Là một trong những nước của Đông Nam Á sớm mở cửa trở lại cho du lịch sau đại dịch Covid-19, song du lịch Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng "đi trước về sau”: số lượng khách quốc tế còn thưa vắng, tỷ lệ phục hồi du lịch chỉ là 18,1% (trong khi của Singapore là 30,9%, Malaysia là 27,5%, Thái Lan là 22%)... Thực trạng này đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng có những giải pháp để tăng tốc về cả lượng khách và chi tiêu của khách du lịch quốc tế.
Du khách quốc tế tham quan chùa Long Sơn, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: XUÂN THÀNH)
Tháo gỡ rào cản về chính sách visa
Thống kê cho thấy, ba năm trước đại dịch, khách quốc tế đến Việt Nam trung bình chỉ bằng một phần năm lượng khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế là 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch đạt được. Điều này cho thấy, khách quốc tế luôn là thị phần đóng góp đáng kể vào cơ cấu doanh thu du lịch toàn ngành. Hút khách quốc tế vì thế luôn là mục tiêu quan trọng của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Đáng tiếc, trở lại đường đua du lịch sau đại dịch, Việt Nam liên tục phải đối mặt tình trạng sụt giảm nghiêm trọng về lượng khách quốc tế. Năm 2022, nước ta đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 5 triệu lượt, và kém xa so với một số nước trong khu vực.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch cho biết: Trước đại dịch, Việt Nam chỉ đón lượng khách quốc tế bằng một nửa so với Thái Lan dù tiềm năng, lợi thế du lịch nước ta rất lớn. Điều này vốn đã đáng buồn nhưng năm qua, khách quốc tế vào Việt Nam thậm chí tụt xuống chỉ còn một phần ba so với Thái Lan và năm nay nếu không cẩn thận có nguy cơ còn tụt sâu hơn nữa.
"Thực tế trên buộc chúng ta phải lo lắng chứ không còn chỉ là thất vọng. Bởi "sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp đang rất "sầu”. Hàng nghìn doanh nghiệp du lịch, khách sạn, điểm tham quan, vui chơi giải trí vắng khách du lịch quốc tế lâm vào thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất, cắt giảm lao động, nhiều khách sạn phải chào bán để trả nợ ngân hàng”, Tiến sĩ Lương Hoài Nam chia sẻ.
Năm 2022, Việt Nam đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 5 triệu lượt, và kém xa so với một số nước trong khu vực.
Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, có cả những lý do khách quan và chủ quan, song rào cản lớn không thể không đề cập là những hạn chế từ chính sách thị thực mà Việt Nam đang áp dụng.
Trao đổi tại Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10/3, bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc khối Sun World-Tập đoàn Sun Group cho hay: Visa là cánh cửa đầu tiên tạo ra lợi thế cạnh tranh của điểm đến. Nhưng Việt Nam hiện mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương.
Thị thực điện tử cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh một lần. Trong khi đó, Malaysia và Singapore miễn thị thực cho hơn 160 quốc gia, Philippines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc 66 quốc gia, Thái Lan 64 quốc gia… Các quốc gia này hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên đến sáu tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào.
"Như vậy, chính sách visa của Việt Nam đang bất lợi về cả số quốc gia được miễn visa, cấp visa điện tử, thời gian miễn visa cũng như hình thức visa. Nếu chúng ta không điều chỉnh kịp thời, phù hợp, linh hoạt, rất có thể tiếp tục tụt lại phía sau”, bà Trần Nguyện nhận định.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng: Dù quyết tâm mở cửa trở lại du lịch từ rất sớm nhưng đến nay Việt Nam vẫn kiên trì chính sách visa khắt khe với số lượng quốc gia được miễn thị thực quá ít, số ngày lưu trú quá ngắn.
"Chúng ta vẫn đang coi du khách là đối tượng quản lý, không phải đối tượng khai thác. Là đối tượng quản lý thì quản chặt, không có chính sách để khai thác triệt để nguồn lợi mà họ mang lại. Quốc hội đang gợi mở thông qua chính sách nâng thời gian lưu trú cho khách lên 30 ngày nhưng tại sao chúng ta không nâng hẳn lên 90 ngày?”-ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích. Từ đây, ông Kỳ đề xuất cần sớm có các chính sách đột phá, cởi mở về visa.
Đơn cử, quy định duyệt visa cho khách ở 15 ngày đầu tiên, 15 ngày sau đó sẽ tự động gia hạn visa; chấp nhận các kiểu visa Quan Hồng như ở Đài Loan (Trung Quốc) hoặc visa đoàn như Nhật Bản; thí điểm miễn visa tới sáu tháng cho một số thị trường trọng điểm... Tiến sĩ Lương Hoài Nam kiến nghị: Cần tăng số nước miễn visa đơn phương, nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30-45 ngày, cho du khách vào ra nhiều lần. Với các nước thành viên EU nên miễn hết visa bởi đây là đối tượng khách an toàn, văn minh.
Theo bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc khối Sun World-Tập đoàn Sun Group, chính sách visa của Việt Nam đang bất lợi về cả số quốc gia được miễn visa, cấp visa điện tử, thời gian miễn visa cũng như hình thức visa. Nếu chúng ta không điều chỉnh kịp thời, phù hợp, linh hoạt, rất có thể tiếp tục tụt lại phía sau.
Nên kéo dài thời hạn các chương trình miễn thị thực đơn phương lên 5 năm để doanh nghiệp yên tâm tiếp thị, xây dựng sản phẩm. Với khách từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ (những thị trường du lịch lớn có đường bay thẳng với Việt Nam), nên sớm có thỏa thuận chính sách visa dài hạn song phương với thời hạn từ 5 đến 10 năm, tương tự visa dài hạn mà một số quốc gia đã và đang cấp cho công dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Nam đề xuất cần mở rộng các nước được cấp visa điện tử; nâng cấp hệ thống e-visa về tính năng, giao diện trang web, thường xuyên điều chỉnh chính sách e-visa để cạnh tranh với các nước. Ông cũng lưu ý cần sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, máy đọc hộ chiếu để tạo thuận tiện cho công tác quản lý xuất, nhập cảnh…
Thúc đẩy khả năng chi tiêu của du khách
Cùng với thay đổi chính sách visa, nhiều chuyên gia cho rằng cần có thêm những giải pháp đồng bộ để thu hút khách và gia tăng khả năng chi tiêu của du khách khi đến Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá: Các yếu tố hấp dẫn du khách đến Việt Nam đều đang hạn chế. Cụ thể, chúng ta chưa có sản phẩm nổi trội, độc đáo. Công tác truyền thông, quảng bá cũng chưa được chú trọng, hiện gần như chỉ có doanh nghiệp hàng không, lữ hành tự bỏ chi phí quảng bá, tiếp cận và khởi động thị trường cho nên rất khó hiệu quả. Ông Kỳ cho rằng đây là những yếu tố cần được cải thiện ngay để nâng cao sức hút điểm đến.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn: Trong các loại hình du lịch, Việt Nam đang phát triển phổ biến nhất là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm chủ yếu nhờ tính sẵn có, ưu đãi về điều kiện tự nhiên và đa dạng văn hóa.
Đối với hai loại hình là xu hướng mới về du lịch gồm du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm-giải trí thì Việt Nam còn rất hạn chế, trong khi tiềm năng phát triển và khả năng tăng chi tiêu của du khách từ hai loại hình này rất lớn.
So sánh với Singapore - quốc đảo có diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc của Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đánh giá, dù không được thiên nhiên ưu đãi nhiều, nhưng nước này đã biết cách "đánh thật mạnh” vào bốn loại hình du lịch để phát triển là: mua sắm, vui chơi-giải trí, du lịch công việc và du lịch trải nghiệm. Nơi đây được ví như thiên đường mua sắm vì là quốc đảo miễn thuế. Sự phong phú về số lượng trung tâm mua sắm, sự thuận lợi trong việc hoàn thuế VAT cho du khách quốc tế đã giúp Singapore hút được lượng lớn khách tới với mục đích du lịch mua sắm là chính.