(HBĐT) -Thấy trên các trang mạng xã hội zalo, facebook thường xuyên xuất hiện thông báo tuyển dụng việc làm, nhiều học sinh đã bỏ học, bỏ nhà để đi tìm việc làm ở các địa phương. Vấn đề này là lời cảnh báo nghiêm túc về một trào lưu mang nhiều hệ lụy xấu.


Cán bộ, chiến sỹ Công an xã Quyết Chiến (Tân Lạc) tuyên truyền cho người dân trên địa bàn nắm được những hệ lụy và cảnh báo tình trạng con em là học sinh tự bỏ học, bỏ nhà đi tìm việc làm.

Bỏ học, bỏ nhà đi tìm việc nơi xứ người

Theo thông tin từ Công an huyện Tân Lạc, vừa qua, Công an huyện tiếp nhận đơn trình báo về việc con của một số hộ trên địa bàn huyện bỏ học, bỏ nhà xuống Hà Nội tìm việc làm. Sau khi các trường hợp này bỏ đi, gia đình không liên lạc được. Như ngày 22/3/2023, Công an huyện tiếp nhận đơn trình báo của 2 gia đình ở xã Vân Sơn về việc 2 cháu gái là Đ.T.N và B.T.Đ bỏ học, rủ nhau xuống Hà Nội tìm việc, gia đình không liên lạc được với các cháu. Đáng nói, khi bỏ nhà đi tìm việc làm các cháu mới chỉ 15 tuổi (SN 2008).

Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, Công an huyện đã tiến hành xác minh, xác định khi các cháu Đ.T.N và B.T.Đ xuống Hà Nội có đi phỏng vấn tại một số công ty nhưng không xin được việc. 2 cháu đã sử dụng tài khoản cá nhân facebook truy cập vào nhóm "giới thiệu việc làm” để tìm kiếm công việc. Tại đây, 2 cháu được giới thiệu vào làm nhân viên tạp vụ tại 1 cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam (Bắc Giang) và không được sử dụng điện thoại cá nhân trong quá trình làm việc. Sau khi tìm thấy 2 cháu, Công an huyện đã làm các thủ tục bàn giao cho gia đình đảm bảo an toàn.

Ngoài 2 trường hợp trên, mới đây, Công an huyện Tân Lạc cũng tiếp nhận thông tin của một gia đình tại xóm Trọng Phú (xã Phong Phú) trình báo về việc con trai là cháu T.T.T (SN 2008) tự ý bỏ học, bỏ nhà đi tìm việc làm ở địa phương khác. Quá trình bỏ nhà đi, cháu T.T.T liên lạc về cho gia đình được 3 lần, sau đó "bặt vô âm tín”. Một thời gian dài cháu không liên lạc với gia đình thêm lần nào nữa. Gia đình cũng không thể liên lạc và cũng không biết T.T.T đang ở đâu, làm gì. Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an huyện đã tiến hành xác minh, tìm được cháu T.T.T và vận động cháu về nhà tiếp tục học tập, sinh sống.

Theo Thượng tá Phạm Hùng, Trưởng Công an huyện Tân Lạc, tình trạng học sinh, thanh thiếu niên tự ý bỏ học, bỏ nhà để đi tìm việc làm không thông báo cho gia đình đang diễn ra trên địa bàn. Thực tế này ngoài việc khiến gia đình lo lắng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến các em trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, vi phạm phạm luật, thậm chí là nạn nhân của tội phạm mua bán người (TPMBN). Công an huyện đã tham mưu Ban Chỉ đạo 09 huyện ban hành thông báo, cảnh báo về tình trạng này nhằm kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra những hệ lụy xấu, rơi vào cạm bẫy của tội phạm, nhất là TPMBN.    

"Việc nhẹ, lương cao” - cạm bẫy của tội phạm mua bán người

Trên địa bàn tỉnh thực tế đã từng ghi nhận nhiều trường hợp học sinh bị rủ rê, lôi kéo, tự ý bỏ học, bỏ nhà đi tìm việc làm bị bọn tội phạm lừa với chiêu trò dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao”, trở thành những "món hàng” bán sang bên kia biên giới. Như trường hợp của Nguyễn Thị T., Nguyễn Thị H., Đinh Thị H. (cùng SN 1990) và Đinh Thị H. (SN 1991) khi đang là học sinh lớp 11, trường phổ thông DTNT THCS&THPT huyện Đà Bắc, bị các đối tượng lừa phỉnh dụ dỗ đưa về Hà Nội bán hàng quần áo "việc nhẹ, lương cao”, nhưng cuối cùng mang lên Lạng Sơn rồi bán sang Bằng Tường (Trung Quốc). Hoặc như trường hợp của Bùi Thị L. ở xã Kim Lập (Kim Bôi) bị Bùi Sông Thao (SN 1983), trú tại xóm Rổng Cấn, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) lừa ra thị trấn Lương Sơn bán hàng thuê, thực tế là đưa lên Móng Cái (Quảng Ninh) rồi bán sang bên kia biên giới...

Theo Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, mặc dù không nổi cộm nhưng TPMBN tiềm ẩn nhiều phức tạp. Thủ đoạn của loại tội phạm này liên tục có sự thay đổi. Trước đây các đối tượng trực tiếp lừa những người nhẹ dạ cả tin để bán sang bên kia biên giới. Nhưng hiện nay, TPMBN có thể thực hiện hành vi phạm tội dưới nhiều hình thức. Một trong những thủ đoạn tội phạm này thực hiện khá phổ biến là đưa ra những lời mời chào hấp dẫn "việc nhẹ, lương cao” để lừa phỉnh người dân, nhất là các cô gái nhẹ dạ cả tin, có nhan sắc, thậm chí cả các cháu học sinh 15, 16 tuổi đang còn ngồi trên ghế nhà trường để lừa bán sang bên kia biên giới.

Xuất phát từ thực trạng trên, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát đi nhiều cảnh báo về thủ đoạn của tội phạm. Theo đó, đằng sau những lời mời chào về cơ hội việc làm luôn là những cạm bẫy. Sự thật thì không hề có cái gọi là "việc nhẹ, lương cao” đầy hấp dẫn như các đối tượng đưa ra. Khi sập bẫy, những "con mồi” có thể là các cháu học sinh sẽ phải đối mặt với những điều khủng khiếp, như bị bóc lột sức lao động, bắt làm việc liên tục 15 - 16 tiếng/ngày, hoặc chịu sự quản thúc và thường xuyên bị đánh đập. Muốn về phải nộp tiền chuộc thân lên tới cả trăm triệu đồng như đã xảy ra đối với 1 trường hợp ở xã Xuân Thủy (Kim Bôi), hoặc bị sát hại như 2 trường hợp ở xóm Lòng, xã Yên Trị (Yên Thủy). Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nói chung và các em còn là học sinh nói riêng khi có nhu cầu tìm việc làm cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin về nơi thuê lao động; liên hệ các đơn vị có chức năng tư vấn, tìm việc làm; tuyệt đối không tin những thông tin việc làm được đăng tải trên các trang mạng xã hội của các đối tượng đưa ra để tránh rơi vào cạm bẫy của bọn tội phạm lừa đảo, mua bán người. 

 Mạnh Hùng

Các tin khác


Ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên 

Chiều 16/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tỉnh Đoàn Hoà Bình tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên giai đoạn 2024 - 2027 nhằm đẩy mạnh và phát huy vai trò của các cơ quan liên quan trong quá trình phối hợp triển khai nhiệm vụ. 

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại tỉnh Sơn La

Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2024 tại xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” tại địa bàn 2 huyện Yên Thủy, Lạc Sơn đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính cấp thiết và có biện pháp ứng phó giảm thiểu các rủi ro cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dự án cũng nhằm nâng cao nhận thức về Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình, từ đó nâng cao quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là quyền quyết định trong gia đình và quyền năng kinh tế thông qua việc sử dụng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 tác động thế nào tới lương hưu?

Từ 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% so với hiện nay. Cùng với đó, các cơ quan liên quan đang xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu. Dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Triển khai công tác lao động, người có công và xã hội quý II

Ngày 15/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2024.

Phương án phân luồng sau lệnh cấm ô tô lên Đèo Cả

Trước sự cố hầm đường sắt Bãi Gió trên đường sắt Bắc - Nam, Khu Quản lý đường bộ III đã thông báo chi tiết phương án tổ chức phân luồng cho các phương tiện giao thông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục