(HBĐT) - "Tăng cường giao lưu, hợp tác, hội nhập đã mở ra nhiều cơ hội giao lưu, phát triển, đặc biệt là với những người trẻ bởi họ luôn năng động, sáng tạo, nhiệt huyết và nhanh nhạy. Song quá trình này đã và đang đặt ra cho thanh niên nhiều thách thức lớn, đó là sự tương thích giữa trình độ học vấn với các cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao; tác động của thông tin "trái chiều” đến nhận thức, hành động của thế hệ trẻ; là việc làm thế nào để dung hòa được giữa truyền thống và hiện đại trong lối sống, nếp sống… Là tổ chức của thanh niên do thanh niên và vì thanh niên, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đang đứng trước áp lực đổi mới nhằm khơi dậy, hỗ trợ thanh niên phát huy tiềm năng, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí và uy tín của thế hệ trẻ” - Anh Hoàng Xuân Giao, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn khẳng định.


Những đôi mắt rưng rưng, bàn tay nắm chặt bàn tay, lời cảm không ngừng được truyền đi là hình ảnh, ấn tượng không thể quên, là nguồn động viên lớn đối với mỗi thành viên của CLB Ngân hàng máu sống tỉnh. Hơn 1 năm hoạt động, gần 200 thành viên CLB đã tham gia nhiều cuộc hiến máu tình nguyện đột xuất, hiến máu cấp cứu, chung tay cứu sống hàng chục bệnh nhân. Chị Phạm Thị Ngọc ánh, Trưởng Ban đoàn kết, tập hợp thanh niên Tỉnh Đoàn, chủ nhiệm CLB cho biết: Mới đây nhất, chúng tôi đã tham gia hiến máu góp sức cùng đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cứu sống trẻ sơ sinh 7 ngày tuổi. Khoảnh khắc dòng thông điệp được truyền đi trên mạng xã hội facebook về trường hợp cháu bé này vào lúc 21h ngày 18/5 ngay lập tức nhận được hàng trăm bình luận, trả lời của những tình nguyện viên có nhóm máu A sẵn sàng có mặt và tham gia hiến máu. Đây chính là minh chứng cụ thể nhất cho thấy sự chung tay của thanh niên vì cộng đồng.


"Ngày chủ nhật xanh” năm 2017 do Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn Hòa Bình phối hợp phát động, thu hút đông đảo ĐV -TN các lực lượng tham gia,góp phần trả lại cảnh quan sạch - đẹp cho 2 bờ sông Đà.

Mới đây, BTV Tỉnh Đoàn đã thành lập tổ tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Sau khi tiếp nhận những đề án khởi nghiệp của thanh niên, tổ có nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ ra những mặt mạnh, hạn chế của đề án, sử dụng kinh nghiệm của bản thân và dựa trên xu hướng phát triển của thị trường để đưa ra các dự báo, từ đó hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp khả thi tiếp cận với nguồn vốn, nhà đầu tư hoặc thị trường tiêu thụ. Sau 2 tuần gửi đề án về Tỉnh Đoàn, Nguyễn Trung Hiếu (khu 8, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong) được gặp gỡ, trao đổi về dự án phát triển kinh tế của mình với tổ tư vấn. Chỉ sau 1 tuần kể từ khi bổ sung, hoàn thiện dự án, Hiếu đã được các thành viên trong tổ giúp tiếp cận nguồn vốn và được vay 600 triệu đồng. Cùng vốn đối ứng 550 triệu đồng, Hiếu đầu tư lắp đặt 23 lồng bè, mua 1 máy ép cám viên nổi thực hiện ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Anh Hoàng Xuân Giao, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn khẳng định: Đây là 2 đại diện tiêu biểu của 2 loại mô hình: Thứ nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm của thanh niên với cộng đồng. Thứ hai là phục vụ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, thiết thực của thanh niên. Lấy thanh niên làm trung tâm của mọi phong trào, hoạt động, đáp ứng song song quyền và nghĩa vụ của thanh niên được BTV Tỉnh Đoàn xác định là giải pháp để tổ chức Đoàn đến gần hơn với thanh niên, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên. Với cách làm đó, trong 5 năm 2012- 2017, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã xây dựng được 1.500 công trình thanh niên ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiêu biểu như các công trình sân khấu nổi, đường bê tông nông thôn, đoạn đường "thắp sáng làng quê”, cầu thanh niên và hàng ngàn các chương trình tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng có ý nghĩa khác góp phần nâng cao vai trò, uy tín của thế hệ trẻ.

Lợi ích của thời đại hội nhập, CNH-HĐH ai cũng thấy rõ, song không thể phủ nhận quá trình này đã dẫn đến những xáo trộn nhất định, đặc biệt là với thanh niên. Để tìm kiếm việc làm, nhiều thanh niên đã tới các khu vực đô thị, khu, cụm công nghiệp. Điều đó làm cho việc tổ chức, quản lý thanh niên gặp khó khăn. Thanh niên mất đi điều kiện được sinh hoạt trong tổ chức của chính mình - Đoàn Thanh niên. ở nhiều vùng quê hiện nay, hoạt động của tổ chức thanh niên đã gần như bị "tê liệt” vì không còn thanh niên, không còn đoàn viên. Trước thực trạng đó, BTV Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các Huyện, Thành Đoàn chú trọng vận động thành lập tổ chức Đoàn hoặc CLB thanh niên cùng sở thích tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Chị Đinh Thị Thúy Hòa, Bí thư Huyện Đoàn Lương Sơn cho biết: Khó khăn chúng tôi phải đối mặt khi thực hiện chủ trương này không hề ít như: sự thiếu hợp tác của lãnh đạo doanh nghiệp. Người lao động ở độ tuổi thanh niên trong doanh nghiệp thường làm những mảng công việc nặng nhọc, cường độ cao, không có thời gian tham gia các phong trào. Trình độ, năng lực, kinh nghiệm của cán bộ Đoàn tại doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn hạn chế, dẫn đến hoạt động mang tính hình thức, không thu hút thanh niên… Song song với tuyên truyền, vận động lãnh đạo doanh nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ Đoàn, BTV Huyện Đoàn Lương Sơn còn cử cán bộ chuyên trách theo sát, phối hợp tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích cho thanh niên công nhân…

Với cách làm đó, trong 2 năm trở lại đây, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã vận động và thành lập trên 10 chi đoàn, chi hội, CLB thanh niên cùng sở thích trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tại TP Hòa Bình, các huyện: Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy và Lương Sơn.

Theo thống kê của Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn, bình quân hằng năm có hàng chục trẻ vị thành niên, thanh niên bị đưa ra xét xử hình sự. Điều đáng nói là nếu như trước đây, hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên trên địa bàn tỉnh chỉ khu biệt ở nhóm tội xâm phạm sở hữu, gây mất trật tự công cộng, cố ý gây thương tích thì nay ở tội danh nào cũng có sự góp mặt của thanh, thiếu niên. Sự gia tăng tội phạm lứa tuổi này ở mọi lĩnh vực với hành vi và thủ đoạn ngày càng xảo quyệt, manh động thật sự đáng lo ngại. Tại cuộc giám sát "việc thực hiện Chương trình hành động của Đoàn thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư T.ư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030” tại Tỉnh Đoàn, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư T.ư Đoàn khẳng định: "Đoàn có một phần trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng đó.”

Trao đổi về vấn đề này, anh Hoàng Xuân Giao, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn khẳng định: Đổi mới phương thức tiếp cận, giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh niên là nhiệm vụ đã được BTV Tỉnh Đoàn chú trọng thực hiện từ lâu. Cụ thể nhất là việc xây dựng và chỉ đạo xây dựng các website, fanpage của Đoàn nhằm định hướng thông tin, tuyên truyền mô hình, cách làm hay, nhân tố điển hình trong độ tuổi thanh niên… đến thế hệ trẻ. Đồng thời chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn xây dựng hướng dẫn chi tiết về cách thức, cung cấp nội dung sinh hoạt chi đoàn cho 100% cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh; đổi mới hoạt động giáo dục, phổ biến pháp luật theo hướng sân khấu hóa, tránh sự nhàm chán cho đối tượng tiếp nhận.

Đặc biệt, trong những năm qua, công tác giúp đỡ, cảm hóa thanh niên chậm tiến được BTV Tỉnh Đoàn chú trọng và đưa ra chỉ tiêu khá cao đó là: Mỗi cơ sở đoàn hàng năm giúp đỡ ít nhất 1 thanh niên chậm tiến. Đồng thời, BTV Tỉnh Đoàn chỉ đạo các Huyện, Thành Đoàn chủ động phối hợp, huy động sự vào cuộc kiểm tra, giám sát của trường học, chi bộ, các hội, đoàn thể khác tại địa bàn dân cư nhằm tránh việc chạy theo thành tích, tô hồng báo cáo của cơ sở. Trong 2 năm 2015, 2016, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã cảm hóa, giúp đỡ được 129 thanh niên trở nên tiến bộ. Nhiều thanh niên trong số đó được hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện vay vốn làm ăn. Nhiều thanh niên có nguy cơ bỏ học đã đi học trở lại.

Cũng theo anh Hoàng Xuân Giao, đây là 1 trong số 2 chỉ tiêu không đạt so với Nghị quyết Đại hội XV của Đoàn đã đề ra nhưng chắc chắn là con số đáng tin, thể hiện trách nhiệm của Đoàn với thành viên của tổ chức mình. Trong thời gian tới, đổi mới vẫn là yêu cầu tiên quyết được đặt ra với Đoàn thanh niên toàn tỉnh cả về tổ chức, giáo dục, rèn luyện tư tưởng chính trị và phương thức tập hợp để giáo dục, rèn luyện thanh niên thật sự là lực lượng xung kích trong thời đại mới có tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn. Đoàn thanh niên xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng.

                                                                                                     P.V

 

* Cần mở nhiều hướng để thu hút thanh niên đến với tổ chức Đoàn

      

Hiện nay, hoạt động đoàn khu vực nông thôn chịu nhiều "sức ép” khách quan, nhất là việc thanh niên phải phấn đấu tự lập thân, lập nghiệp. Khi mà những lo lắng về mưu sinh đang đè nặng lên đôi vai của mỗi bạn trẻ thì rõ ràng nhu cầu đến với tổ chức Đoàn không nhiều, thậm chí có thể bị bỏ qua. Việc thanh niên rời quê hương đi làm ăn xa là nhu cầu chính đáng. Không thể phê phán thanh niên nông thôn về việc chưa nhiệt tình tham gia sinh hoạt Đoàn bởi bản thân mỗi người đang phải đối mặt và giải quyết những vấn đề thiết thân. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng là tổ chức Đoàn, Hội cần có mặt ở những nơi thanh niên đến và tổ chức Đoàn địa phương cần mở nhiều hướng đến giữ được tổ chức của mình ở cơ sở.

Huyện Đoàn Kỳ Sơn đang nỗ lực để thực hiện điều đó bằng việc tổ chức hoạt động, phong trào gần gũi, gắn với trách nhiệm, lợi ích của ĐV -TN, như: hỗ trợ, kết nối giúp thanh niên thành lập các tổ hợp tác cùng nhau làm giàu chính đáng ngay trên quê hương; quan tâm giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ, giải quyết việc làm cho thanh niên chậm tiến tái hòa nhập cộng đồng; huy động nguồn lực xây dựng các công trình, hoạt động vì an sinh xã hội… thông qua đó nâng cao vai trò, mở nhiều hướng để thu hút thanh niên đến với tổ chức Đoàn địa phương.                                                               

                                  (Nguyễn Thái Hòa, Bí thư Huyện Đoàn Kỳ Sơn)


* Nêu cao vai trò của tổ chức Đoàn, Hội hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo

            

Với tinh thần của tuổi trẻ khát khao lập thân, lập nghiệp, làm giàu bằng sức lực, tri thức luôn thôi thúc nhiều thanh niên có tư duy sáng tạo và hành động khởi nghiệp. Tuy nhiên, trong hành trình khởi nghiệp đầy thách thức để có được thành công và đóng góp cho xã hội, thanh niên có rất nhiều vấn đề cần cung cấp, hỗ trợ. Ví dụ như hiện nay, nhận thức của thanh niên về khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo còn hạn chế. Do đó cần cung cấp cho thanh niên những hiểu biết đúng đắn về khởi nghiệp, kiến thức cơ bản trong khởi nghiệp, kinh nghiệm về thành công cũng như thất bại của những người đi trước…

Song song với khuyến khích, động viên thanh niên sáng tạo và khởi nghiệp, các cấp Đoàn, Hội cũng chuẩn bị cho thanh niên tâm lý kiên định, kiên trì, bản lĩnh vượt qua thử thách cam go của quá trình khởi nghiệp; vận động thanh niên tích cực nghiên cứu, tích lũy kiến thức về KT -XH để nhận biết cơ hội khởi nghiệp. Đồng thời cần hỗ trợ thanh niên kỹ năng cơ bản về xây dựng dự án kinh doanh, kế hoạch triển khai để hiện thực hóa ý tưởng; liên tục đổi mới sáng tạo trong hoạt động, từng bước đáp ứng nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp của thanh niên…                                      

              (Bùi Văn Thắng, Chủ nhiệm CLB Thanh niên phát triển kinh tế tỉnh)


* Quan tâm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho thanh niên

        

 Hiện nay, nhu cầu đời sống tinh thần của thanh niên ngày càng cao thế nhưng chưa có nhiều sân chơi để thu hút lực lượng thanh niên tham gia. Trong khi đó, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, nhiều trò chơi điện tử, trò chơi trực tuyến hấp dẫn, lôi kéo bộ phận không nhỏ thanh - thiếu niên. Chính vì vậy cần tạo thật nhiều sân chơi bổ ích cũng như đổi mới hình thức, nội dung trong công tác Đoàn để phù hợp với tình hình mới, tạo môi trường lành mạnh để ĐV -TN rèn luyện và học tập.

                          (Nguyễn Thị Hồng Nhung, xã Lạc Long, huyện Lạc Thủy)


Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục