Xã Mai Hịch bảo tồn bản sắc văn hoá gắn với phát triển du lịch
Thứ năm, 7/4/2022 | 9:01:26 Sáng
(HBĐT) - Nằm ở phía Tây Nam của huyện Mai Châu, xã Mai Hịch có 85% dân số là người Thái. Bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào Thái vẫn được gìn giữ qua nếp nhà sàn, trang phục, ngôn ngữ và tình cảm mến khách. Kết hợp với những giá trị văn hóa, người dân địa phương đã khai thác lợi thế khác từ cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch.
Homestay Minh Thơ tại xóm Hịch 2, xã Mai Hịch (Mai Châu) chuẩn bị chu đáo các điều kiện đón khách lưu trú trong không gian cộng đồng mang bản sắc văn hoá Thái.
Làng văn hoá cộng đồng Mai Hịch ở xóm Hịch 2 là điểm du lịch cộng đồng được ASEAN bình chọn giai đoạn 2017-2019. Anh Vì Văn Hưởng, hướng dẫn viên địa phương giới thiệu: Du khách quốc tế đặc biệt yêu thích điểm đến này. Thời gian chưa bùng phát dịch Covid-19, xóm Hịch 2 đón khoảng 20.000 lượt khách/năm, thu nhập từ du lịch trên 9 tỷ đồng. Đến đây, du khách sẽ được khám phá thiên nhiên kỳ thú với rừng nguyên sinh, đồi cọ bằng cách đi bộ, leo núi Pù Dênh, thám hiểm hang Lộng hoặc đạp xe thăm thú bản làng, trải nghiệm chèo bè mảng trên con suối Sia… Những ấn tượng đặc biệt về bản còn là trải nghiệm ẩm thực địa phương được chế biến từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái; không gian nhà sàn truyền thống với những hoạt động văn hoá, văn nghệ, điệu múa sạp, xoè bên chiếu rượu cần nếp nương mỗi tối… Trong những ngày lưu trú tại bản, khách cùng tham gia các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi; đến điểm tắm thác, đi dạo bộ qua suối, bên các ruộng ngô, đồng lúa, rừng tre, hoà nhịp vào cuộc sống nông thôn bình dị.
Hiện nay, ngoài xóm Hịch 2, xã có thêm điểm du lịch cộng đồng các xóm Hịch 1, Cha Lang với 9 hộ kinh doanh dịch vụ homestay đón khách tại gia, bình quân mỗi hộ phục vụ 25-30 khách lưu trú. Bên cạnh đó, có 2 điểm đến du lịch nghỉ dưỡng cộng đồng là Mai Châu Valey Retreat tại xóm Hải Sơn và Mai Sơn De Mai Hịch tại xóm Hịch 2. Nhờ tận dụng cảnh quan và phát huy bản sắc văn hoá nên các điểm đến hút khách quanh năm; 70% lượng du là người nước ngoài, nhiều đoàn lưu trú hàng chục ngày. Để tránh sự nhàm chán, các hộ làm du lịch đã kết nối theo chuỗi homestay với các điểm đến khác như: Du lịch cộng đồng bản Bước, xã Xăm Khoè; bản Lác, xã Chiềng Châu.
Chị Hà Thị Thơ, chủ Minh Thơ homestay cho biết: Hộ làm du lịch rất quan tâm đến những yếu tố khách cần không chỉ là bản sắc mà nơi ăn, chốn nghỉ phải thoải mái, khu vực vệ sinh tách biệt, thoáng sạch. Để khắc phục một vài bất tiện của nhà sàn, các hộ cũng cải tạo, chia thành buồng, mỗi buồng đều trang bị ổ điện, đèn để khách có không gian riêng tư nhất định khi ngủ cộng đồng.
Với 7 xóm, 944 hộ, trên 4.000 nhân khẩu, dân tộc Thái chiếm đa số, cấp uỷ, chính quyền xã luôn quan tâm và tạo điều kiện để các hộ tham gia phát triển du lịch. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá. Cách đây 10 năm, Dự án cộng đồng Cohed đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, khơi dậy ý tưởng phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã.
Đồng chí Vì Văn Huệ, Phó Chủ tịch HĐND xã khẳng định: Chiếm tỷ trọng 41,7%, lĩnh vực thương mại và du lịch có đóng góp lớn vào nguồn thu chủ yếu của địa phương và hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ nông sản sạch cho nông dân các xóm. Từ đầu tháng 3 đến nay, thông qua kết nối với các công ty lữ hành, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn đã đón các đoàn khách nước ngoài đầu tiên với hơn 20 người. Các đơn vị, hộ kinh doanh du lịch đang phục hồi mạnh mẽ hoạt động, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch đi đôi với việc đáp ứng tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm giữ vững vị thế điểm đến du lịch cộng đồng hút khách, có thêm nhiều cơ hội giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hoá địa phương.
(HBĐT) - Không chỉ níu chân du khách nhờ cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình cùng bản sắc văn hoá độc đáo, vùng hồ Hòa Bình còn nổi tiếng với nhiều đặc sản, ẩm thực địa phương hòa quyện hương vị núi rừng.
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022, sáng 1/4, Quỹ Hỗ trợ Phát triển Du lịch (VTDF) đã chính thức ra mắt với cơ quan quản lý về du lịch, các Bộ/ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
(HBĐT) - Những năm qua, huyện Cao Phong đã phát huy lợi thế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp chất lượng cao và các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Từ đó đưa huyện trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.
(HBĐT) - Để phục hồi mạnh mẽ ngành kinh tế du lịch trong điều kiện bình thường mới, huyện Mai Châu thực hiện phương châm nới lỏng nhưng không buông lỏng, đồng thời linh hoạt trong kiểm soát dịch bệnh.
(HBĐT) - Nếu không ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khách đến khu du lịch (KDL) chùa Tiên - Đầm Đa, xã Phú Lão (Lạc Thủy) từ Tết Nguyên đán trở ra lúc nào cũng đông vui như trẩy hội. Đồng chí Đỗ Danh Ngọc, Trưởng BQL các khu di tích huyện Lạc Thủy cho biết: Năm nay, KDL chùa Tiên - Đầm Đa không tổ chức khai hội vào ngày mồng 4 tháng Giêng và hạn chế đón khách. Vấn đề đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, song song với hoạt động mở cửa KDL.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, thị trường du lịch của tỉnh tích cực phục hồi với lượng khách đến khám phá, thăm quan tăng đáng kể. Các khu, điểm hút khách nhất vào dịp Tết Nguyên đán và các kỳ nghỉ cuối tuần. Quý I, toàn tỉnh ước đón 938.000 lượt khách, tăng 99,6% so với cùng kỳ, thực hiện 36,4% kế hoạch năm. Trong đó, có 20.000 lượt khách quốc tế (đạt 20% KH năm), 918.000 lượt khách nội địa (đạt 37%KH năm). Tổng thu từ khách du lịch khoảng 950 tỷ đồng, tăng 109,3% so với cùng kỳ, đạt 39,6% kế hoạch năm.