(HBĐT) - Đà Bắc là huyện vùng cao, khó khăn nhất của tỉnh, có 17 đơn vị hành chính với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống. Huyện có trên 59 nghìn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%. Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Đà Bắc đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Đồng thời lập kế hoạch, phân bổ nguồn vốn các chương trình.


Phụ nữ xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc học để khôi phục nghề dệt vải truyền thống của người Dao.

Thực tế cho thấy, các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia đã đem lại những thay đổi tích cực cho cuộc sống của người dân địa phương. Nhờ sự đầu tư của Nhà nước về các công trình hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm y tế đã tạo động lực giúp huyện phát triển KT - XH. Ở các xã vùng lòng hồ như: Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong… trước đây là vùng khó khăn. Người dân sống dựa vào rừng và trồng lúa, màu. Trong những năm gần đây, từ các nguồn vốn, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi cá lồng cho thu nhập kinh tế cao. Từ sự đầu tư cơ sở hạ tầng, các hộ có điều kiện thuận lợi khai thác thế mạnh địa phương đầu tư làm du lịch với hình thức homestay. Nhiều xóm, bản vùng hồ như: xóm Ké (xã Hiền Lương), Đức Phong (xã Tiền Phong), Sưng (xã Cao Sơn)… đã trở thành địa chỉ quen thuộc của khách trong và ngoài nước khi đến Đà Bắc trải nghiệm.

Chị Bùi Thị Chỉ ở xóm Ké, xã Hiền Lương chia sẻ: Trước đây, các con tôi phải đi làm ăn xa. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ làm dịch vụ homestay, gia đình tôi tập trung đầu tư, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi xây dựng nên homestay Hữu Thảo. Các con không phải đi làm ăn xa, gia đình có thu nhập ổn định. Làm du lịch góp phần gìn giữ nét văn hóa ở địa phương.

Nhà nước hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật; ngân hàng cho vay mở rộng sản xuất, nhiều gia đình trên vùng lòng hồ mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng. Nhiều mô hình liên kết phát triển nguồn lợi thủy sản, mang lại thu nhập khá cho người dân. Nhiều nơi đã hình thành các mô hình chăn nuôi gia súc quy mô lớn, hiệu quả cao… Khi Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng tốt thì việc giao thương hàng hóa được thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp tìm đến Đà Bắc liên kết với bà con địa phương để chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả.

Anh Lường Văn Vinh, trưởng xóm Trung Tằm, xã Trung Thành cho biết: Được UBND tỉnh thẩm định hồ sơ và cho phép, HTX nông nghiệp Hòa Bình đã ký hợp đồng tiêu thụ 20 năm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bông vải sợi của Tập đoàn An Phước, thuộc huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). HTX chọn vùng đất Trung Thành để đưa cây gai xanh vào canh tác. Qua 2 năm triển khai, cây gai xanh phát triển tốt, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Nhiều hộ đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh cho thu nhập ổn định.

Trong những năm qua, các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước ở Đà Bắc được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành nên đã được triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng quy định. Các chỉ tiêu đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29,5 triệu đồng năm 2020 lên 37,5 triệu đồng năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41,56% năm 2021 xuống 34,94% năm 2022; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 61,78%; giá trị sản xuất tăng từ 7,14% năm 2021 lên 9,2% năm 2022.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng các ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 35,2%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 21,1%, dịch vụ thương mại - du lịch 43,7%. Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp của huyện đã và đang được thực hiện ở các địa phương. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Công tác tổ chức lại sản xuất, dồn điền, đổi thửa, tăng cường hoạt động của các HTX nông nghiệp, nhiều hình thức liên kết sản xuất giữa các hộ dân với doanh nghiệp… được các địa phương quan tâm thực hiện, góp phần tăng thu nhập. Hiện nay, toàn huyện có trên 120 doanh nghiệp, 44 HTX và 5 tổ hợp tác hoạt động. Các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp đang được phát triển thay thế dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ. Các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất và nhân rộng. Tình hình KT - XH, QP - AN trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định, góp phần phát triển KT - XH huyện Đà Bắc.

Việt Lâm


Các tin khác


Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ “Bình đẳng trong hôn nhân”

Tại huyện Lạc Sơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vừa tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ "Bình đẳng trong hôn nhân”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ, được triển khai tại 4 xã: Lạc Thịnh, Đoàn Kết (Yên Thủy) và Hương Nhượng, Định Cư (Lạc Sơn).

Thẩm định điển hình tiên tiến các sở, ban, ngành năm 2024

Sáng 26/4, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình tiên tiến năm 2024 của các sở, ban, ngành.

Viettel Hoà Bình tổ chức Lễ trao thưởng chương trình “Lên 4G, lên đời”

Ngày 25/4, Viettel Hoà Bình tổ chức Lễ trao thưởng cho khách hàng trong chương trình khuyến mại "Lên 4G – Lên đời”.

Thẩm định điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Lạc

Ngày 25/4, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Lạc.

Thẩm định điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện Lạc Sơn

Đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn vừa tổ chức thẩm tra điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Sơn.

9 đội tham gia Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” huyện Kim Bôi

Sáng 25/4, UBND huyện Kim Bôi tổ chức Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ "Tổ liên gia an toàn PCCC” năm 2024. Tham gia hội thi có 9 đội từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục