Xác định "bình đẳng giới (BĐG) là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai và thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện BĐG.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì thực hiện Dự án 8 "Thực hiện BĐG và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, triển khai thực hiện 4 nội dung với 15/16 nhóm hoạt động (1 hoạt động tỉnh Hòa Bình không thuộc địa bàn triển khai).
Đồng chí Khà Thị Luận, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để triển khai các hoạt động đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, Hội LHPN tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo điểm và hướng dẫn xây dựng các mô hình như: câu lạc bộ (CLB) "Thủ lĩnh của sự thay đổi”; "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; "Tổ truyền thông cộng đồng". Đến nay, các cấp Hội đã thành lập và duy trì 425 mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng”, 115 mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, 110 mô hình CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Các mô hình ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền. Với nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, lồng ghép trong các buổi họp thôn, phát tờ rơi đến từng hộ dân…, nội dung tuyên truyền liên quan đến giới và BĐG, phòng chống bạo lực gia đình đã giúp người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật về giới, vận động thay đổi định kiến giới, thói quen, hủ tục lạc hậu, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, tiến bộ, bình đẳng, thúc đẩy xã hội thực hiện BĐG.
Cùng với việc ra mắt các mô hình, Hội LHPN tỉnh chú trọng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, kỹ năng hỗ trợ nạn nhân và vận hành "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; hướng dẫn lập kế hoạch tổ chức sự kiện truyền thông, tổ chức sinh hoạt cho thành viên của các mô hình, CLB và người dân trong cộng đồng; tập huấn về kỹ năng truyền thông BĐG và lồng ghép giới, kỹ năng tổ chức đối thoại, giám sát Dự án 8 cho cán bộ Hội, các ngành, người có uy tín trong cộng đồng, qua đó giúp cho các hoạt động Dự án 8 được triển khai thiết thực, hiệu quả.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền được các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, như lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, phát tờ rơi, xây dựng phóng sự về thúc đẩy xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh (mỗi phóng sự thời lượng 15 phút, thực hiện với 3 thứ tiếng: Tiếng phổ thông, tiếng Thái và tiếng Mường), tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thi, hội thảo, đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản, tuyên truyền trên mạng xã hội như website, fanpage, zalo, facebook của Hội.
Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tích cực tham gia các hoạt động nhằm thực hiện hiệu quả BĐG và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực. Nổi bật như, các cấp Hội đang triển khai cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với tiêu chí phong trào "Phụ nữ Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”; Đề án 938 "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; duy trì hiệu quả 57 mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; tổ chức 215 cuộc tọa đàm, nói chuyện chuyên đề với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ”, "Hạn chế trường hợp sinh con thứ 3, tảo hôn và bạo lực gia đình”, "Sống biết chia sẻ và cảm ơn cha mẹ”; duy trì, nhân rộng 232 mô hình "Phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế - Vì sức khỏe cộng đồng”. Đặc biệt, thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu”, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội vận động, kết nối các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn về vật chất, tinh thần. Đến nay, 378 trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh đã được nhận đỡ đầu.
Đinh Hòa