(HBĐT) - Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khi không thể mở các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp đến với người dân, nhưng trong thời gian qua, với sự nỗ lực, sáng tạo, tỉnh đã triển khai thực hiện theo chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm nội dung kế hoạch đã đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự xã hội, thúc đẩy KT-XH phát triển.


Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp phối hợp UBND huyện Tân Lạc tổ chức giao lưu truyền thông pháp luật tại 5 xã vùng sâu của huyện.

Linh hoạt, sáng tạo đưa pháp luật đến với người dân

Đồng chí Bùi Thị Minh Phượng, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) - Sở Tư pháp cho biết: Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tuyên truyền, PBGDPL. Thực tế, hoạt động tuyên truyền pháp luật chủ yếu được triển khai theo hình thức tổ chức hội nghị để phổ biến, trao đổi trực tiếp đến người dân và thông qua lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Nhưng năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, những tháng đầu năm, khi dịch bệnh căng thẳng, ngành không tổ chức được các hội nghị đông người, hoạt động văn hóa, văn nghệ lồng ghép với truyền thông, PBGDPL. Với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu, phối hợp và tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt hình thức, phương pháp tuyên truyền. Trong những tháng tình hình dịch bệnh phức tạp, ngành chủ động xây dựng kế hoạch, từ tổ chức các hội nghị tuyên truyền sang hình thức truyền thông qua hệ thống thông tin đại chúng như báo chí, truyền hình, phát thanh tại cơ sở; sản xuất, in ấn các tờ rơi, tài liệu phổ biến pháp luật và tư vấn, trợ giúp pháp lý. Chỉ đạo các ngành thành viên xác định nội dung, đối tượng tuyên truyền theo từng lĩnh vực trọng tâm, từng thời điểm, từng địa bàn và gắn với hoạt động chuyên môn để nâng cao hiệu quả công việc.

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 2.734 cuộc tuyên truyền, PBGDPL từ cấp tỉnh đến cấp xã, tuyên truyền chủ yếu về: Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Dân sự; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Khoáng sản; Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Trẻ em... và nhiều đạo luật quan trọng khác, đặc biệt là nhóm những luật mới được sửa đổi, hoặc mới có hiệu lực thực thi cho hơn 461.200 lượt người tham gia. Đồng chí Bùi Thị Minh Phượng, Trưởng phòng Tuyên truyền, PBGDPL (Sở Tư pháp) cho biết thêm: Phương châm của ngành là tuyên truyền, PBGDPL vừa phải mang tính kịp thời, vừa đạt được hiệu quả. Chính vì vậy, ngoài những luật mới, chúng tôi tập trung tuyên truyền những đạo luật có tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân, hướng đến đối tượng tuyên truyền là người dân vùng sâu, vùng xa, điều kiện tiếp cận thông tin hạn chế hơn so với vùng khác.

 


Cán bộ, Nhân dân xã Bao La (Mai Châu) tham dự buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở.

Thời gian qua, ngành Tư pháp đã phối hợp các ngành thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân vùng sâu, vùng xa như tuyên truyền Bộ luật Hình sự, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hôn nhân và gia dình, Luật Trẻ em tại 2 xã vùng sâu Mỹ Thành, Văn Nghĩa (Lạc Sơn). Tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) cho cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp xã, tổ hòa giải cơ sở, tổ an ninh cơ sở và đại diện các tổ chức hội, trưởng các dòng họ, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Đặc biệt, lĩnh vực đất đai là một trong những lĩnh vực luôn ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến người dân, ngành Tư pháp đã phối hợp với ngành Tài nguyên - Môi trường nâng cao một bước công tác tuyên truyền, PBGDPL về đất đai bằng hình thức tuyên truyền gắn với tư vấn, lồng ghép giải quyết các vụ việc liên quan đến khiếu nại, tố cáo về đất đai. Từ năm 2020 đến nay, Sở Tư pháp đã giải quyết 18 lượt đơn thư liên quan đến đất đai và tư vấn về lĩnh vực môi trường. Đối với ngành GTVT, là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, nhất là trong thời gian qua nổi lên tình trạng xe quá khổ, quá tải, xe cơi nới thành thùng vẫn diễn biến phức tạp, song song với công tác tuyên truyền, PBGDPL đến với người dân, Sở GTVT đã triển khai tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong thực thi công vụ và đảm bảo an toàn giao thông năm, gắn với xây dựng quy tắc đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông cho hàng nghìn lượt học viên tham gia các khóa đào tạo.

Cùng với đó, việc PBGDPL qua bản tin của các ngành, đoàn thể, tủ sách pháp luật, câu lạc bộ (CLB) pháp luật cũng được quan tâm, chú trọng. Hiện, trên địa bàn tỉnh duy trì, củng cố hoạt động của các loại hình CLB như: chi hội phụ nữ không có người thân vi phạm và mắc tai, tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội; phụ nữ với pháp luật; thanh niên với pháp luật thu hút đông đảo thành viên tham gia. Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Tư pháp huyện Cao Phong chia sẻ: Huyện Cao Phong hiện còn duy trì nhiều CLB như: Khu dân cư không có thanh niên mắc tệ nạn xã hội ở xóm Đúng Thá, xã Thu Phong; khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội; chi hội phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội gồm 13 điểm ở 10 xã, thị trấn. Đây là những CLB hoạt động tại cơ sở và thực sự đã mang lại hiệu quả, trước nhất giúp người dân nắm rõ, hiểu đúng pháp luật, tuân thủ pháp luật. Tương tự như vậy, hiện tại nhiều địa phương, với đặc thù riêng và điều kiện cụ thể ở địa phương mình, nhiều khu dân cư đã hình thành những CLB phù hợp như: Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em; phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội... để thu hút người dân tham gia.

Từ những CLB đã góp phần tích cực thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã kiện toàn, duy trì 1.470 tổ hòa giải với 9.883 hòa giải viên. Các tổ đã tham gia hòa giải 100% việc phát sinh. Trong năm 2020 hòa giải thành 525/632 vụ, việc tham gia hòa giải, đạt 83%.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến những luật có tác động lớn đến xã hội

Triển khai công tác năm 2021, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh xác định tiếp tục phổ biến các văn bản, chính sách cho cán bộ, Nhân dân, tập trung vào các luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua năm 2020 và năm 2021. Các dự thảo chính sách pháp luật có tác động lớn đến xã hội và các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt là các quy định pháp luật phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tội phạm ma túy, dịch bệnh, thiên tai; hỗ trợ khởi nghiệp..., các vấn đề dư luận xã hội quan tâm và định hướng dư luận xã hội. Tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án của Thủ tướng Chính phủ về PBGDPL cho các đối tượng đặc thù là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn; lao động trong các doanh nghiệp, nạn nhân bạo lực gia đình, người đang chấp hành hình phạt tù; người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, triển khai tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật, gắn xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.

Theo đồng chí Bùi Thị Minh Phượng, Trưởng phòng Tuyên truyền, PBGDPL (Sở Tư pháp), để đạt được các mục tiêu trên và từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, ngành Tư pháp xác định bảo đảm gắn kết giữa công tác PBGDPL với công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, tạo chuyển biến căn bản, bền vững, toàn diện trong ý thức tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân. Tiếp tục phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn pháp luật, của cơ quan thường trực Hội đồng, tăng cường trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng; định hướng tuyên truyền pháp luật gắn với các nội dung thiết thực với người dân, doanh nghiệp. Tổ chức tốt công tác PBGDPL cho nhóm đối tượng đặc thù, chính sách xã hội hóa hoạt động PBGDPL để thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, cần nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của báo chí trong tuyên truyền, PBGDPL.

Đinh Hòa


Nhóm ý kiến: 

Đổi mới hình thức tuyên truyền để sinh động, hiệu quả hơn

Là cán bộ phụ trách mảng tư pháp tại cơ sở, tôi thấy trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm. Trong đó, Nhân dân là những người được hưởng lợi vì nắm chắc, tiếp cận được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách nhanh, chính xác, hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, trong điều kiện cho phép nên đổi mới hình thức tuyên truyền, như tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ tại thôn, xóm, khu dân cư lồng ghép tuyên truyền theo một chủ đề nhất định sẽ giúp người dân nắm bắt, nhớ lâu hơn, hoặc cũng có thể sử dụng hệ thống loa phát thanh cơ sở để tuyên truyền hàng ngày sẽ rất thiết thực, hiệu quả.

 

Nguyễn Văn Cừ

Cán bộ Tư pháp xã Mông Hóa (TP Hòa Bình)

 

Đưa việc phổ biến, giáo dục pháp luật vào nhà trường để tiếp cận pháp luật sớm

Tôi thấy rằng, việc chấp hành pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cần có một quá trình hình thành, việc hình thành càng sớm càng tốt ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên cũng là một giải pháp quan trọng để hạn chế vi phạm pháp luật. Hiện nay, để giúp học sinh tiếp cận với pháp luật sớm rất cần có sự đổi mới trong cách đưa thông tin, truyền tải thông tin. Có thể không cần đưa các bộ luật ở nhiều lĩnh vực, nhưng nên đưa những luật có tác động trực tiếp đến các em và quan trọng nhất là làm thế nào để hình thành ý thức chấp hành pháp luật. Giúp trẻ nhận thức được việc nào là phạm pháp, khi phạm pháp phải trả giá như thế nào. Từ một thế hệ trẻ hiểu biết pháp luật, tuân thủ pháp luật, về lâu dài sẽ hình thành nên một xã hội tuân thủ pháp luật.

Nguyễn Thị Hương

Phường Phương Lâm (TP Hòa Bình)


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục