Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc dam cam/dioxin tỉnh trao tiền hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho hội viên Bùi Văn Bộ, xóm Tiến Lâm, xã Bắc Phong (Cao Phong).
Xoa dịu "nỗi đau da cam" là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, chế độ để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành cùng toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chăm sóc, giúp đỡ những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được thành lập theo Quyết định số 1136/QĐ-UBND, ngày 16/5/2006, lúc mới thành lập có 100 hội viên. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất làm việc thiếu, kinh phí hoạt động hạn hẹp…, song với tinh thần "Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm, vì nạn nhân chất độc da cam”, các hội viên đã cùng nhau khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra. Hội hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và điều lệ Hội. Ngày 10/11/2006 tổ chức đại hội lần thứ nhất, trải qua những tháng ngày đầu tiên chưa có Hội cấp huyện, cấp xã, cán bộ Hội chỉ có 3 người, 2 người là cán bộ nghỉ hưu tham gia, 1 là viên chức mới tuyển dụng. Cán bộ không có chế độ thù lao, kinh phí cho hoạt động hạn hẹp; đến năm 2010, cán bộ được tăng cường, BCH được củng cố, kiện toàn, đáp ứng nhiệm vụ và quyết tâm của lãnh đạo phải xây dựng tổ chức Hội cấp huyện. Trong 2 năm 2011 - 2012 đã thành lập, ra mắt 11 Hội huyện, thành phố, từ đó Hội cấp xã cũng được thành lập đối với những xã có đủ điều kiện theo quy định. Đến lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, tháng 11/2016 đã có 11 Hội cấp huyện, 120 Hội cấp xã.
Đầu năm 2020, thực hiện quy định về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đến nay còn 9 Hội huyện, 1 Hội thành phố và 96 Hội cấp xã, với hơn 4 nghìn hội viên, trong đó, nạn nhân trực tiếp 3.153 người, gián tiếp (con nạn nhân) 683 người. Với sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ các cấp Hội trong tỉnh, 15 năm qua đã huy động được nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cũng như của các tổ chức quốc tế được gần 20 tỷ đồng; tặng hàng trăm nghìn suất quà vào các dịp lễ, Tết, Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 hàng năm; xây dựng, sửa chữa 200 ngôi nhà, trao hàng trăm suất học bổng cho con nạn nhân, hàng trăm con bò sinh sản cho gia đình nạn nhân làm kinh tế, giúp thoát nghèo. Nhiều nhà hảo tâm đã đồng hành với tỉnh Hội với tấm lòng vì nạn nhân chất độc da cam như: Công ty bất động sản An Thịnh Hoà Bình, Công ty Định Nhuận, Công ty Hoàng Sơn, Công ty sân golf Phượng Hoàng và nhiều doanh nghiệp trong tỉnh.
Đặc biệt là T.Ư Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã cấp kinh phí cho tỉnh Hội cải tạo làm mới 11 gian nhà khép kín ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để làm nhà nuôi dưỡng nạn nhân của tỉnh, trị giá gần 1 tỷ đồng (năm 2011); hàng năm, T.Ư hội trợ cấp, tặng quà cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, cấp xe lăn, chăn bông, áo ấm cho nạn nhân. Các đơn vị ngoại tỉnh như Công ty ANCO Đồng Nai ủng hộ hàng chục nhà; Quân đoàn 1 ủng hộ xây dựng nhà cho nạn nhân; gia đình nhạc sĩ Tôn Thất Lập (TP Hồ Chí Minh) ủng hộ hàng chục con bò sinh sản cho nạn nhân huyện Hội Lương Sơn; các tổ chức quốc tế như: Tổ chức "Nụ cười” của bà Masako (Nhật Bản) tặng nhà, học bổng cho nạn nhân các huyện; tổ chức "Những người Nhật Bản yêu Việt Nam” do ông Kittamura đứng đầu nhiều lần tặng quần áo, bò sinh sản cho gia đình nạn nhân; đặc biệt, 1 cựu chiến binh Mỹ đã gửi tặng cho 1 nạn nhân ở xã Dân Hạ (Kỳ Sơn cũ - nay thuộc TP Hòa Bình) 1 con bò sinh sản trị giá 17 triệu đồng.
Tất cả sự chung tay của các thành phần trong xã hội đã phần nào làm vơi đi nỗi đau da cam của nạn nhân. Về phía nạn nhân cũng đã vượt mọi khó khăn, bệnh tật, vươn lên làm kinh tế gia đình để thoát nghèo, hoà nhập cộng đồng. Chiến tranh đã đi qua nhiều năm, nhưng hậu quả của nó vẫn còn để lại rất nặng nề đến các thế hệ thứ 2, thứ 3, thậm chí cả thứ 4 đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Hiện nay, họ đã tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, cần có sự chung tay của toàn xã hội để vơi đi nỗi đau da cam, hoà nhập cộng đồng. 15 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã cố gắng hoạt động vì nạn nhân da cam. Trong những năm tới, phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ” vượt mọi khó khăn vươn lên với phương châm "trách nhiệm, nghĩa tình, vì nạn nhân chất độc da cam”.