Để phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi, người chăn nuôi xã Hùng Sơn (Kim Bôi) thường xuyên vệ sinh và phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi.
Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước có 50 xã thuộc 36 huyện của 18 tỉnh ghi nhận DTLCP. Trên địa bàn tỉnh, 1 ổ dịch được ghi nhận tại thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy). Đáng chú ý, đây là địa bàn năm 2024 cũng ghi nhận lợn mắc bệnh DTLCP, do vậy là dấu hiệu cảnh báo dịch bệnh này có thể tái bùng phát, nhất là khi thời tiết giao mùa, nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm cao.
Thực tế cho thấy, những thiệt hại do DTLCP gây ra với ngành chăn nuôi những năm gần đây là rất lớn. Năm 2023, toàn tỉnh có 16 xã, phường, thị trấn của các huyện: Lạc Sơn, Yên Thủy, Kim Bôi, Đà Bắc và thành phố Hòa Bình bị ảnh hưởng bởi dịch, tổng số lợn ốm, chết phải tiêu huỷ là 1.183 con. Trong đó có 185 con lợn nái, đực giống đang khai thác và gần 1.000 lợn con, lợn thịt các loại. Sang năm 2024, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi dịch xuất hiện tại 42 xã, phường, thị trấn thuộc hầu khắp các huyện, thành phố, khiến 4.204 con lợn buộc phải tiêu huỷ. Trong đó có 797 lợn nái, đực giống và 3.407 lợn con, lợn thịt.
Theo đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, những năm vừa qua, nguyên nhân dẫn đến DTLCP bùng phát và kéo dài chủ yếu do đặc điểm chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, nhiều hộ chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học. Bên cạnh đó, khâu kiểm soát dịch bệnh từ đầu vào như con giống, thức ăn, vệ sinh chuồng trại còn lỏng lẻo. Một số hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn ốm không khai báo kịp thời, việc xử lý ổ dịch còn chậm và thiếu đồng bộ. Đặc biệt, trong năm 2024, tình trạng bán chạy lợn ốm,mổ lợn ốm làm thực phẩm tại một số địa bàn vẫn diễn ra, gây nguy cơ lớn lây lan mầm bệnh ra diện rộng, làm suy giảm hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Hiện nay, toàn tỉnh có tổng đàn lợn trên 480 nghìn con, trong khi mới tiêm được hơn 11 nghìn liều vắc xin DTLCP. Điều này cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn giữa nhu cầu phòng bệnh và năng lực đáp ứng thực tế. Để ngăn chặn dịch tái bùng phát, ngành chức năng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền cho hộ chăn nuôi nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh, áp dụng nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, theo dõi đàn lợn để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường, kịp thời báo cơ quan thú y xử lý. Đồng thời kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn, không để lợn bệnh phát tán ra môi trường, tránh tạo thành ổ dịch mới gây khó khăn cho công tác kiểm soát.
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có công văn gửi UBND các huyện, thành phố về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng, chống DTLCP. Trong đó, đề nghị thực hiện nghiêm việc công bố dịch và tổ chức phòng, chống dịch theo đúng quy định tại các địa phương có dịch; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Hướng dẫn hộ chăn nuôi hàng ngày thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất sát trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi. Đặc biệt, tổ chức tiêm vắc xin phòng DTLCP để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhiễm, bùng phát.
Viết Đào