Mới đây, vào ngày 5/7/2023, tại hầm khai thác than của Công ty TNHH MTV Phương Bắc có địa chỉ ở xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) xảy ra vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người thương vong... Theo thông tin từ lực lượng chức năng, vụ TNLĐ xảy ra tại Công ty này làm 2 người tử vong, 1 người bị thương nặng. Theo đánh giá của đồng chí Khuất Thị Thủy, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Việc làm - An toàn lao động (ATLĐ), Sở LĐ-TB&XH, trên địa bàn tỉnh, mặc dù số vụ TNLĐ trong (KTKS) so với các lĩnh vực khác xảy ra không nhiều, nhưng các vụ TNLĐ lại có tính chất mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bởi khi đã xảy ra TNLĐ trong hoạt động KTKS thì đều có thiệt hại về người.
Ngoài các vụ việc nêu trên, vào ngày 20/3/2023, tại Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng Hòa Bình (xã Khoan Dụ, Lạc Thủy) cũng xảy ra TNLĐ làm 1 công nhân tử vong. Hay như vụ TNLĐ xảy ra tại mỏ đá của Công ty CP Nhuận Phát (xóm Mai Hoàng Sơn, xã Mai Hịch, Mai Châu) làm 1 công nhân tử vong. Xa hơn nữa là các vụ tai nạn sập hầm khai thác than ở xóm Đồi, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) làm 2 người tử vong. Vụ TNLĐ trong quá trình khai thác vàng xảy ra tại thôn Lộng, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) làm 2 người chết. Vụ sập hầm khai thác vàng tại đồi Tạng, xóm Hày Trên, xã Vân Sơn (Tân Lạc) vùi lấp 2 người, may mắn đã được cứu thoát. Vụ TNLĐ tại mỏ đá núi Sen của Công ty TNHH Phương Nam (xã Cư Yên, Lương Sơn) làm 1 người chết...
... nhưng vẫn chủ quan, coi nhẹ an toàn lao động
Chủ quan, coi nhẹ vấn đề đảm bảo ATLĐ, đó là thực tế đang diễn ra. Cũng theo đồng chí Khuất Thị Thủy, trong năm 2023, qua công tác kiểm tra tại các doanh nghiệp KTKS, tổ công tác liên ngành của tỉnh đã phát hiện nhiều vi phạm của các doanh nghiệp, trong đó có cả những vi phạm liên quan đến công tác đảm bảo ATLĐ. Trước những sai phạm đó, tổ công tác đã lập biên bản và kiến nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 14 doanh nghiệp KTKS với tổng số tiền xử phạt 177 triệu đồng.
Theo đồng chí Đỗ Thành Long, Chánh Thanh tra lao động, Sở LĐ-TB&XH, KTKS là một trong ba lĩnh vực có số vụ TNLĐ xảy ra nhiều nhất. Ngành nghề KTKS, nhất là khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và các lĩnh vực KTKS theo phương thức hầm mỏ là ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất ATLĐ rất cao. Hầu hết các vị trí công việc đều nằm trong danh mục nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Do vậy, chỉ cần người sử dụng lao động và người lao động có tư tưởng chủ quan, coi nhẹ thì tình trạng mất ATLĐ rất dễ xảy ra.
Qua thực tế nắm bắt tại các mỏ KTKS trên địa bàn tỉnh cho thấy, một số nơi có trang bị bảo hộ cho người lao động nhưng do thói quen nên họ không sử dụng. Ngoài ra, công tác bảo đảm ATLĐ tại các cơ sở KTKS còn kém. Một số chủ cơ sở khai thác chưa chú ý tới việc đảm bảo ATLĐ cho công nhân trong quá trình làm việc. Máy móc, thiết bị khai thác tại các mỏ đá còn thiếu và cũ nên không đảm bảo ATLĐ và vệ sinh môi trường. Theo thống kê, tính đến hết tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có 90 điểm mỏ được cấp giấy phép KTKS còn hiệu lực. Trong đó có 9 giấy phép do Bộ TN&MT cấp; 81 giấy phép do UBND tỉnh cấp. Đây là lĩnh vực, ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát cho thấy một số doanh nghiệp chưa thực sự chủ động thực hiện các quy trình về ATLĐ, vẫn còn có tư tưởng chủ quan, coi nhẹ vấn đề này. Do vậy, tỷ lệ TNLĐ chết người trong lĩnh vực KTKS trên địa bàn tỉnh còn cao. Từ năm 2019 đến tháng 7/2023, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ TNLĐ chết người, trong đó có 8 vụ TNLĐ chết người thuộc lĩnh vực KTKS.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo đồng chí Khuất Thị Thủy, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Việc làm - ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH), mặc dù hàng năm phòng đề xuất với Sở LĐ-TB&XH cùng với các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp KTKS chấn chỉnh, chấp hành tốt công tác đảm bảo ATLĐ. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp về chấp hành ATLĐ đối với người lao động (NLĐ) chưa được thường xuyên. Chủ các doanh nghiệp khai thác cũng chưa chú trọng huấn luyện kỹ thuật khai thác, trang bị phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động cho NLĐ. Nhận thức của NLĐ về vai trò của công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh sản xuất, phòng chống tai nạn cho chính bản thân cũng còn hạn chế. Hơn nữa, hầu hết doanh nghiệp KTKS trên địa bàn chủ yếu sử dụng NLĐ địa phương, chưa được đào tạo, trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ thuật về ATLĐ với các vị trí công việc đòi hỏi có chuyên môn cao, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Thêm nữa, số lao động địa phương có tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATLĐ còn hạn chế, cộng với việc kiểm tra, giám sát của chủ sử dụng lao động về chấp hành ATLĐ chưa nghiêm, chưa thường xuyên... Đó là những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ xảy ra tại các mỏ KTKS trong thời gian qua.
"Để không còn những vụ TNLĐ thương tâm tại các mỏ KTKS cũng như đảm bảo hiệu quả KT-XH ở những địa phương có các mỏ KTKS thì công tác quản lý cả về tài nguyên và hoạt động khai thác cần được chú trọng hơn. Các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương có các mỏ KTKS nên thường xuyên kiểm tra, rà soát mức độ bảo đảm an toàn của các mỏ, kiên quyết dừng khai thác, rút giấy phép đối với những mỏ không đảm bảo ATLĐ. Bên cạnh khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với NLĐ trực tiếp sản xuất cũng cần phải nâng cao trách nhiệm đối với chủ sử dụng lao động. Cần có chế tài, quy định cụ thể, chi tiết về việc chủ sử dụng lao động phải huấn luyện kỹ thuật, trang bị phương tiện bảo hộ tối thiểu cho NLĐ, là người có chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực KTKS để thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về ATLĐ trong quá trình khai thác”, đồng chí Khuất Thị Thủy nhấn mạnh.
Mạnh Hùng