Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu là dự án trọng điểm nhằm kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc. Tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Mộc Châu về Hòa Bình. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được xác định là một trong những khâu quan trọng bởi liên quan đến quyền lợi của người dân bị thu hồi đất.


Đoàn công tác giải phóng mặt bằng xã Cao Sơn (Đà Bắc) kiểm tra thực tế phần mộ nằm trên dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền huyện Đà Bắc đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giúp người dân bị thu hồi đất nắm bắt được chủ trương của Đảng và các lợi ích của dự án, đồng thời quyết tâm bàn giao mặt bằng để khởi công đảm bảo theo đúng tiến độ tỉnh đã đề ra.  

Xác định dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu thuộc nhóm dự án quan trọng của quốc gia và là công trình trọng điểm của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Đà Bắc đã chỉ đạo các xã có đường cao tốc đi qua thành lập tổ công tác, cơ cấu đầy đủ các bộ phận chuyên trách, đoàn thể xã để phối hợp thực hiện các bước GPMB; vận động, tuyên truyền người dân bị ảnh hưởng tuyến cao tốc đi qua chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện.

Đồng chí Lường Đức Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tú Lý cho biết: "Để làm tốt công tác GPMB, xã đã triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động sự tham gia của nhiều lực lượng, lấy công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục là nhiệm vụ trọng tâm với phương châm "đến từng ngõ - gõ từng nhà”, "mưa dầm thấm lâu”. Cùng với đó, xã tăng cường đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ, quan tâm bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao đối với người bị thu hồi đất trong công tác GPMB”.

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng. Trên địa phận tỉnh Hòa Bình có tổng chiều dài 34 km. Huyện Đà Bắc (đoạn từ Km19 - Km53) có tổng diện tích đất thu hồi 189,5 ha. Để thi công tuyến đường đảm bảo tiến độ theo quy định, công tác GPMB có vai trò rất quan trọng. Khó khăn đầu tiên và lớn nhất chính là để thi công tuyến đường cần di chuyển các ngôi mộ thuộc xã Cao Sơn, Tiền Phong, thị trấn Đà Bắc, trong đó nhiều ngôi mộ của đồng bào dân tộc Dao, Mường… 

Gia đình ông Nguyễn Văn Đồng, xóm Sèo, xã Cao Sơn là người dân tộc Mường. Ông Đồng chia sẻ: "Di chuyển mồ mả là vấn đề tâm linh, liên quan đến phong tục tập quán của ông cha để lại từ bao đời nay. Song sau khi được các cấp tuyên truyền, thấy được tầm quan trọng của dự án khi hoàn thành đưa vào sử dụng, tôi đã vận động người thân trong gia đình ủng hộ di chuyển phần mồ mả để đảm bảo thực hiện tốt công tác GPMB, kịp thời bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công đúng tiến độ".

Để công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả cao nhất, giúp người dân dễ tiếp thu, hiểu được mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết, lợi ích mà dự án cao tốc mang lại, huyện đã đa dạng hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức gặp gỡ, đối thoại… Đặc biệt, huyện chú trọng nắm bắt dư luận xã hội để kịp thời định hướng công tác tuyên truyền sát với thực tế và giải quyết, ghi nhận, đề xuất cấp có thẩm quyền các ý kiến, kiến nghị của hộ bị ảnh hưởng từ dự án cao tốc.

Gia đình anh Đinh Văn Như, xã Tú Lý thuộc diện có diện tích đất thu hồi khá phức tạp, khi có gần 2.500m2 đất sản xuất tại thị trấn Đà Bắc, hơn 4.000m2 đất tại xóm Riêng, xã Tú Lý (trong đó hơn 400m2 đất thổ cư, còn lại là đất vườn tạp và ao cá) bị thu hồi để phục vụ dự án. Đất ở, đất sản xuất bị thu hồi trong khi trồng trọt, chăn nuôi là nguồn thu nhập chính nên anh rất hoang mang. Nhưng sau khi được chính quyền địa phương thông tin, tuyên truyền, giải thích về các phương án sau khi thu hồi đất anh đồng thuận rất cao. 

Phần lớn các hộ bị ảnh hưởng dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn huyện Đà Bắc đều là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà con thấu hiểu và chia sẻ trách nhiệm với mong muốn dự án cao tốc sớm được xây dựng hoàn thành, để kinh tế - xã hội địa phương phát triển, đời sống người dân cải thiện, nâng cao. Đến nay, huyện Đà Bắc đã thực hiện xong công tác kiểm kê, đo đạc đối với đất ở, đất vườn, thực hiện hỗ trợ tạm ứng cho các hộ gia đình để di dời mộ ra khỏi phạm vi tuyến đoạn khởi công, phấn đấu hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư toàn tuyến trên địa bàn  trong tháng 10. Dự kiến kinh phí thực hiện công tác GPMB lần 1 hơn 105 tỷ đồng.

Đồng chí Đinh Thị Kiều, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đà Bắc cho biết: "Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm nắm bắt dư luận xã hội để kịp thời định hướng công tác tuyên truyền, lắng nghe, giải quyết những kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân… Đồng thời, thống nhất quan điểm trong triển khai thực hiện GPMB, bồi thường, tái định cư, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhân dân Nhà nước và doanh nghiệp theo phương châm dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Cùng với đó, chú trọng công tác dân vận, tuyên truyền để tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước tháo gỡ nút thắt trong GPMB, góp phần triển khai dự án đúng tiến độ đề ra, thúc đẩy kinh tế của huyện ngày càng phát triển”.


 Minh Duy (Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc) 

Các tin khác


Ảnh hưởng của bão số 3: Toàn tỉnh có 4 người chết, trên 1.400 hộ dân phải sơ tán

Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai  - Tìm  kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3, tính đến 15h00’ ngày 8/9, trong tỉnh có 5 người thương vong, trong đó có 4 người chết, 1 người bị thương do bị sạt lở, vùi lấp đất tại xóm Chầm, xã Tân Minh (Đà Bắc). Các huyện, thành phố đã khẩn cấp sơ tán 1.434 hộ dân ra khỏi 33 khu vực ngập úng, có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Công an huyện Lạc Thủy tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Sáng 8/9, lãnh đạo Công an huyện Lạc Thủy đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai tại các xã, thị trấn. Chỉ đạo các đội nghiệp vụ và Công an các xã, thị trấn phối hợp cùng lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự cơ sở và người dân kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Trên địa bàn huyện có 2 điểm sạt lở nguy hiểm, 6 điểm ngập úng; mất điện toàn huyện từ 17h30' ngày 7/9 đến 10h30' ngày 8/9.

Công ty Điện lực Hòa Bình nỗ lực đóng điện sớm trở lại cho khách hàng

Tính đến thời điểm trưa ngày 8/9, trên địa bàn tỉnh còn 12/54 lộ xuất tuyến từ trạm 110Kv mất điện. Tổng số kháng hàng đang bị mất điện là 37.905 hộ ở các huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc thủy, Yên Thủy, Tân Lạc, Mai Châu và thành phố Hòa Bình.

Huyện Lạc Sơn: Kiên quyết không để thiệt hại về người do chủ quan, bất cẩn 

Các hộ sống trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét được hỗ trợ chuyển đến khu vực an toàn; những ngôi nhà tốc mái, hư hỏng một phần được cộng đồng giúp sức gia cố ngay; những tuyến đường bị sạt lở đất và cây xanh, cột điện bị đổ được xử lý, khắc phục kịp thời đảm bảo lưu thông; những ngầm tràn, vị trí xung yếu, nguy hiểm luôn có lực lượng túc trực và đặt biển cảnh báo, barie không để người, phương tiện qua lại… Đó là những biện pháp được huyện Lạc Sơn tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm hạn chế mức độ thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra.

Huyện Mai Châu: Nhiều nơi bị cô lập do mưa bão

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Mai Châu, từ chiều mùng 7 đến sáng 8/9 nhiều nơi trên địa bàn huyện có mưa vừa đến mưa to. Mưa liên tục đã gây ra tình trạng ngập úng, sạt lở đất, làm nhiều khu dân cư bị chia cắt, cô lập...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục