(HBĐT) - Vùng cao huyện Tân Lạc gồm 3 xã: Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông, cách trung tâm huyện khoảng 20 km về phía Tây, độ cao so với mực nước biển từ 800 - 1.000 m, diện tích tự nhiên trên 12 nghìn ha; là khu vực có tỷ lệ che phủ rừng cao, hệ thống rừng tự nhiên với các loài động, thực vật phong phú; nhiều danh lam thắng cảnh và hang động đẹp. Ngày 17/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xóm Chiến, xã Vân Sơn
(Tân Lạc) - điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách khám phá, trải nghiệm.
Cùng với thiên nhiên ưu đãi, cộng đồng dân cư vùng cao huyện
Tân Lạc còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa
truyền thống gắn với bản sắc người Mường như nhà sàn cổ, đồ dùng gia đình,
trang phục, thuần phong mỹ tục, lễ hội truyền thống, diễn xướng mo Mường, dân ca, trò chơi dân gian, ẩm thực... Đây là nguồn tài nguyên để
phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thăm quan khám phá, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện, nâng cao
thu nhập, đời sống cho Nhân dân.
Giai đoạn trước năm
2018, hoạt động du lịch tại các xã vùng cao huyện hầu như chưa có gì nổi trội: chưa có cơ
sở lưu trú cho khách nghỉ qua đêm, chưa có các dịch vụ thiết yếu phục vụ khách du lịch; du khách chủ yếu là khách nội huyện, nội
tỉnh, khách du lịch trong ngày; hoạt động du lịch chủ yếu là thắng cảnh thiên
nhiên kết hợp mua nông sản, một số nhóm khách trẻ, khách phượt dã ngoại, cắm trại tự phát, chưa được
quản lý. Tổng lượng khách đến các xã mỗi năm chỉ khoảng 2.000 - 3.000 lượt, doanh thu từ du lịch chỉ đạt 500 - 700 triệu đồng/năm.
Từ năm 2019, hoạt động du lịch thực sự bắt đầu khi
Tổ chức phi chính phủ của Australia(AOP) hỗ trợ triển khai dự án cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát
triển du lịch cộng đồng tại huyện và lựa chọn xóm Chiến (xã Vân Sơn) để xây
dựng điểm du lịch cộng đồng. Có 3 hộ gia đình được AOP lựa chọn thí điểm mô
hình homestay, mỗi hộ có thể phục vụ 14 - 16 chỗ ngủ.
Từ năm 2019, khách du lịch đến các xã vùng cao có thể lưu trú qua đêm với tổng
số giường ngủ phục vụ 42 - 48 khách/đêm. Năm 2019, lượng khách đến các xã vùng
cao huyện đã tăng lên đáng kể, gấp 3 - 4 lần so với các năm trước, đạt 10.300 lượt khách, trong đó có
khoảng 30% lượt khách lưu trú, còn lại là khách thăm quan trong ngày, doanh thu đạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Năm 2020 - 2021, do tác động của đại dịch Covid-19, lượng khách, doanh thu giảm đáng kể so với năm 2019.
Từ tháng 3/2022, ngành du lịch chính thức mở cửa, bước vào giai đoạn phục hồi
và phát triển trong trạng thái bình thường mớl”, là tín hiệu tích cực để
các xã vùng cao huyện tiếp tục đầu tư, mở rộng các dịch vụ du lịch, tăng cường
thu hút khách du lịch.
Hiện nay, sản phẩm du lịch đang được khai thác tại các
xã vùng cao huyện Tân Lạc chủ yếu là du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông
nghiệp nông thôn và du lịch khám phá thiên nhiên. Nổi bật như du lịch cộng đồng gắn
với cộng đồng người Mường tại xóm Chiến (xã Vân Sơn). Du lịch gắn với nông
nghiệp nông thôn gắn với các vườn cây ăn trái, cánh đồng rau, củ, quả trái vụ thuộc xã Vân Sơn, Quyết
Chiến. Du lịch khám phá thiên nhiên gắn với thăm quan, thắng cảnh núi, rừng, hang động (hang
Núi Kiến, động Nam Sơn), thác nước (thác Thung), check-in, leo núi, săn mây tại
đỉnh Lũng Vân, khám phá thiên nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ
Luông.
Những năm qua, huyện quan tâm phát triển kết
cấu hạ tầng phục vụ du lịch, hạ tầng giao thông được triển khai đầu tư, tu sửa, nâng cấp như: tuyến tỉnh lộ 440 nối quốc lộ 6 (tại ngã ba
chợ Lồ) với các xã vùng cao; đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn đi Tân Lạc; đường 312A kết nối các xã vùng cao
huyện Tân Lạc với huyện Mai Châu và huyện Bá Thước (Thanh Hóa); nâng cấp, bê tông hóa các tuyến đường
liên xã, liên thôn. Một số dự án
phát triển cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng tại các xã vùng cao đã được phê duyệt chủ
trương đầu tư và đang nghiên cứu đề xuất đầu tư, như: dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái và bảo tồn
thiên nhiên Thung Lũng Mây; khu du lịch
sinh thái nghỉ dưỡng Lũng Vân Ecolodge; khu du lịch sinh thái - văn hoá cộng đồng và bảo tồn tự nhiên xóm Chiến.
Thực hiện Đề án xây dựng các xã vùng
cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm
2050, huyện tập trung đầu tư một số điểm du lịch cộng đồng tại 3 xã vùng cao.
Trước mắt mỗi xã lựa chọn 1 xóm xây dựng điểm du lịch cộng đồng kiểu mẫu. Trong
đó, xã Quyết Chiến lựa chọn chòm khu dân cư xóm Thung cũ của xóm Bắc Thung; xã
Ngổ Luông chọn chòm xóm Cá cũ thuộc xóm Luông Cá; xã Vân Sơn lựa chọn xóm Hày
Dưới.
Để thực hiện hiệu quả đề án, khai thác tiềm năng, lợi
thế phát triển du lịch các xã vùng cao, huyện đề ra nhiệm vụ, giải pháp: Đổi mới mạnh mẽ tư duy,
nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về hiệu quả của phát triển du lịch
đối với phát triển KT-XH trên
địa bàn; có
chính sách, cơ chế thích hợp nhằm khuyến khích, thu hút mọi thành phần kinh tế
tham gia đầu tư phát triển du lịch các xã vùng cao; tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu
tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm du
lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; bảo vệ tài nguyên - môi trường… Phấn
đấu đến năm 2025 hoàn thành cơ bản đạt 50% điều kiện để công nhận các xã vùng
cao huyện thành khu du lịch cấp tỉnh; đón được 50
nghìn lượt khách du lịch (khoảng 5 nghìn lượt khách quốc tế); doanh thu xã hội
từ du lịch đạt khoảng 30 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 - 45
triệu đồng/người/năm. Đến năm 2030 hoàn thành 100%điều kiện và được công
nhận là khu du lịch cấp tỉnh; đón được 115 nghìn khách du lịch (khoảng 15 nghìn
lượt khách quốc tế); doanh thu xã hội từ du lịch khoảng 100 tỷ đồng; thu nhập
bình quân đầu người đạt 50 - 55 triệu đồng/người/năm…
V.H