Khu vực chợ mía, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) là điểm chợ tự phát giúp bà con tiêu thụ sản phẩm nhưng tình trạng người dân bày bánnông sản lấn chiếm vỉa hè, lề đường, vi phạm hành lang giao thông đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, người bán hàng tại chợ Tân Thành cho biết: "Tôi bán hàng ở đây đã được vài năm. Gánh hàng chỉ một chút đồ thủ công và dăm ba mớ rau, củ, quả đều là đồ của nhà trồng được. Tiện có chợ nên đem ra bán được ít nào hay ít đấy để thêm thu nhập cho gia đình. Biết là bày bán ra đường là vi phạm, thế nhưng ai cũng bày bán nên mình cũng theo thôi, chứ vào trong chợ bán thì không còn chỗ nữa. Với lại bán hàng dọc đường cũng tiện, được nhiều khách mua hơn vì người mua tiện đường”.
ở các điểm chợ họp theo phiên như chợ Rạnh, Bãi Chạo (Kim Bôi), chợ ốc (Lạc Sơn), chợ Đông Lai (Tân Lạc) … cũng xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông mỗi khi đến phiên họp vào các ngày cố định theo tuần, theo tháng. Tại điểm chợ Rạnh thuộc xã Đông Bắc (Kim Bôi), mỗi khi đến phiên chợ vào dịp cuối tuần, người đông nghịt. Người dân đều mong đến phiên chợ để mang nông sản ra bày bán, cải thiện thu nhập. Ngoài ra, vào phiên chợ, người dân dù mua hàng hay không cũng đến chợ để gặp gỡ, vui chơi nên lượng người dồn về quá tải. Thậm chí, lực lượng chức năng phải trực dẹp đường, phân luồng giao thông để đảm bảo không xảy ra tai nạn, sự cố cho đến hết phiên chợ.
Cùng với đó, các trường hợp xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến trật tự hành lang giao thông. Năm 2017, có 16 trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở cấp 3, cấp 4 trên đường 433, 447, TSA, 432, 435, 436 tại các huyện: Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong; 6 tháng đầu năm nay, có 1 trường hợp vi phạm xây dựng nhà kiên cố trên Ql 21A, huyện Lạc Thủy.
Đồng chí Ngô Văn Điềm, Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết: "Thực tế việc lấn chiếm hành lang giao thông đã xảy ra từ nhiều năm nay. Ngoài ra, còn phổ biến các trường hợp vi phạm như dựng lều quán trái phép, nhà tạm, quán tạm, dựng công trình tạm thời trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, tường rào, tường bao, mái che trên các tuyến đường: ĐT 433, 444, 448 tuyến C tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn, Đà Bắc… Người dân còn phơi nông sản, thả gia súc hay tuốt lúa, đốt rơm bên lề đường cũng là nguyên nhân gây mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên đường, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông”.
Kiên quyết trong xử lý vi phạm, giải tỏa hành lang giao thông
Tháng 4/2017, UBND tỉnh bàn hành kế hoạch về triển khai "Tháng hành động thiết lập lại trật tự đô thị, bảo vệ hành lang giao thông, chống lấn chiếm và tái lấn chiếm lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Theo đó, 10/11 huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện và thành lập các tổ công tác. Các địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật liên quan đến quy định về quản lý lòng đường, hè phố bằng nhiều hình thức như xe tuyên truyền lưu động, đài TT -TH xã, phường, thị trấn và qua các buổi sinh hoạt cộng đồng khu dân cư. Qua tuyên truyền, vận động, tiêu biểu ở xã Tử Nê (Tân Lạc), các hộ dân nằm trên tuyến QL12B đi qua đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, khu vực đất của đường bộ được các hộ trồng hoa trang trí tạo nên đoạn đường văn minh, sạch đẹp.
Tính đến hết ngày 19/5/2017, có 2 huyện triển khai đồng bộ ở hầu hết các xã, thị trấn là Cao Phong và Tân Lạc. Các địa phương còn lại mới tập trung triển khai ở khu vực phường, thị trấn. Quá trình thực hiện, lực lượng công an các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn cùng phương tiện, công cụ hỗ trợ tiến hành kiểm tra, xử lý, giải tỏa trên các tuyến đường đạt được những kết quả đáng kể. Theo số liệu từ Ban ATGT tỉnh, kết thúc tháng hành động, lực lượng chức năng đã tháo dỡ 1.074 mái che, mái vẩy; 1.124 biển quảng cáo các loại; xử lý 431 trường hợp lấn chiếm vỉa hè; 23 lều, quán; 156 trường hợp vi phạm về vật liệu xây dựng; 105 ô, dù các loại cùng nhiều vật dụng vi phạm khác. Đồng thời, tổ chức cho 1.148 hộ ký cam kết không lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ.
6 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 31 trường hợp vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, 1 trường hợp xây nhà kiên cố; 18 nhà tạm, lều, quán tạm; 8 công trình tạm thời và 4 vi phạm khác trên các tuyến QL 21A, QL 12B, ĐT 433 tuyến C, ĐT 432, 444, 439… rải rác ở các huyện: Lạc Thủy, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Tân Lạc, Mai Châu…
Vì sao chưa giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT?
Diễn ra nhiều năm nay nhưng tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT vẫn là vấn đề nhức nhối chưa thể giải quyết dứt điểm. Có chăng do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm hoặc tái vi phạm nhiều lần. Chánh Thanh tra Sở GTVT Ngô Văn Điềm cho biết: "Các biên bản vi phạm hành chính sau khi chuyển về Thanh tra Sở được ra quyết định xử phạt, sau đó chuyển đến chính quyền địa phương và đối tượng vi phạm. Định kỳ theo quý, theo năm, Sở lập danh sách các trường hợp vi phạm chuyển chính quyền địa phương làm cơ sở để vận động, cưỡng chế giải tỏa. Đồng thời, đưa danh sách lên Trang thông tin điện tử của Sở. Năm 2017, Thanh tra Sở đã tiến hành 119 cuộc kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 114 vụ. Trong đó, Thanh tra Sở lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 27 trường hợp với số tiền 271, 5 triệu đồng; 87 trường hợp giao UBND các xã, huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành việc đến Thanh tra Sở để giải quyết, hồ sơ chuyển về địa phương đa số chưa được xử lý kiên quyết nên sai phạm vẫn tiếp diễn”.
Theo Chánh Thanh tra Sở GTVT, nguyên nhân của tình trạng trên do ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, cán bộ một số địa phương xử lý chưa quyết liệt, còn tình trạng nể nang, ngại va chạm nên sau mỗi đợt kiểm tra thì đâu lại vào đấy. Công tác vận động tự tháo dỡ và tổ chức cưỡng chế giải tỏa chưa được thường xuyên. Bên cạnh đó, do thói quen sinh hoạt của người dân nên việc bày bán hàng tràn lan ở các chợ xuống lòng, lề đường diễn ra phổ biến. Tâm lý người bán muốn đông khách nên chọn vị trí đường đi lại để người mua tiện mua hàng mà không cần vào chợ đã ăn sâu vào tiềm thức người dân.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu mua bán của người dân còn hạn chế, đặc biệt là chưa có chợ nông sản tập trung nên người dân buộc phải "tiện đâu, bán đó” để dễ tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, chợ mía Cao Phong đang trong quá trình xây dựng. Chợ mía ở xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) cũng đã được quy hoạch. Một số công trình chợ được xây dựng, mặc dù đã đi vào hoạt động nhưng chưa phát huy được hết công suất do hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Chẳng hạn như chợ Bãi Nai, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) đã xây dựng xong và đi vào hoạt động, nhưng chỉ 70% người dân mang hàng hóa vào chợ bán, còn 30% bán hàng tại chỗ cũ. Thực trạng có nơi làm quyết liệt, nơi chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong quá trình lập lại trật tự hành lang giao thông. Từ đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ với những biện pháp cứng rắn hơn nữa, kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức người dân và giảm thiểu tình trạng vi phạm trong thời gian tới.
Thanh Sơn
Chưa kiên quyết xử lý tình trạng họp chợ lấn đường
Chợ Bãi Nai, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) là điểm giao thương hàng hóa phục vụ chủ yếu 4 xã: Mông Hóa, Dân Hòa, Phúc Tiến, Dân Hạ. Chợ trung tâm phục vụ nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nên chỉ 70% người dân chuyển vào chợ để bán, còn 30% vẫn buôn bán tại vị trí cũ và tái diễn tình trạng vi phạm hành lang giao thông. Bên cạnh đó, việc xử lý các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm tại địa phương chưa thực sự quyết liệt, còn tình trạng nể nang, ngại va chạm, chế tài xử phạt chưa nghiêm nên chưa thể giải quyết dứt điểm. Công tác tuyên truyền, vận động chưa được thường xuyên, liên tục.
Thời gian tới, đề nghị Ban ATGT huyện phối hợp với chính quyền xã tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang giao thông và có biện pháp cứng rắn đối với những hộ cố tình vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
Nguyễn Đăng Dung
Bí thư Đảng ủy xã Mông Hóa (Kỳ Sơn)
Cần sự vào cuộc quyết liệt, trả lại không gian giao thông cho người dân
Tôi thường xuyên về quê và đi du lịch phải qua khu vực chợ Rạnh, xã Đông Bắc (Kim Bôi). Mỗi lần qua đây, nhất là vào dịp cuối tuần hoặc đến phiên chợ, mất rất nhiều thời gian mới di chuyển qua được chợ bởi lượng người tập trung mua bán, trao đổi hàng hóa đông, gây ùn tắc giao thông. Người dân không tập trung vào phía trong chợ vì không đủ chỗ nên bày bán ngay trên vỉa hè, lấn chiếm lề đường, lực lượng chức năng phải túc trực để phân luồng cho xe đi lại.
Việc vi phạm hành lang ATGT như vậy không chỉ gây mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Tôi mong muốn các cấp chính quyền nhanh chóng xử lý dứt điểm tình trạng này, sớm giải tỏa hành lang để trả lại không gian giao thông cho người và phương tiện lưu thông.
Nguyễn Thị Mười
Tổ 22, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình)
Mong muốn nhanh chóngxây dựng chợ nông sản
Khu vực chợ mía thuộc xóm Mạ, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) do bà con tự tập trung buôn bán từ nhiều năm nay đã trở thành thói quen. Hiện, có khoảng 50 hộ buôn bán mía các loại và nông sản khác tại đây.
Việc bày bán hàng hóa trên vỉa hè và lề đường là vi phạm trật tự hành lang giao thông nhưng do chưa có chợ nông sản nên bà con buộc phải tìm điểm thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Huyện đã có quy hoạch để chuẩn bị xây dựng chợ nông sản tại đây nên tôi và nhiều hộ dân mong muốn chính quyền các cấp đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ trong thời gian sớm nhất để người dân được hưởng lợi, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm địa phương. Hơn nữa, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông khi bày bán hàng hóa không đúng nơi quy định.
Bùi Văn Hiêm
Xóm Mạ, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn)