Hộ dân phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) nhận giải ngân vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về phục hồi và phát triển KT-XH.
Những món vay đầu tiên trong gói vay phục hồi và phát triển KT-XH theo tinh thần của Nghị quyết số 11/NQ-CP được cán bộ tín dụng chính sách các huyện Tân Lạc, Mai Châu và TP Hòa Bình vừa được trao đến các hộ dân. Là một trong những hộ đầu tiên được giải ngân vốn vay đợt này, bà Bùi Thị Thắm, tổ 5, phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) không giấu được niềm vui. Bà Thắm cho biết, bà có con đang học lớp 11, 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều thời điểm, con bà phải học trực tuyến. Tuy nhiên, vì chưa mua được máy tính cho con nên bà Thắm phải "nhường” chiếc điện thoại của mình để con học online. "Hai mẹ con dùng chung điện thoại rất bất tiện nhưng kinh tế khó khăn nên chưa mua được máy tính cho con. Rất cảm ơn Đảng, Nhà nước quan tâm, có chính sách cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến. Đây là chính sách thiết thực, lãi suất phù hợp, gia đình tôi sẽ mua máy tính để con học tập tốt hơn” - bà Thắm chia sẻ.
Tại điểm giao dịch UBND thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc), ngay từ đầu giờ chiều đã có hàng chục người dân đến hoàn tất các thủ tục để nhận vốn vay. Anh Nguyễn Văn Định, xóm Thanh Định là một trong những hộ được giải ngân vốn vay từ chương trình cho vay hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm. Gia đình anh Định thuộc hộ chính sách, gia đình chỉ có 2 mẹ con. Những năm trước, anh Định bươn trải ở Hà Nội làm công nhân để có thu nhập trang trải cho gia đình. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh phải ở nhà, thu nhập giảm sút, đời sống bấp bênh. Do đó, khi được tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền về chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, anh Định rất vui mừng.
Nhận được khoản vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, anh Định cho biết sẽ dùng để đầu tư trồng và chăm sóc bưởi. "Ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công việc của tôi không ổn định. Được vay vốn của Ngân hàng CSXH, tôi không đi làm xa nữa mà ở nhà phát triển kinh tế, tập trung trồng thêm và chăm sóc vườn bưởi. Đây là nguồn vốn rất ý nghĩa đối với những lao động tự do như tôi” - anh Định chia sẻ. Đồng chí Quách Văn Thạo, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mãn Đức cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, rất nhiều lao động đi làm xa phải quay về địa phương, nhiều hàng quán, dịch vụ trên địa bàn thị trấn bị ảnh hưởng. Do đó, khi Nghị quyết số 11/NQ-CP được ban hành đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng rất lớn của người dân. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách mới này đến toàn thể nhân dân trên địa bàn. "Qua rà soát cho thấy, nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn. Đây là chính sách cho vay rất thiết thực, sẽ giúp các hộ có vốn để đầu tư phát triển kinh tế và khôi phục lại sản xuất” - đồng chí Quách Văn Thạo nhấn mạnh.
Sau các huyện Tân Lạc, Mai Châu và TP Hòa Bình, từ ngày 28/4, các địa phương trên toàn tỉnh cũng tiến hành giải ngân vốn vay phục hồi và phát triển KT-XH. Đồng chí Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Năm 2022, chi nhánh được giao 188 tỷ đồng thực hiện cho vay phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP với 3 chương trình cho vay. Cụ thể, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được giao 40 tỷ đồng; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được giao 137 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến được giao 11 tỷ đồng. Hiện nay, toàn chi nhánh đang tích cực giải ngân vốn vay đến các đối tượng thụ hưởng với dự kiến giải ngân được 92 món vay, khoảng hơn 5,6 tỷ đồng.
Viết Đào