(HBĐT) - Hạn chế về sức khỏe, khó khăn trong sinh hoạt, vận động, ít cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp..., đó là những trở ngại người khuyết tật (NKT) phải đối mặt. Song, bằng ý chí, nghị lực cùng sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp chính quyền, ngành chức năng và tổ chức đoàn thể, trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để NKT ổn định đời sống vật chất, tinh thần, vươn lên trong cuộc sống.



Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cùng doanh nghiệp hỗ trợ bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo xã Hùng Sơn (Kim Bôi).

Nỗ lực hòa nhập cộng đồng

Em Bùi Trọng Thế, học lớp 8A2, Trường TH&THCS xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) là học sinh khuyết tật đặc biệt nặng. Thế phải viết chữ bằng chân bởi em bị khuyết tật thể chất bẩm sinh, tứ chi chỉ có chân trái có thể hoạt động được. Được sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội, đến nay, sự rụt rè, tự ti của em không còn mà đã hòa nhập cùng các bạn trong lớp. Do tư thế vận động khó khăn, Thế phải ngồi bàn riêng trong lớp, nhưng giờ ra chơi, chỗ em ngồi luôn là nơi trò chuyện rôm rả, đầy ắp tình bạn. Thế được thầy cô và các bạn đánh giá là người có nghị lực, vươn lên trong học tập. Gia cảnh khó khăn, khuyết tật bẩm sinh đã thiệt thòi so với các bạn, mong muốn lớn nhất của Thế là được đến trường, học tập kiến thức, trò chuyện với thầy cô, bạn bè. Việc kèm, dạy Thế vất vả hơn nhiều so với học sinh khác nhưng các thầy, cô giáo luôn tâm huyết, có kế hoạch phù hợp để giảng dạy, giúp em tiếp thu kiến thức, hòa nhập cộng đồng.

Anh Bùi Văn Hiến, xóm Um, xã Thạch Yên (Cao Phong) không may bị tai nạn điện gây tổn thương nghiêm trọng về sức khoẻ, tay phải bị hỏng nên lao động rất khó khăn. Căn nhà lụp xụp, chắp vá từng mảnh ván, tấm bạt nằm lưng chừng đồi là chỗ che mưa, che nắng duy nhất cho vợ chồng anh và 2 con. Gia đình anh Hiến thuộc hộ nghèo, vợ anh sức khoẻ cũng yếu, công việc làm thuê nên thu nhập bấp bênh, trông chờ chủ yếu vào tiền phụ cấp của Nhà nước. Đầu năm 2023, gia đình anh Hiến là một trong những hộ có được niềm vui an cư khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cao Phong cho vay vốn hỗ trợ về nhà ở. Căn nhà cấp 4 khang trang, vững trãi là niềm mơ ước bấy lâu của vợ chồng anh. Bên cạnh đó, anh được hỗ trợ vay vốn để nuôi trâu sinh sản, giúp có thêm thu nhập, cuộc sống bớt khó khăn.
"Trước đây, gia đình tôi sống trong ngôi nhà tạm, những hôm mưa to, gió lớn bị dột hoàn toàn. Được hỗ trợ vay vốn xây nhà, gia đình tôi đã có nơi ở an toàn, vững chãi để sinh hoạt, con cái học hành. Tay thuận bị khuyết tật, không làm thuê được nhưng hàng ngày, tôi vẫn đi cắt cỏ, nuôi trâu, tạo nguồn thu nhập lo cho con không bị thiệt thòi” - anh Hiến chia sẻ.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 15.731 NKT ở 6 dạng khuyết tật chính với 3 mức độ khuyết tật, trong đó có 9.221 NKT nặng, 3.932 NKT đặc biệt nặng… Đa số NKT đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhất là những NKT đặc biệt nặng, hiện mới có trên 4% NKT đặc biệt nặng được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Triển khai các chương trình trợ giúp NKT, đến nay tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách trợ giúp, tạo điều kiện để NKT được tiếp cận với các dịch vụ y tế, trợ cấp trang thiết bị, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng. Hỗ trợ giới thiệu việc làm, có chính sách ưu tiên cho NKT khi tham gia giao thông, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, trợ giúp pháp lý, văn hóa, thể dục thể thao…

Thiết thực hỗ trợ, chăm lo đời sống người khuyết tật 

Đồng chí Đỗ Anh Chiến, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Để tạo điều kiện cho NKT vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập đời sống xã hội và cộng đồng dân cư nơi sinh sống, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách dành cho NKT, tập trung thực hiện Kế hoạch số 172/KH-UBND, ngày 25/11/ 2020 của UBND tỉnh về chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, triển khai các hoạt động trợ giúp NKT trên địa bàn phù hợp sự phát triển KT-XH của tỉnh, đảm bảo công bằng xã hội. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, tổ chức đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trợ giúp NKT. Hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu của bản thân, từng bước tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Xây dựng các hoạt động trợ giúp NKT có   tính khả thi, sát thực tế và nguồn lực của địa phương”.

Trong 6 tháng đầu năm nay, có 9.221 NKT nặng, 3.932 NKT đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, 2.578 NKT nhẹ được hỗ trợ về y tế, giáo dục. Nhiều cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn như: Trung tâm dạy nghề tư thục Long Thành (TP Hoà Bình), Trung tâm bảo trợ xã hội nhân đạo Minh Đức (Lương Sơn), Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa (Mai Châu)… đã tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật của từng đối tượng. Cùng với ngành LĐ-TB&XH, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Chữ thập đỏ… đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh trợ giúp NKT với nhiều hoạt động thiết thực như: hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp nhà ở, khám chữa bệnh miễn phí, tặng con giống, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao phù hợp với NKT. Giai đoạn 2015 - 2020, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã thực hiện tốt vai trò cầu nối trong hoạt động nhân đạo, từ thiện, tiếp nhận kinh phí, hiện vật với tổng trị giá hơn 127 tỷ đồng. Từ nguồn vận động, ủng hộ, Hội đã trao hơn 2.320 suất quà dịp lễ, Tết; tặng 1.263 chiếc xe lăn, xe lắc, 265 chiếc xe đạp; hỗ trợ dạy nghề cho 756 học viên, 70% học viên học xong được tạo việc làm; trao 62 con bò giống sinh sản; sửa chữa, xây mới, nâng cấp 35 nhà tình thương…

Nhân ngày NKT Việt Nam 18/4/2023, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức hội thi thể dục thể thao và giao lưu văn hóa, văn nghệ cho hơn 200 người là cán bộ, nhân viên và đối tượng đang sinh sống tại trung tâm, trong đó có NKT với nhiều nội dung: bóng rổ, ném bóng vào sọt, bóng bay nổ và kéo co, nhảy dân vũ, nhảy sạp. Qua đó tạo không khí vui tươi, giúp nâng cao sức khỏe và tinh thần, tạo môi trường sống thân thiện, xóa bỏ mặc cảm, yên tâm điều trị, phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng. 

Triển khai Kế hoạch số 18/KH-UBND, ngày 2/2/2023 của UBND tỉnh về thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành đã triển khai thí điểm tại 4 xã, phường tại địa bàn TP Hòa Bình. Đến ngày 25/4/2023 đã mở tài khoản, chi trả cho 492/586 đối tượng, trong đó nhiều đối tượng là NKT. Mục đích nhằm từng bước cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, chính xác, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính trong chi trả chính sách an sinh xã hội đối với người dân; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán bằng phương thức điện tử cho đối tượng thụ hưởng chính sách.

Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì, tham mưu về lĩnh vực an sinh xã hội, thời gian tới, sở tiếp tục tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ cấp xã hội thường xuyên cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, tiếp tục vận động các nguồn lực để hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình trong đời sống hàng ngày, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, tham gia vào các hoạt động phát triển KT-XH của địa phương, triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực chăm lo, động viên NKT vươn lên trong cuộc sống”.


Đảm bảo đầy đủ chế độ chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật

Nguyễn Đức Tuyên
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh

Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hiện chăm sóc, quản lý 225 người, trong đó có 14 người cao tuổi cô đơn, 26 người khuyết tật, 136 người tâm thần, 45 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 2 đối tượng khác và 2 đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp. Công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội được đơn vị thực hiện đúng chế độ, chính sách quy định. Đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng ngày càng được nâng cao.

Năm 2023, trung tâm tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Tổ chức tốt hoạt động tăng gia sản xuất, lao động trị liệu, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống và tìm kiếm việc làm cho đối tượng, đồng thời tích cực vận động, huy động các nguồn hỗ trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để trợ giúp đối tượng. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, truyền thông về trợ giúp xã hội. Vận động ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh...


Tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho người khuyết tật

Bùi Thị Hưng
Xóm Pạnh, xã Bao La (Mai Châu)

Tôi bị khuyết tật cột sống từ nhỏ, vận động khó khăn, được sự hỗ trợ của cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa, xã Chiềng Châu (Mai Châu) tạo điều kiện việc làm bán hàng thổ cẩm cho chị em tại cơ sở, tôi có thêm thu nhập để lo cho bản thân và   gia đình.
Mới đầu tiếp cận với công việc bán hàng còn nhiều bỡ ngỡ, tự ti nhưng được người thân động viên, giúp đỡ cùng sự nhiệt tình hỗ trợ của mọi người trong cơ sở bảo trợ, tôi dần thạo việc, phát huy khả năng của bản thân, thu nhập đạt 4,5 triệu đồng/tháng. Có thu nhập để nuôi sống bản thân, làm việc trò chuyện với mọi người khiến tôi tự tin hơn. Tôi mong người khuyết tật trong tỉnh được tạo nhiều cơ hội việc làm hơn nữa, không còn sống khép kín, thụ động, dần làm chủ cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.





                                                                          Hoàng Anh

Các tin khác


Tiếp nối truyền thống "Ba đảm đang”

Dù ở giai đoạn lịch sử nào, phụ nữ các dân tộc tỉnh Hoà Bình cũng luôn có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối ngọn lửa "Đội quân tóc dài”, truyền thống "Ba đảm đang”, trong giai đoạn mới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh chú trọng xây dựng hình ảnh người phụ nữ Hòa Bình thời đại mới, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thiện nguyện cho gần 150 người dân xã Tự Do

Ngày 27/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình gồm 24 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế do TS. BS Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn tổ chức chương trình khám bệnh thiện nguyện "Vì sức khoẻ cộng đồng” cho người dân xã Tự Do, huyện Lạc Sơn. Chương trình có sự phối hợp của Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn, Trạm Y tế xã và các cán bộ địa phương.

Chương trình thiện nguyện “Cùng em đến trường” trao 200 xe đạp cho học sinh huyện Đà Bắc

Sáng 27/4, tại Trường TH&THCS Cao Sơn (Đà Bắc), Tỉnh Đoàn Hoà Bình, Câu lạc bộ Bất động sản Hoà Lạc phối hợp tổ chức chương trình thiện nguyện "Cùng em đến trường” dành cho thiếu nhi trên địa bàn huyện.

Nỗi lo đuối nước ở trẻ em khi vào hè

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những ngày vừa qua liên tục tiếp nhận những ca bệnh nhi đuối nước nghiêm trọng, nguy kịch tính mạng. Các bệnh nhi đều vào viện với bệnh cảnh suy đa tạng do hậu quả của quá trình ngừng tuần hoàn…

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ “Bình đẳng trong hôn nhân”

Tại huyện Lạc Sơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vừa tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ "Bình đẳng trong hôn nhân”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ, được triển khai tại 4 xã: Lạc Thịnh, Đoàn Kết (Yên Thủy) và Hương Nhượng, Định Cư (Lạc Sơn).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục