Tại các chợ dân sinh, nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu đã tăng giá. Ảnh chụp tại chợ Quán Trắng, xã Liên Sơn (Lương Sơn).
Khảo sát một số mặt hàng thuộc nhóm đồ gia dụng, điện máy, thực phẩm công nghệ tại các siêu thị trên địa bàn TP Hòa Bình không chỉ đảm bảo ổn định giá mà từ ngày 1/7, nhiều sản phẩm còn được khuyến mại, giảm giá nhằm tiếp tục kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, tại các chợ trung tâm và chợ dân sinh, trong những ngày gần đây, giá nhiều thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày như thịt lợn, trứng, gạo tăng nhẹ. Tại chợ Nghĩa Phương, thịt lợn, thịt gà đều tăng từ 1 - 2 giá. Cụ thể, thịt nạc vai, thịt ba chỉ tăng từ 100.000 đồng lên 120.000 đồng/kg; thịt gà ta trung bình khoảng 110.000 đồng/kg tăng lên 120.000 đồng/kg. Trứng vịt từ 30 nghìn đồng/chục tăng lên 32 nghìn đồng/chục. Giá cá thương phẩm và giá gạo tẻ cũng có biến động, tăng trung bình từ 1 - 2 giá so với thời điểm trước.
Trao đổi về việc các mặt hàng thực phẩm tăng nhẹ trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Tuấn, tiểu thương chuyên kinh doanh cá tại TP Hòa Bình cho biết: Giá cá tăng lên là do nhu cầu tiêu thụ của người dân thời gian này tăng, tuy nhiên nguồn khai thác giảm. Vì vậy, chúng tôi nhập vào cũng cao hơn trước nên thực chất tăng giá nhưng người bán hàng không được lời lãi là bao.
Các mặt hàng thiết yếu, nhất là các loại thực phẩm tươi sống tăng giá, nhiều người dân lo lắng tình trạng tăng lương kèm theo tăng giá có thể xảy ra như những lần tăng lương trước đây. Là người nội trợ thường xuyên mua thực phẩm theo ngày, chị Nguyễn Thị Vân, tổ 2, phường Phương Lâm cho biết: Mấy ngày nay đi chợ tôi thấy các mặt hàng thực phẩm đều tăng từ 1 - 2 giá nên khá lo lắng. Mong giá cả sẽ không tăng quá cao, bởi thịt, trứng, gạo là những mặt hàng dùng hàng ngày, nếu tăng cao thì rất khó khăn cho người dân.
Cùng chung mối lo trên, bà Nguyễn Thị Liên, ở TP Hoà Bình cũng chia sẻ: Nhà hai vợ chồng lương hưu, thu nhập chỉ hơn chục triệu đồng/tháng và vẫn phải phụ các con nuôi cháu. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi chi tiêu khoảng 200 nghìn tiền mua thực phẩm nhưng những ngày gần đây đều phải tăng thêm khoảng 40 nghìn đồng/ngày mới đủ tiền thực phẩm cho 2 bữa. Trong khi đó, tiền điện cũng tăng giá kéo theo nhiều loại dịch vụ khác tăng. Hiện nay, giá cả mới tăng nhẹ nhưng cũng không loại trừ trường hợp lợi dụng việc tăng lương để tăng giá. Tăng lương không được bao nhiêu, tăng giá lại "phi mã”. Vì vậy, tôi mong Nhà nước có biện pháp ổn định thị trường để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là những đối tượng thu nhập thấp, cán bộ hưu trí như chúng tôi.
Việc tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023 áp dụng trên 9 nhóm đối tượng được xem là tín hiệu rất đáng mừng trong nỗ lực cải cách tiền lương của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng trong bối cảnh giá điện tăng, chi phí nhiều loại dịch vụ, chi phí học hành, ăn uống đắt đỏ, với mức tăng lương như hiện nay cũng không thấm tháp gì so với mức chi phí để trang trải cuộc sống.
Nhằm giảm thiểu tác động của việc tăng giá các mặt hàng tiêu dùng, đồng chí Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Sở Công Thương thường xuyên nắm bắt diễn biến giá cả hàng hóa cũng như cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, thực hiện bình ổn thị trường. Sở đã phối hợp với các sở, ngành tăng cường kiểm tra việc chấp hành trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, gạo, thực phẩm... đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, tiểu thương không tăng giá bán bất hợp lý.
Đinh Hòa