Tân Lạc có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 17/10/2022 về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc triển khai các mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TU kết quả còn hạn chế.


Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng những giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn là nền tảng quan trọng để các xã vùng cao huyện Tân Lạc phát triển du lịch. Ảnh: Trung tâm xã Vân Sơn nhìn từ trên cao.

Dồn lực để đưa "nóc nhà” Mường Bi thành khu du lịch cấp tỉnh

Mấy năm rồi tôi mới trở lại "nóc nhà” Mường Bi. Khung cảnh thiên nhiên, con người vẫn vậy. Vẫn là thiên nhiên tươi đẹp với những dãy núi xanh mướt trải dài, hùng vĩ. Vẫn là bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc còn được giữ gìn qua bao đời, những con người bản xứ chân chất, cần cù, chịu khó... Nhưng cuộc sống đã đổi thay với nhiều gam màu tươi sáng. Nơi được coi là "nóc nhà” của Mường Bi gồm các xã: Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông. Với độ cao trung bình từ 800 - 1.000m so với mực nước biển, địa bàn các xã có tỷ lệ che phủ rừng cao, khí hậu mát mẻ, ôn hòa. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, cổ xưa của dân tộc Mường. 

Theo đồng chí Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, huyện cùng các sở, ngành đã triển khai bước đầu mang lại những kết quả nhất định. Các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia được tập trung, lồng ghép để từng bước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Trong đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, lựa chọn mỗi xã 1 xóm để xây dựng các điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ). Trong đó, xã Vân Sơn lựa chọn xóm Hày Dưới; xã Quyết Chiến lựa chọn xóm Bắc Thung, xã Ngổ Luông lựa chọn xóm Luông Cá. Cùng với đó, huyện và tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tích hợp các tuyến đường kết nối, thu hút đầu tư để phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, giao thương của tỉnh nói chung và    các xã vùng cao của huyện nói riêng.

Ngoài ra, huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch đồng bộ, chất lượng, như nâng cấp cơ sở lưu trú, không gian tổ chức sự kiện, biểu diễn văn hóa văn nghệ, điểm đến cho du khách tại những nơi có cảnh quan đẹp; khuyến khích các hộ dân đầu tư loại hình DLCĐ gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình xây dựng loại hình dịch vụ lưu trú homestay; bố trí nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ xây dựng các đội văn nghệ; trang thiết bị cho 9 nhà văn hoá khu dân cư các xã. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch, mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cho gần 300 hộ dân tại các xóm được chọn làm điểm DLCĐ và người dân tại 3 xã.

Khó đưa "nóc nhà” Mường Bi thành một "tiểu Sapa”

3 xã vùng cao được xác định là khu vực    có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Ngoài   hệ thống danh lam thắng cảnh và hang động đẹp được xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia như động Nam Sơn, hang Núi Kiến, còn có nhiều điểm tham quan như: đỉnh Lũng Vân quanh năm mây phủ, ruộng bậc thang Lũng Vân, thác Thung... Cộng đồng dân cư còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Mường như: nhà sàn cổ, trang phục, thuần phong mỹ tục, lễ hội truyền thống, diễn xướng mo Mường, dân ca, trò chơi dân gian, ẩm thực... Những tài nguyên trên là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch sinh thái, DLCĐ, du lịch trải nghiệm, khám phá. Ngoài ra, tại các xã còn có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, với các khu sản xuất nông sản hàng hóa đặc sản vùng cao như: đồi quýt cổ Nam Sơn, thung lũng rau su su Quyết Chiến, tỏi tía Bắc Sơn, rau củ quả trái vụ Quyết Chiến, thảo dược, rau rừng, chè tuyết... 

Phát huy những tiềm năng, lợi thế, hoạt động du lịch tại khu vực đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, thu nhập từ dịch vụ DLCĐ góp phần nâng cao đời sống nhân dân; đường làng, ngõ xóm được chỉnh trang sạch đẹp; nếp sống, văn hóa ứng xử thân thiện, mến khách; bản sắc văn hóa, hình ảnh mảnh đất, con người các xã vùng cao được quan tâm quảng bá, lan tỏa; nhiều mặt hàng nông sản được giới thiệu, bán cho khách tham quan...

Tuy nhiên, theo đánh giá, những kết quả trên chỉ là những "điểm sáng” trong bức tranh chung của các xã vùng cao. Bởi, vốn là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên xuất phát điểm còn nhiều hạn chế, đặc biệt về hạ tầng giao thông và các thiết chế văn hóa - xã hội. Hiện du khách có thể đến với các xã vùng cao bằng nhiều tuyến đường khác nhau, tuy nhiên hầu hết đều khó đi, nhất là tuyến đường chính từ quốc lộ 6 từ lâu chưa được đầu tư, nâng cấp, gây khó khăn cho việc đi lại, nhất là đối với các phương tiện chuyên chở khách cỡ lớn. Đời sống của đại bộ phận người dân còn khó khăn; việc khai thác quỹ đất nông, lâm nghiệp chưa hiệu quả, người dân vẫn còn loay hoay với lời giải cho bài toàn nuôi con gì, trồng cây gì...

Từ thực tế đó, khát vọng đưa "nóc nhà” Mường Bi trở thành một "Sapa của xứ Mường” với mục tiêu gần nhất đến năm 2025, phấn đấu đón 50 nghìn lượt khách du lịch (có khoảng 5 nghìn lượt khách quốc tế) với khoảng 30 nghìn lượt khách lưu trú; doanh thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 30 tỷ đồng. Thu hút nhà đầu tư lớn phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, phấn đấu có ít nhất 1 khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt chuẩn 3 - 5 sao được đưa vào khai thác, quy mô 50 - 60 phòng lưu trú; có khoảng 20 - 30 hộ kinh doanh homestay. Tạo việc làm cho khoảng 750 lao động địa phương, trong đó, lao động trực tiếp khoảng 250 người đang được xem là khó trở thành hiện thực.

Đối với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đón 115 nghìn khách du lịch (khoảng 15 nghìn lượt khách quốc tế), khách lưu trú đạt khoảng 70 nghìn lượt; doanh thu xã hội từ du lịch khoảng 100 tỷ đồng. Có từ 3 - 4 khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt chuẩn 3 - 5 sao với quy mô 150 - 200 phòng lưu trú; có khoảng 40 - 50 hộ kinh doanh homestay, cung cấp khoảng 800 - 1.000 giường ngủ phục vụ khách du lịch. Tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động địa phương cũng được xem là mục tiêu xa vời trong điều kiện khả năng đầu tư phát triển hạ tầng khó khăn, cần tập trung nguồn lực rất lớn...
    


Mạnh Hùng

Các tin khác


Đầu tư phát triển du lịch ẩm thực

Ẩm thực Việt Nam từng được nhiều chuyên trang du lịch và cẩm nang ẩm thực nổi tiếng vinh danh, như kênh truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn ẩm thực Việt Nam là một trong 10 nền ẩm thực tuyệt nhất thế giới; Giải thưởng Ẩm thực Thế giới (thuộc hệ thống World Travel Awards) vinh danh Việt Nam là "Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á năm 2022”... Mới đây, Michelin Guide - cẩm nang ẩm thực hàng đầu thế giới - đã xếp Đà Nẵng của Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến ẩm thực đáng chú ý nhất năm 2025.

Pà Cò, Hang Kia - điểm du lịch cộng đồng hút khách dịp Tết cổ truyền dân tộc Mông

Được tổ chức vào khoảng 30/11 âm lịch ngay sau khi công việc mùa màng kết thúc, Tết cổ truyền dân tộc Mông còn kéo dài cho đến ngày cuối cùng của tháng Chạp. Dịp này, điểm đến du lịch cộng đồng (DLCĐ) 2 xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu) thu hút đông du khách đến trải nghiệm, khám phá phong tục đón Tết độc đáo.

Tỉnh Hòa Bình ước đón trên 4,3 triệu lượt khách tham quan, du lịch

Năm 2024, du lịch tỉnh Hòa Bình phục hồi mạnh mẽ và trên đà phát triển tăng tốc. Hoạt động kinh doanh du lịch thực hiện vượt mục tiêu về thu hút du khách trong nước, quốc tế và tổng thu về du lịch.

Lấy kinh tế di sản làm động lực phát triển du lịch bền vững

Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu thu hút 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ hoạt động du lịch 50.000 tỷ đồng.

Chuyên gia dự báo Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ sẽ bùng nổ du lịch

Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn thông tin từ báo chí địa phương dự báo Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ phát triển "đột biến” trong lĩnh vực du lịch khi tầng lớp trung lưu tăng lên.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ ''lên ngôi'' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng "lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục