(HBĐT) - Điện thoại thông minh, máy tính bảng, smart tivi… với đủ loại ứng dụng, chương trình hấp dẫn, có thể thấy cơn bão công nghệ đang hiện hữu khắp nơi, tác động mạnh mẽ đến đời sống, trong đó có cả trẻ em. Tuy nhiên, thay vì mang lại nhiều thông tin hữu ích, cơn bão công nghệ đang để lại những hệ lụy khôn lường khi "cướp” đi thời gian, thậm chí cả cuộc đời của trẻ.

 
Trường TH&THCS Hùng Sơn (Lương Sơn) thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa nhằm giúp học sinh tránh xa các thiết bị điện tử. 

Đằng sau những trận chiến trong game online

Mới đây, trên một diễn đàn mạng xã hội của các bậc phụ huynh trường THCS L.T.T (TP Hòa Bình) chia sẻ câu chuyện một học sinh lớp 9 bỏ nhà đi. Theo chia sẻ của bậc phụ huynh, con trai của chị vốn là học sinh ngoan, chịu khó học. Vì vậy, anh chị rất yên tâm và tin tưởng con. Thấy con đăng ký, xin tiền đi học thêm, anh chị không tiếc tiền cho con. Tuy nhiên, khi cô giáo gọi điện thông tin về việc con thường xuyên bỏ tiết, học hành chểnh mảng chị mới vỡ lẽ. Đến gặp cô giáo và trực tiếp theo dõi con mấy ngày liên tục, chị biết con không đi học thêm và thường xuyên bỏ tiết đi chơi game online. Về nhà, chị để con kiểm điểm và yêu cầu con viết lại toàn bộ số tiền chị đưa con đi học thêm những tháng qua được chi tiêu vào những khoản gì. Chưa kịp dăn dạy con, sau một buổi đi làm về, chị thấy con đã bỏ nhà đi. Quá hoảng loạn, chị gọi điện đến trường và tất cả bạn bè của con thì được biết con chị không chỉ đi một mình mà còn rủ thêm một bạn gái cùng lớp bỏ trốn. Phải nhờ đến cơ quan chức năng, gia đình mới tìm được con ở một quán game tại Hà Nội. 

Câu chuyện của gia đình vị phụ huynh nọ không còn quá xa lạ trong những năm gần đây. Cách đây 2 năm, tại một trường tiểu học trên địa bàn TP Hòa Bình cũng xảy ra tình trạng 2 học sinh khối lớp 5 trộm 2 triệu đồng của bố mẹ rồi bỏ nhà đi. Sau khi lực lượng công an vào cuộc mới rõ nguyên nhân của nguồn cơn cũng bởi game online. Đồng chí Đinh Anh Thuận, cán bộ Công an phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) cho biết: Khi trẻ "dính” vào game online kết cục thường là bỏ học, trộm tiền, bỏ nhà đi. Bởi vì khi trẻ đã nghiện game thì thường giấu bố mẹ trốn học ra quán game để chơi. Chơi nhiều không có tiền trả thì hoặc là tìm cách trộm tiền của bố mẹ để trả, sợ bố mẹ thì sau khi trộm tiền bỏ nhà đi, hoặc là bỏ trốn khỏi nhà vì sợ chủ quán game đòi tiền. Thực sự rất nguy hiểm. 

Điều đáng nói là sự nguy hiểm đó lại do chính bố mẹ tạo ra, bắt nguồn từ việc nhiều bậc phụ huynh có điều kiện trang bị cho con đủ loại thiết bị thông minh, từ điện thoại, ipad, máy tính đến chiếc tivi cũg có thể kết nối internet. Vì vậy, thay vì tham gia các trò chơi của trẻ, các em lại vùi đầu vào "cày game”. Chơi ở nhà không đủ, đến trường các em lại trốn học ra quán chơi game. Thầy giáo Nguyễn Văn Thùy, thị trấn Lương Sơn cho biết: Nguy hiểm của game online chính là hình thức chơi online, nghĩa là nhiều người cùng chơi mới thú vị, các em thường có hội chơi với nhau. Vì vậy, chỉ cần một em có tiền sẽ rủ cả nhóm bỏ học ra quán game để cùng chơi. Hiện nay, không chỉ học sinh nam mà có nhiều học sinh nữ cũng nghiện game online cũng vì hình thức chơi theo nhóm như vậy. 

Lời tâm sự của người mẹ nuôi con tự kỷ 

Là công chức khá bận rộn nên chị Nguyễn Thị Thanh, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) phải thuê người trông con giúp ngay từ khi con được 6 tháng. Để hỗ trợ người trông trẻ và cũng nghĩ rằng giúp con sớm tiếp xúc với công nghệ, vợ chồng chị Thanh đã đầu tư hẳn một chiếc smart tivi 42 inch kết nối internet. Thế là trong 3 năm đầu đời, để tránh những ngày rét không muốn cho con ra ngoài chơi, người giúp việc mở youtube, những khi con không chịu ăn, chị mở youtube... dần dần, con chị có thể cả ngày ngồi trước ti vi để xem youtube, người trông trẻ vừa nhàn, vừa có thể giúp chị cắm nồi cơm, phơi hộ mẻ quần áo. Đến khi đưa con ra ngoài, để con không nghịch quấy, chị lại cho con chiếc điện thoại thông minh để con thoải mái xem và chơi điện thoại. 


Học sinh Trung tâm Khoa học công nghệ - kỹ thuật - giáo dục tỉnh trong giờ học kỹ năng.

"Đến khi con vào mẫu giáo, tôi cảm thấy con bắt đầu có những biểu hiện bất thường, cháu khóc rất nhiều, khó hòa đồng với các bạn. Ở trường cũng có ti vi, mỗi khi các cô bật cho con xem thì con xem đến quên hết xung quanh, thậm chí không đứng lên đi vệ sinh được. Đặc biệt, khi con bắt đầu tiếp xúc với chữ cái thì con không nhớ, con chậm hơn rất nhiều so với các bạn. Cách diễn đạt của con cũng gặp nhiều khó khăn. Con thường hay nhận nhầm chữ. Đến khi tôi đưa con đi kiểm tra về việc can thiệp sớm cô giáo giải thích rằng do con tiếp xúc với nhiều hình ảnh sớm, con phát triển về tư duy hình ảnh nên với nhiều người có thể nhìn thẳng thì con có thể tưởng tượng và xoay nó ngược lại. Chính vì vậy, nếu yêu cầu con làm gì đòi hỏi sự chính xác, đúng quy trình thì con không thể làm được và con cần phải học theo chương trình can thiệp sớm, tôi thật sự ân hận. Chính sự thiếu hiểu biết của tôi đã làm con mất đi 3 năm đầu đời. Đến bây giờ, con vào lớp 1, tình trạng ấy cũng không khá hơn” - chị Thanh tâm sự. Tại lớp học can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, có nhiều trường hợp giống con của chị Thanh. Cô giáo Hoàng Thị Ánh Ngọc, trường mầm non Sao Mai chia sẻ: Có những trẻ bị ảo tưởng, tay liên tục làm động tác búng vì xem quá nhiều spider man và liên tục nhảy nhót, chỉ thích các trò chơi đánh nhau. Thực tế hiện nay, công nghệ đang làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường của trẻ. 

Đồng quan điểm vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hữu Sơn, Phó hiệu trưởng trường TH&THCS Cao Thắng (Lương Sơn) tâm sự: Nghiện ti vi hay công nghệ là thói quen tự chúng ta mang vào người, một cách rất từ từ. Chính văn hóa gia đình góp phần rất lớn trong việc hình thành thói quen đó, khi mà cứ xong cơm tối thì cha một màn hình, mẹ một màn hình và bỏ con với một màn hình khác hoặc ngay cả khi chơi với con cũng lôi màn hình ra "dạy” cho con chơi, "dạy” cho con tiếp xúc với công nghệ từ sớm để sau này không bị thua kém. Dần dần, mưa dầm thấm lâu, để đến một ngày con mình không chịu được nếu thiếu cái ti vi, đó là lúc thói quen đã hình thành và khi nó đã hình thành thì rất khó bỏ. Lúc này, trẻ sẽ chỉ thích dán mắt vào màn hình, bất kể là ti vi, điện thoại hay máy tính bảng… và không thích tham gia các hoạt động khác quan trọng đối với sự phát triển cả thể chất, tinh thần của chúng. 

Và lời cảnh báo: nữ sinh yêu xa 

Có một chiếc điện thoại thông minh trong tay và với tình trạng wifi có mặt ở khắp nơi, dễ dàng kết nối cả thế giới, ngay cả việc theo dõi những thần tượng trên mạng và tìm info (thông tin) của những anh chàng đẹp trai cũng vậy. Chính vì thế mà giới trẻ ngày nay rộ lên phong trào yêu xa qua mạng xã hội ngay trên ghế nhà trường. Mới lên THCS, để tiện liên lạc, bố mẹ Nguyễn Thị H. (TP Hòa Bình) trang bị cho em một chiếc điện thoại thông minh. Cũng từ đó, H. lập facebook, nhanh chóng kết bạn với rất nhiều bạn bè. Và giờ ra chơi nào cũng vậy, H. dành phần lớn thời gian để chát và có mối tình yêu xa với một anh bạn ở tận Nha Trang. Có bạn trai, H. điệu hơn, chẳng mấy bận tâm chuyện học hành, thường xuyên tô son ngay cả khi đi học. Cũng tại trường này, dù mới đang là học sinh lớp 8, song H. đã là một tik toker nổi tiếng trên mạng nhờ những hình ảnh xinh đẹp, bắt mắt. 

Yêu xa hay chát trên mạng xã hội từ lâu đã không còn là một hiện tượng với nhiều học sinh THCS hiện nay. Điều đáng nói là dù yêu xa, sống ảo trên mạng nhưng hậu quả lại mang đến trong đời thực. Mới đây, tại huyện Đà Bắc, qua mạng xã hội, H.Y quen một anh bạn lớn tuổi hơn ở tận miền Nam. Sau nhiều ngày trò chuyện, cảm thấy hợp nhau, Y. và bạn trai quyết định gặp mặt. Thân thiện hơn, Y. mời bạn về nhà chơi, anh bạn đồng ý và sống ở đó một thời gian. Chẳng ngờ, người bạn và chị dâu của Y. nảy sinh tình cảm, chị dâu quyết định bỏ nhà theo người bạn qua mạng của Y., anh trai Y mất vợ, gia đình ly tán. Đáng sợ hơn, sau khi tìm hiểu, người bạn đó là đối tượng dính tiền án ở quê nhà. Rồi cũng vì yêu xa, rất nhiều học sinh đã bỏ học để theo chồng vì trót mang thai khi mới bước vào tuổi 15, 16. Khi đó, chính những người bố, người mẹ đã trang bị công nghệ cho con của mình lại là người lãnh chịu hậu quả.  

Bản thân công nghệ không phải là một điều xấu, và không thể cấm đoán trẻ tiếp xúc với công nghệ. Tuy nhiên, cho trẻ sử dụng công nghệ như thế nào rất cần sự cân nhắc của các bậc làm cha, làm mẹ. Bởi bản tính của trẻ vốn tò mò, chưa có sự hiểu biết chín chắn, vì vậy, việc ảnh hưởng xấu từ môi trường công nghệ là không tránh khỏi. Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười, thậm chí đáng tiếc, đau lòng xảy ra cũng bởi trẻ bị ảnh hưởng xấu từ môi trường internet. Trong cơn bão công nghệ hiện nay, để có được những tấm lá chắn vững chắc cho trẻ, hơn bao giờ hết cần sự quan tâm,  tỉnh ngộ của chính các bậc phụ huynh.

                                                                                    Đinh Hòa                                                                               

Nghiện điện thoại ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ

Tác động không mấy tốt hoặc có thể nói là dẫn đến tiêu cực của công nghệ đối với trẻ em hiện nay là xu hướng thiếu kiên nhẫn. Những điều mà một giáo viên muốn ở trẻ biết cách sử dụng tư duy để suy nghĩ, giải quyết một vấn đề thì ngược lại, trẻ lại dựa dẫm vào sự sẵn có, cách tìm kiếm nhanh chóng thông qua mạng internet, trẻ em ngày nay thực tế đang học theo phương pháp dạy của "tiến sỹ Google"; điều này quả thật không phải là một điều tốt khi trẻ đang trong độ tuổi phát triển.

Mất thời gian cho các thiết bị công nghệ có thể lấy đi sự bổ ích từ các hoạt động khác như học tập, tập thể dục, các hoạt động đội, nhóm để nâng cao kỹ năng giao tiếp xã hội. 

Bùi Hữu Phước 
Phòng GD&ĐT TP Hòa Bình 


Hãy dành nhiều thời gian cho con

Từ khi có điện thoại, internet, con tôi không thích chơi các trò chơi bình thường của trẻ. Con cũng không muốn tiếp xúc với bạn bè. Thậm chí, cháu thích bóng đá nhưng lại không muốn rủ bạn chơi bóng đá mà thích chơi game bóng đá trên điện thoại. Từ khi nhận thấy hiện tượng đó, tôi thật sự lo lắng, ngẫm lại mình đã không dành thời gian cho con. Sống ở thị trấn, xung quanh toàn nhà kín cổng cao tường, nhà nào cũng trang bị ti vi thông minh, ipad cho con, trẻ không còn thích các trò chơi vận động. Nhiều bố mẹ cũng vì sợ con bị ngã, bị bẩn quần áo, bị bắt nạt mà cứ nhốt con ở nhà, vô hình tạo cho trẻ thói quen nghiện điện thoại, xem ti vi. Đã đến lúc cần thay đổi nhận thức, làm thế nào để trẻ có điều kiện vui chơi nhiều hơn, ra ngoài nhiều hơn. Vì vậy, dù bận công việc, cứ cuối chiều tôi phải bỏ chút thời gian đưa con đi vận động, cài đặt mật khẩu cho điện thoại và hạn chế dùng internet ở nhà để con dần từ bỏ thói quen xem ti vi, điện thoại. 

Nguyễn Thị Phượng
Thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn)

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục