Ngầm tràn chân dốc Bo dẫn vào trung tâm xóm Thung, xã Suối Hoa (Tân Lạc) đã xuống cấp, thường xuyên ngập úng trong mùa mưa gây khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, cung đường trung tâm xã Suối Hoa đi xóm Thung khoảng 8 km đã cơ bản được bê tông hóa, đạt tỷ lệ 95%. Tuy nhiên, do địa bàn bị chia cắt bởi suối Thung, dọc tuyến có 2 ngầm tràn do Nhân dân quyên góp kinh phí xây dựng hiện hoạt động không hiệu quả. Khảo sát thực tế tại ngầm chân dốc Bo được xây dựng khoảng năm 2010, dài khoảng 15 m, rộng 3 m. Tại khu vực ngầm tràn không có biển cảnh báo. Các hạng mục công trình như bề mặt ngầm, cống thoát nước đã hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn khi người dân lưu thông trong mùa mưa bão.
Anh Bùi Văn Hung ở xóm Thung thường xuyên lưu thông qua ngầm cho biết: "Vào mùa mưa bão, trung bình có đến 10 lần nước lũ đổ về tràn qua mặt ngầm, nước chảy xiết, người dân sinh sống trong vùng không thể lưu thông qua ngầm, học sinh buộc phải nghỉ học. Trước đó, khi chưa có đường giao thông, người dân trồng ngô, sắn tiêu thụ rất khó, giá thành bấp bênh. Giá ngô tại khu vực trung tâm xã bán được 40.000 - 45.000 đồng/ yến tại đây chỉ bán được giá 30.000 đồng/ yến. Đối với chi phí vận chuyển keo là 1 triệu đồng/chuyến, cao gấp đôi so với các xóm vùng ngoài”.
Xóm Thung có 93 hộ, 455 nhân khẩu, dân cư sinh sống rải rác, không tập trung. Do địa bàn rộng, địa hình phức tạp nên hệ thống đường giao thông chưa được cứng hóa đồng bộ, các tuyến đường nội xóm, nội đồng chủ yếu là đường đất. Thời tiết không thuận lợi, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Nhân dân chưa xác định được cây, con giống chủ lực. Các mô hình chăn nuôi, trồng trọt sản xuất quy mô nhỏ, lẻ. Theo rà soát, tổng diện tích đất tự nhiên toàn xóm 450 ha, trong đó, diện tích đất sản xuất chỉ có trên 30 ha, còn lại chủ yếu là đồi, núi cao. Tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì khoảng 2.500 con. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm bấp bênh, thị trường đầu ra không ổn định.
Ông Bùi Văn Son, Trưởng xóm Thung cho biết: "Từ khi có đường giao thông thuận tiện đến trung tâm xóm, giá thành hàng hóa nông sản ổn định hơn. Tuy vậy, việc lựa chọn phát triển mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở còn nhiều khó khăn. Tư thương thu mua sản phẩm quy mô nhỏ, lẻ. Ngoài ra, các công trình hạ tầng thiết yếu như nhà văn hóa xóm, công trình nước sạch, đường giao thông nội đồng… còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu dân sinh”.
Xác định những khó khăn, thách thức Nhân dân xóm Thung đang đối mặt, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ lồng ghép để đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sinh kế. Trong năm 2020, gần 1 tỷ đồng từ Chương trình 135 sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ailen được xã đầu tư xây dựng các công trình giao thông tại xóm Thung. Đến nay, 100% người dân trên địa bàn có điện, nước sinh hoạt sử dụng.
Đồng chí Đinh Văn Bượng, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Hoa cho biết: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xóm Thung năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thực hiện các mô hình kinh tế mới phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ lồng ghép để đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đặc biệt quan tâm, chú trọng nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn. Tạo mối liên kết giúp người dân tiêu thụ hàng hóa nông sản. Qua đó, giúp người dân xóm Thung từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Đức Anh