Hiện nay, hoạt động du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn xã Pà Cò (Mai Châu) ngày càng phát triển dựa vào khai thác tiềm năng, lợi thế tự nhiên và bản sắc văn hóa. Ngoài các homestay cung cấp dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng tập trung ở xóm Chà Đáy, một số hộ ở các xóm đang triển khai xây dựng mô hình lưu trú nhà dân giúp tăng thêm trải nghiệm của du khách về bản sắc văn hóa dân tộc Mông.
Theo tập tục, đồng bào Mông ở Pà Cò xây nhà trình tường với ba gian, vật liệu là tre, đất và gỗ. Gian bên trái đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của gia chủ; gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách, còn gian giữa rộng nhất dùng đặt bàn thờ tổ tiên và cũng là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của gia đình. Kiến trúc nhà trình tường độc đáo vẫn được các gia đình ở xóm Pà Cò 1 bảo tồn khá nhiều. Trong đó, anh Hàng A Dê là hộ đầu tiên mạnh dạn khởi động mô hình đón khách lưu trú tại nhà. Anh Dê chia sẻ: Điều tôi muốn giới thiệu, quảng bá tới những du khách yêu mến nơi đây là trải nghiệm mộc mạc, gần gũi về cuộc sống sinh hoạt đời thường trong các gia đình.
Thời gian qua, khá nhiều du khách quốc tế, khách các tỉnh phía Nam lựa chọn lưu trú nhà dân tại xã Pà Cò, trong đó khách quốc tế chiếm trên 60%. Chị Mai Thảo đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: Ngoài thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp, tôi muốn khám phá thật nhiều về văn hóa đồng bào Mông ở huyện vùng cao Mai Châu. Việc lên lịch cho một tuần lưu trú tại nhà dân chính là để tôi được trải nghiệm văn hóa một cách chân thật nhất thông qua cuộc sống sinh hoạt, những cuộc chuyện trò, tương tác thú vị với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cũng theo chia sẻ của chị Mai Thảo, việc kết nối, liên hệ lưu trú tại hộ gia đình được thực hiện qua hình thức online. Trong những ngày khám phá du lịch Pà Cò, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với chị là được tận hưởng không gian sống đậm bản sắc, được quan tâm, gần gũi như một thành viên trong gia đình. Đón khách lưu trú, gia chủ trang trí lại nhà cửa, chuẩn bị đầy đủ chăn, gối, đệm. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều cùng nhà dân. Tại điểm đến này, bên cạnh dịch vụ lưu trú, các hộ sẵn sàng giới thiệu và hỗ trợ tối đa du khách về các điểm trải nghiệm. Ngoài tham quan bản làng, trecking xuyên rừng già, săn mây, đi chơi chợ phiên, du khách có thể tìm hiểu nghề truyền thống dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong, thăm Mong Space được xem là Bảo tàng không gian văn hóa của người Mông thu nhỏ.
Ông Pauel, du khách Pháp chia sẻ: Với tôi, lưu trú nhà dân là trải nghiệm tuyệt vời ở điểm DLCĐ Pà Cò. Những ngày sinh hoạt cùng gia đình, tôi cảm nhận không khí ấm áp, hòa quyện với đồi núi tự nhiên và mọi người rất thân thiện, vui vẻ khi giới thiệu, trả lời những câu hỏi của tôi xung quanh câu chuyện văn hóa. Mong rằng tôi sẽ có dịp quay trở lại đây để tiếp tục khám phá về con người, vùng đất.
Ông Phàng A Sồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Những năm gần đây, du lịch địa phương phát triển, nhiều sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn được xây dựng thu hút nguồn khách. Nhất là từ khi sản phẩm du lịch chợ đêm văn hóa dân tộc Mông đi vào hoạt động dịp cuối tuần, nhu cầu lưu trú tại điểm đến tăng cao, số giường tại các nhà nghỉ cộng đồng nhiều khi quá tải. Nắm bắt cơ hội đó, một số nhà dân triển khai và từng bước nâng cấp điều kiện lưu trú tại nhà. Dần dần, mô hình lưu trú nhà dân đón khách thường xuyên hơn. Hiện nay, ngoài trang phục, các hộ dân nơi đây bảo tồn tốt kiến trúc nhà truyền thống, nét sinh hoạt hàng ngày tạo không gian cảm xúc thân thuộc cho du khách cũng như tạo dấn ấn về văn hóa bản địa, văn hóa lưu trú nhà dân đúng chất.