Suối Thương - một trong những xóm có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao của xã. Xóm có 76 hộ với 338 nhân khẩu, 2 tháng đầu năm nay, 2 trường hợp sinh con thứ 3 của xã đều ở xóm. Ngồi ôm con nhỏ trong lòng, chị Đinh Thị L, sinh năm 1996 cho biết: "Cũng được y tế thôn bản, cả cộng tác viên dân số đến vận động, tuyên truyền về thực hiện các biện pháp tránh thai nhiều lần, nhưng do chưa có con trai nên vợ chồng tôi không sử dụng. Đã sinh được cháu thứ 3 là con trai, chứ nếu là con gái chắc vẫn phải cố sinh thêm con trai để có người nối dõi, nương tựa lúc về già”.
Không chỉ chị L mà tư trưởng trên đã đeo bám, đè nặng trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân tại các thôn, xóm. Do tâm lý, tập quán thích có đông con, đẻ nhiều con để tăng nhân lực lao động, sinh con "có nếp, có tẻ”, sinh con trai nối dõi tông đường nên nhiều gia đình vẫn sinh con thứ 3 trở lên.
Trước trực trạng trên, cán bộ chuyên trách dân số xã đã phối hợp chính quyền các thôn, xóm, hội, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ với nhiều hình thức, lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp, buổi sinh hoạt; thành lập các câu lạc bộ (CLB) về dân số: CLB tiền hôn nhân, CLB gia đình không sinh con thứ 3, CLB không tảo hôn và hôn nhân cận huyết… Ngoài ra, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh và tờ rơi; đưa nội dung này vào quy ước, hương ước để bà con cùng thực hiện.
Gia tăng tình trạng sinh con thứ 3 đã, đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của một bộ phận người dân. Giải quyết vấn đề này, ngoài nỗ lực của cán bộ dân số rất cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó, cũng cần có những chế tài xử phạt thật nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên và người dân vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.
Hồng Ngọc