Trải qua hành trình hơn 300 km từ thành phố Hoà Bình lên thành phố Cao Bằng, đi thêm gần 100 km để vào huyện lỵ Trùng Khánh, ngược về miền biên viễn, thác Bản Giốc hiện ra trước mắt chúng tôi ngỡ ngàng trong vẻ đẹp nguyên sơ. Giữa thiên nhiên kỳ vĩ, thác Bản Giốc tựa như dải lụa trắng mềm mại nổi bật trên nền xanh của núi rừng miền biên viễn phên giậu.


Thác Bản Giốc với vẻ đẹp kỳ vĩ là điểm đến hấp dẫn du khách.

Hùng vĩ giữa đại ngàn

Chúng tôi được chị Nông Thị Lan, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Trùng Khánh và cô hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Cao Bằng có cái tên rất đẹp Hứa Thị Lệ kể cho nghe nhiều câu chuyện về thác Bản Giốc. Đó là câu chuyện về một tình yêu rất đẹp nhưng có kết thúc buồn. Người ta đồn rằng, ngọn thác ở giữa chia ba tầng, có hai tầng sát nhau như tư thế đôi tình nhân ôm nhau. Đó là hình ảnh người con trai đang ôm người yêu vào lòng, cả hai cùng khóc. Giọt nước mắt chảy dài thành dòng thác cuồn cuộn. Với vẻ đẹp của mình, thác Bản Giốc luôn là nguồn cảm hứng bất tận của những nghệ sĩ và đi vào nghệ thuật tạo hình với những tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh đặc sắc. 

Thác Bản Giốc được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á và là thác tự nhiên lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm ở biên giới các quốc gia. Từ năm 1922, thác Bản Giốc được miêu tả trong tư liệu của Sở Địa chất Đông Dương: "... Đây là một vùng đẹp nhất của Tonkin (tức miền Bắc), nếu không vì xa xôi và phương tiện lưu thông khó khăn nó rất xứng đáng để du khách đến thăm viếng với những hang động, những cây cầu chữ Z bắc lên những tảng đá băng qua sông và nhất là cái thác hùng vĩ, gọi là thác bậc thềm có tên Tu Tong (Tụ Tổng) được người châu Âu biết đến nhiều qua tên thác Bản Giốc”. 

Nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới đã bình chọn, đưa thác Bản Giốc trở thành 1 trong 10 con thác kỳ vĩ nhất thế giới. Thác cao hàng chục mét với nhiều khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá vôi, tạo thành một màn bụi nước trắng xóa. Ở giữa có một mô đá rộng phủ đầy cây đã xẻ dòng nước thành 3 luồng như 3 dải lụa trắng. Dưới chân thác là mặt sông Quây Sơn phẳng lặng như gương, nước trong xanh soi bóng núi mây trời. Nhìn từ xa, thác Bản Giốc như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp làm mê đắm bất cứ ai một lần đặt chân đến. Năm 1997, thác được công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia. 

Biên cương nơi dòng thác

Trong lần đến thăm cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Đàm Thuỷ, chúng tôi được Thiếu tá Nông Văn Hoà, Chính trị viên Đồn Đàm Thuỷ dẫn đi xem lại "chứng nhân” lịch sử là cột mốc bằng đá hoa cương nguyên khối được dựng theo hiệp ước Pháp - Thanh 1885 - 1897. Sau những biến cố lịch sử, hiện, cột mốc được đưa về trưng bày tại khuôn viên Đồn biên phòng Đàm Thuỷ như một chứng nhân không phai mờ về thời kỳ gìn giữ biên cương trong gian khó của quân và dân miền biên giới.

Đến nay, cột mốc 836 đã cắm cả hai phía thác, bên phía Việt Nam là mốc 836 (2), bên phía Trung Quốc là mốc 836 (1). Đường biên giới phân định từ cột mốc 835 trên cồn Pò Thoong xuống điểm giữa của mặt thác chính, chạy dọc theo dòng chảy sâu nhất của sông Quây Sơn. Phía Việt Nam sở hữu phần thác phụ và một nửa thác chính, phía Trung Quốc sở hữu một nửa thác chính phía bờ bắc sông Quây Sơn. Cả mặt sông phía chân thác thành khu vực khai thác du lịch chung, khách từ Việt Nam hay từ Trung Quốc đều có thể lên bè, lênh đênh trên dòng Quây Sơn để ngắm thác từ nhiều góc độ.

Tại cột mốc 836 (2) được đặt trên phần đất Việt Nam ngay cạnh con thác Bản Giốc, chị Nông Thị Lan, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Trùng Khánh cho biết: Đây là cột mốc cuối cùng được cắm trên địa phận biên giới tỉnh Cao Bằng tiếp giáp với Trung Quốc vào ngày 14/1/2009. Để cắm được cột mốc khó có thể kể hết tâm lực và cả máu xương mà người lính biên phòng và nhân dân Cao Bằng đã đổ ra để bảo vệ, gìn giữ mảnh đất miền biên viễn với tặng vật vô giá của thiên nhiên dành tặng cho vùng đất này. 

Quanh chúng tôi, nước vẫn trôi như không có làn ranh biên giới, mây vẫn vắt ngang những đỉnh núi trầm tư như chưa hề biết chuyện những tháng ngày đấu trí, đấu lực để gìn giữ giang sơn. Biên giới Việt - Trung đã được phân định rõ ràng. Nhưng trước khi diễn ra sự kiện trọng đại cắm mốc 836 ở 2 bên bờ sông Quây Sơn dưới chân thác Bản Giốc, nhiều thế hệ người Việt vẫn mãi khắc ghi những cột mốc trong lòng dân đã được dựng lên vững chắc ngay chính mảnh đất này.

                                                             Mạnh Hùng

Các tin khác


Nắm bắt thực tế hoạt động du lịch tại huyện Mai Châu

Ngày 21/3, đoàn công tác Sở VH-TT&DL đã tổ chức nắm bắt tình hình thực tế hoạt động kinh doanh và đón tiếp phục vụ khách du lịch tại huyện Mai Châu.

Hội An đứng đầu trong 10 điểm đến an toàn nhất cho khách du lịch một mình trên thế giới

Dưới đây là danh sách những điểm đến an toàn nhất thế giới dành cho khách du lịch một mình, theo Smoky Mountains.

Nâng cao hiệu quả công tác thống kê, chất lượng dự báo cho du lịch

Chất lượng dự báo có tốt thì việc hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển mới có tính khả thi cao. Trong công tác dự báo, thống kê là một trong những công cụ quan trọng nhất, bởi nó cung cấp các thông tin, dữ kiện cần thiết để làm cơ sở cho hoạch định chính sách phát triển, đồng thời cũng là thước đo để đánh giá năng lực, hiệu quả thực thi.

Ra mắt Đại đô thị kết hợp nghỉ dưỡng “độc nhất”: Giữa lòng thiên nhiên - Kề bên thành phố - Giáp ranh Thủ đô.

Trải dài hơn 4km dọc bờ sông Đà, có một châu Âu thu nhỏ đan xen giữa không gian kỳ vỹ của sông núi, nơi kiến tạo một không gian "sống nghỉ dưỡng” tràn ngập sắc xanh và một cộng đồng tinh hoa thành đạt mang tên Casa Del Rio.

Ra mắt show diễn thực cảnh “Huyền tích UVA”-sản phẩm du lịch mới của Điện Biên

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch Điện Biên, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp UBND huyện Điện Biên giới thiệu sản phẩm du lịch mới: show diễn thực cảnh " Huyền tích UVA ”. Đây là điểm nhấn trong khuôn khổ khai mạc Năm Du lịch quốc gia-Điện Biên gắn với Lễ hội Hoa Ban năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục