Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành lấy ý kiến nhân dân về chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh và sắp xếp ĐVHC cấp xã. Ghi nhận từ các địa phương, người dân và cử tri đồng tình với chủ trương sắp xếp ĐVHC về tên gọi phù hợp thực tế, giữ được bản sắc dân tộc, đồng thời cho rằng, dự thảo phương án tổ chức ĐVHC mới cũng mở ra không gian và cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai.


Thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc hoàn thành lấy ý kiến người dân về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính.

Đồng chí Bàn Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) cho biết: Thị trấn đã triển khai nghiêm túc lấy ý kiến nhân dân về chủ trương sắp xếp. Hình thức lấy ý kiến là phát phiếu đến từng hộ gia đình. Phiếu lấy ý kiến nhân dân do UBND cấp xã in ấn, đóng dấu treo của UBND cấp xã, lập theo hộ gia đình, mỗi hộ 1 phiếu, mẫu phiếu được sử dụng thống nhất theo hướng dẫn. Đến ngày 22/4, thị trấn đã hoàn thành lấy ý kiến, qua theo dõi, người dân đồng thuận cao với chủ trương sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC.

Huyện Tân Lạc là 1 trong 4 vùng Mường của tỉnh theo phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện sẽ tổ chức từ 16 ĐVHC còn 5 đơn vị cấp xã. Trong đó, thành lập xã Mường Bi trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 3 xã Mỹ Hòa, Phong Phú, Phú Cường. Căn cứ vào các tiêu chí, hướng dẫn về diện tích, dân số, đây là vùng thủ phủ của văn hóa Mường Bi, nơi đang được quy hoạch tập trung các nguồn lực để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt, đời sống. Ông Bùi Văn Ẻo, xóm Lũy Ải, xã Phong Phú mong tới đây Nhà nước tiếp tục đầu tư, hỗ trợ người dân xây dựng không gian văn hóa Mường để những giá trị văn hóa tồn tại với thời gian, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Tân Lạc cho biết, người dân đồng tình cao với các tên gọi sau sắp xếp, nhất là đối với các xã mới Mường Hoa, Mường Bi, Vân Sơn. 

Ngày 17/4/2025, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất chủ trương sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã. Theo đó thực hiện sắp xếp, sáp nhập 151 ĐVHC cấp xã trực thuộc 10 huyện, thành phố thành 46 ĐVHC cấp xã trực thuộc tỉnh (gồm 42 xã và 4 phường), giảm 105 xã, phường, thị trấn, tương đương 69,5%. Ngày 21/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua dự thảo Đề án hợp nhất 3 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, thành lập tỉnh Phú Thọ - ĐVHC cấp tỉnh trực thuộc Trung ương trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số vào địa giới hành chính của tỉnh Phú Thọ hiện hành, với     diện tích tự nhiên trên 9.361 km2, quy mô dân số trên 4,1 triệu người và 148 ĐVHC cấp xã trực thuộc tỉnh. Nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Phú Thọ tại thành phố Việt Trì hiện nay.

Chủ trương sắp xếp ĐVHC, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương đúng đắn và là việc phải làm để phát triển bền vững. Các phương án sắp xếp được tính toán khoa học, hợp lý và nhận được sự ủng hộ cao của cán bộ, nhân dân. Người dân cho rằng, phương án tổ chức sắp xếp cấp tỉnh và cấp xã không đơn thuần là gộp nhỏ thành lớn, mà là sự tái cấu trúc tổng thể theo hướng liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh; đồng thời đáp ứng yêu cầu lịch sử, văn hóa, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng phương án tổ chức ĐVHC cấp xã đáp ứng yêu cầu. Ông Bùi Văn Long, tổ 8, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình cho rằng: Phường Hữu Nghị được sắp xếp thành phường Hòa Bình với  7 phường trung tâm lõi của TP Hòa Bình hiện tại, có lẽ được tính toán phù hợp. Đối với các xã, phường dự kiến của TP Hòa Bình, dự kiến được tổ chức lại đảm bảo hiện tại và tạo dư địa lớn đối với sự phát triển sau này. Phường mới Hòa Bình có các trục giao thông ngang dọc chiến lược, các cầu qua sông Đà hiện hữu, là trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, giáo dục sau này.

Người dân đồng tình cao bởi dự kiến sau sắp xếp, các ĐVHC cấp xã được tổ chức lại đáp ứng yêu cầu và có không gian phát triển lớn. Tại 4 vùng Mường lớn của tỉnh là Bi, Vang, Thàng, Động, khi tổ chức lại có các xã theo vùng Mường riêng có. Đối với việc hợp nhất các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình là bước đi chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị và tầm nhìn dài hạn của Đảng, Nhà nước trong xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, mở ra cơ hội tái cấu trúc không gian phát triển, nâng cao hiệu quả điều hành, tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, chuyển đổi số, phát triển kinh tế vùng theo hướng bền vững, tận dụng và khai thác lợi thế công nghiệp, tiềm năng du lịch, nông nghiệp, văn hóa giàu bản sắc của các địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cải thiện đời sống nhân dân. Việc lấy ý kiến nhân dân là một bước quan trọng thể hiện nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây cũng là cơ sở để chính quyền các cấp điều chỉnh các phương án sáp nhập phù hợp thực tiễn, đảm bảo quyền lợi và tâm lý ổn định cho người dân.


Lê Chung

Các tin khác


Phương án đặt tên xã mới sau khi Vĩnh Phúc bỏ tên theo số thứ tự

Sau khi đặt tên theo số thứ tự, tại huyện Tam Đảo có xảy ra tình huống: Trường trung học phổ thông Tam Đảo 2 nằm trên địa bàn xã Tam Đảo 1. Trên địa bàn xã Tam Đảo 1 có Dự án khu du lịch Tam Đảo 2 (sắp triển khai).

Ứng dụng Đề án 06/CP trong phát triển kinh tế - xã hội

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong hơn 3 năm qua đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh và bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số…

Tuổi trẻ Lương Sơn hăng hái tham gia phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Lương Sơn đã có nhiều hoạt động tích cực, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, vận động nguồn lực xã hội hóa, đóng góp kinh phí, ngày công lao động góp phần hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) trên địa bàn.

Giấy tờ cũ có còn giá trị sau sáp nhập đơn vị hành chính?

Từ ngày 1/7 tới, hàng loạt quận, huyện, xã, phường sẽ được sáp nhập. Vậy giấy tờ hành chính hiện hành có cần làm lại? Người dân cần làm thủ tục ở đâu?

Một người tử vong nghi do sét đánh tại huyện Lạc Sơn

Theo báo cáo nhanh của UBND xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, vào hồi 14h30' ngày 22/4, UBND xã nhận được tin báo về việc phát hiện một người tử vong tại khu vực xóm Kho.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục