(HBĐT) - Ly hôn là quyền nhân thân của mỗi công dân. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hệ lụy của việc ly hôn là không hề nhỏ. Với sự gia tăng các vụ việc xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội như hiện nay thì ly hôn thực sự là vấn đề cần quan tâm.


Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở được tăng cường, góp phần hạn chế mâu thuẫn trong gia đình.  Ảnh: Một tiết mục trong Hội thi hòa giải viên giỏi xã Yên Quang (Kỳ Sơn). 

Số vụ ly hôn tăng hàng năm

Đồng chí Nguyễn Văn Can, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh cho biết: Từ năm 2015 đến nay, TAND hai cấp tỉnh đã thụ lý, giải quyết trên 7.370 vụ việc hôn nhân và gia đình. Trong đó có 7.167 vụ xin ly hôn, chiếm 97,1%, còn lại là các vụ việc về tranh chấp, thay đổi người trực tiếp nuôi con (sau ly hôn), xác định cha, mẹ cho con...

Cũng qua số liệu thống kê của ngành Tòa án cho thấy: số vụ xin ly hôn trên địa bàn tỉnh năm 2016 tăng 5% so với năm 2015; năm 2017 tăng 16,6% so với năm 2016; năm 2018 tăng 3% so với năm 2017. Nếu tính trung bình tỷ lệ các cặp vợ chồng xin ly hôn từ năm 2015 đến nay tăng 5,25%/năm. Độ tuổi ly hôn từ 18 - 30 tuổi là phổ biến. Trong đó, năm 2015 có 253 cặp xin ly hôn; năm 2016 có 480 cặp; năm 2017 có 608 cặp; năm 2018 có 349 cặp và nửa đầu năm 2019 có 144 cặp từ 18-30 tuổi xin ly hôn. Có cặp vợ chồng ly hôn chỉ sau vài tháng kết hôn.

Những hệ lụy 

Hậu quả của việc ly hôn có thể nhìn rõ đó là sự sang chấn nặng nề về tâm lý của các thành viên trong gia đình, nhất là ở những người con. Nếu trước đây, các bậc cha mẹ xem đứa con như "báu vật" và quyết tâm giành nuôi, vì sợ người kia chăm lo cho con mình không chu đáo, thì nay nhiều trường hợp chỉ muốn thực hiện nghĩa vụ chu cấp. Có trường hợp, sau ly hôn còn phải dốc sức lo trả những khoản nợ chung, hoặc gây dựng cuộc sống mới nên không thể lo cho con cái… Bởi thế, sau ly hôn, nhiều trường hợp con cái về ở với ông bà, thiếu sự quan tâm, chăm sóc dễ bị tổn thương.

Còn nhớ cách đây 10 năm, khu dân cư nơi tôi sinh sống, râm ran vì chuyện cháu H. bị xâm hại tình dục ở tuổi 13. Bố mẹ ly hôn, người xây dựng gia đình mới, người đi làm ăn xa, cháu H. được gửi về ở với ông bà. 13 tuổi cháu lớn phổng phao, xinh đẹp nên sớm được các anh trai làng để ý. Một tối, trên đường đi học nhóm về, cháu đã bị xâm hại. Tất nhiên, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em đã bị trừng trị đích đáng theo quy định của pháp luật và cả sự lên án của xã hội. Nhưng sự tổn thương về thể xác, tinh thần ở người bị hại khó có thể chữa lành, nhiều trường hợp mang theo sự tự ti, mặc cảm đến suốt cuộc đời.   

Thực tế, vì tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn ngày càng trẻ hóa nên đối tượng trẻ em bị bỏ rơi, xao nhãng khá nhiều. Theo thống kê của ngành Tòa án, năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 353 cặp ly hôn khi các con đang ở độ tuổi chưa thành niên. Tỷ lệ này có chiều hướng tăng dần: năm 2016 là 522 cặp; năm 2017 là 632 cặp; năm 2018 là 652 cặp và nửa đầu năm 2019 có 367 cặp. Những con số biết nói này đã phần nào trả lời cho câu hỏi vì sao có sự gia tăng tai - tệ nạn xã hội ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, tình trạng xâm hại trẻ em và gia tăng nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... trên địa bàn. 

Chung tay giảm thiểu tình trạng ly hôn

Có rất nhiều hệ lụy khi "đường tình chia đôi ngả”- các cặp vợ chồng dắt nhau ra tòa. Không chỉ ảnh hưởng đến thành viên trong gia đình mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Bởi vậy, cần sự quan tâm của các cấp, ngành, nhất là chính quyền và các đoàn thể cơ sở chung tay, góp sức để giảm thiểu tình  trạng này. 

Ngành Tòa án kiến nghị tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; đấu tranh chống lối sống ích kỷ, thực dụng; có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình. Một mặt, tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để cung cấp tới từng cá nhân trong mỗi gia đình kiến thức, kỹ năng như: kỹ năng làm cha, mẹ; kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình... Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thôn, xóm, khu dân cư, quy chế dân chủ cơ sở. Chỉ đạo chính quyền cơ sở phát triển các tổ hòa giải để kịp thời hòa giải những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, không để trở nên trầm trọng. Giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Kế thừa, phát huy những giá trị  truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt, gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Triển khai, thực hiện nghiêm túc các luật liên quan đến gia đình như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở... để giảm thiểu tình trạng ly hôn trên địa bàn.

 Thúy Hằng

Tăng cường công tác tuyên truyền để xóa bỏ định kiến về giới

Hoàng Thị Duyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh

Hiện nay, tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn và được coi là một trong những nguyên nhân gây nên mâu thuẫn gia đình. Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, nhưng nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng, còn công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là "thiên chức” của phụ nữ. Đặc biệt, ở vùng cao, sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc, phụ nữ thường là lao động chính song lại không có tiếng nói trong gia đình. Những người đàn ông dành thời gian cho việc làng, việc họ, những cuộc rượu chè…, đổ gánh nặng gia đình lên đôi vai người phụ nữ.

Nguyên nhân trên do một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và bình đẳng giới, cho rằng bình đẳng giới là ưu tiên cho phụ nữ, việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của Hội LHPN. Thời gian qua, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, mời các chuyên gia nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, thành phần mời tham dự cân bằng giữa nam và nữ. Tuy nhiên, khi đến dự những cuộc tọa đàm, nói chuyện đó chủ yếu là phụ nữ, vì vậy, hiệu quả tuyên truyền không cao. Để từng bước xóa định kiến về giới, tạo sự bình đẳng trong mỗi gia đình, trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ và nam giới trong xây dựng gia đình, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình... Bởi khi có kiến thức, mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là nam giới sẽ biết xử lý tình huống để hoà giải mâu thuẫn và có kinh nghiệm để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Thí điểm mô hình tư vấn kiến thức hôn nhân và gia đình 

Hoàng Xuân GiaoBí thư Tỉnh Đoàn

Theo số liệu thống kê, độ tuổi bình quân kết hôn ở Hòa Bình ngày càng trẻ hóa: năm 2016, độ tuổi trung bình của nữ là 21,2 tuổi, nam 23 tuổi; năm 2017, nữ 21 tuổi, nam 23 tuổi; năm 2018, nữ 20 tuổi, nam 22 tuổi... Thực tế, việc yêu nhanh, cưới vội khiến các cặp vợ chồng trẻ rơi vào tình trạng thiếu kiến thức về hôn nhân, gia đình. Cụ thể là cách ứng xử, bất đồng trong nuôi dạy con... dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn.

Để góp phần giảm thiểu các vụ việc ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ, Tỉnh Đoàn tăng cường phối hợp để tuyên truyền, giáo dục nhân cách đạo đức, cách ứng xử cho đoàn viên, thanh niên. Tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức tiền hôn nhân cho các bạn trẻ. Đề nghị các cấp, ngành hữu quan cùng nghiên cứu tham mưu, đề xuất tỉnh cho chủ trương xây dựng "Ðịa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh" hay "Ngôi nhà bình yên”... tại cộng đồng để vừa tư vấn về tâm lý, pháp luật cơ bản, vừa chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ban đầu cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Tăng cường công tác hòa giải, truyền tải những thông điệp về giữ gìn, bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Nhiều trẻ em rơi vào nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt do cha mẹ ly hôn

Nguyễn Thị Linh Ngọc Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Theo số liệu từ phần mềm quản lý trẻ em cấp xã ngành LĐ-TB&XH cập nhật, phần lớn trẻ em có cha mẹ ly hôn, hoặc sắp ly hôn rơi vào nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào nhóm trẻ này. Nguyên nhân do: Sau việc ly hôn của cha mẹ, trẻ thường bị xao nhãng, bỏ mặc, dẫn đến bị ảnh hưởng về tâm lý (tự ti, mặc cảm hoặc nổi loạn). Không có sự bao bọc của cha mẹ, nhiều trẻ bị xâm hại về thể chất (bạo hành) và không ít trẻ bị xâm hại tình dục (nhiều trường hợp bố dượng, chú, bác ruột xâm hại con, cháu...). Sự sang chấn tâm lý ở trẻ nhỏ thường dễ dẫn đến căn bệnh tự kỷ, còn ở lứa tuổi vị thành niên dễ sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo nắm bắt tình hình ở 2 Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 và số 2 (do Sở LĐ-TB&XH quản lý), có khá nhiều trường hợp học viên là nạn nhân của các vụ ly hôn.

Để giảm thiểu đối tượng trẻ em này, trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tăng cường phối hợp với các cấp, ngành thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh bố mẹ ly hôn để tránh việc trẻ bị sốc về tâm lý. Một mặt, tăng cường công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, tránh tình trạng người dân đi làm ăn xa gây rạn nứt gia đình.

 

 


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục