Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 4 khâu đột phá chiến lược. Trong đột phá về phát triển hạ tầng, có nội dung quan trọng là phát triển hạ tầng các khu công nghiệp (KCN). Đây được kỳ vọng là "đột phá trong đột phá” nhưng kết quả thực hiện chưa tương xứng, vì thế cần thêm động lực để khai thác tiềm năng, tích hợp sức mạnh cho các KCN.
Lao động được tạo việc làm ổn định tại các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình).
Biến quyết tâm chính trị thành kết quả cụ thể
Quyết tâm đẩy mạnh phát triển KCN được Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XV thể chế hóa trong Nghị quyết số 09/NQ-TU, ngày 26/5/2014 về đẩy mạnh phát triển các KCN, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020. Sau đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tiếp tục xác định giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp là: Có 1% diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, diện tích các KCN, CCN chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Như vậy, quyết tâm chính trị về phát triển KCN nói riêng cũng như các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) trên địa bàn tỉnh nói chung được BCH Đảng bộ tỉnh khởi động từ nhiệm kỳ 2010 - 2015 và trở thành định hướng chỉ đạo xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đây được xác định là giải pháp quan trọng để toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, kinh tế đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Nhằm biến quyết tâm chính trị thành kết quả cụ thể, tỉnh đã ban hành và chú trọng thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển KCN. Thống kê từ năm 2014 đến nay đã ban hành 41 loại văn bản, bao gồm: Nghị quyết, quy định, đề án, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành… Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ giải pháp, bám sát mục tiêu đề ra. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đều nhận thức được vai trò quan trọng của việc phát triển KCN, trong đó, trọng tâm là phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư, tích hợp sức mạnh cho các KCN.
Là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh những năm qua đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tích cực tham mưu UBND tỉnh kế hoạch huy động, bố trí các nguồn vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN. Từ năm 2017 đến nay, BQL đã tham mưu, đề xuất nhiều nội dung quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển KCN. Kết quả là phương án phát triển các K,CCN đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng diện tích quy hoạch khoảng 5.679 ha (trong đó, diện tích quy hoạch 16 KCN khoảng 3.470 ha), tăng 23,47% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Cùng với kết quả đáng ghi nhận này, BQL các KCN tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng các K,CCN tỉnh, có nhiệm vụ tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực để nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng K,CCN. Đây là minh chứng cho thấy nỗ lực thể chế hóa, biến quyết tâm chính trị thành hành động và kết quả cụ thể, từ đó kỳ vọng tạo đột phá trong đột phá chiến lược về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.
Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng các K,CCN tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh xác định cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón nhận dòng vốn đầu tư, thu hút đa dạng các nguồn lực phát triển. Một trong những điều kiện quan trọng hàng đầu là phát triển hạ tầng các KCN theo hướng đầu tư đồng bộ, hiện đại, đảm bảo đáp ứng tốt hoạt động của doanh nghiệp tại KCN. Đây được xác định là giải pháp có ý nghĩa tạo đột phá trong phát triển ngành công nghiệp, góp phần đắc lực thúc đẩy KT-XH của tỉnh.
Cần thêm động lực để tạo đột phá
Trở lại Nghị quyết số 09/NQ-TU về đẩy mạnh phát triển các K,CCN trên địa bàn tỉnh. Trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết, tổng vốn đầu tư phát triển các KCN khoảng 390 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 103,85 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 42,814 tỷ đồng; vốn của chủ đầu tư hạ tầng 243,616 tỷ đồng). Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết, tổng vốn đầu tư đã thực hiện (bao gồm lũy kế từ trước và sau khi thực hiện Nghị quyết số 09/NQTU đến tháng 4/2024) khoảng 2.206 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 312,65 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 316,935 tỷ đồng; vốn của chủ đầu tư hạ tầng 1.577,224 tỷ đồng), tăng khoảng 1.816 tỷ đồng, tương ứng 565,4% so với trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU.
Thực tế cho thấy, tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng các KCN và đạt kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn chế. Thống kê trong giai đoạn 2017 - 2023, tổng nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN của tỉnh đạt trên 1.638 tỷ đồng. Được biết, tổng vốn đầu tư và đăng ký đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các KCN trên địa bàn tỉnh từ năm 2022 đến tháng 6/2024 đạt khoảng 4.372 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kết quả thu hút đầu tư cũng khá tích cực. Lũy kế đến nay, các KCN thu hút được 110 dự án đầu tư, gồm 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 362,77 triệu USD và 84 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 16.036,69 tỷ đồng.
Trao đổi về kết quả đầu tư hạ tầng KCN đến nay, đồng chí Chu Văn Thắng, Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết: Trong 8 KCN đang hoạt động, 5 KCN đã có chủ đầu tư hạ tầng, tạo được quỹ đất sạch khoảng 537 ha để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Trong đó, nổi bật là KCN Lương Sơn và KCN Bờ trái sông Đà đã thu hút được nhà đầu tư thứ cấp thuê 100% diện tích đất công nghiệp. Đây cũng là 2 KCN đã đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Các KCN còn lại đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các hạng mục hạ tầng. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy bình quân diện tích đất công nghiệp tại các KCN đã có nhà đầu tư thứ cấp đạt khoảng 53,6%... Tuy nhiên, thực tế xuất hiện nhiều thách thức, đòi hỏi cần thêm động lực để khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế và đưa ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.
Khu công nghiệp Lương Sơn được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, thu hút doanh nghiệp đầu tư đạt 100% diện tích đất thương phẩm.
Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU về đẩy mạnh phát triển các K,CCN trên địa bàn tỉnh, BCH Đảng bộ tỉnh đã nêu rõ những hạn chế trong kết quả đầu tư phát triển hạ tầng các KCN, như: Tiến độ đầu tư hạ tầng một số KCN còn chậm; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu; một số KCN còn hạn chế trong đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường nên ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư các dự án thứ cấp…
Những hạn chế này đã kéo thấp kết quả thực hiện một số chỉ tiêu liên quan đến phát triển hạ tầng KCN mà Nghị quyết số 09/NQ-TU đề ra, ví dụ: Thực hiện chỉ tiêu lấp đầy các KCN, mới có 2/8 KCN đạt 100% so với chỉ tiêu Nghị quyết; trong 6 KCN còn lại, có KCN Bình Phú (KCN Mông Hóa cũ) đạt 68%; các KCN Yên Quang, Lạc Thịnh đạt 0%. Thực hiện chỉ tiêu về đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng KCN, mới có 2 KCN hoàn thành. Thực hiện chỉ tiêu về các KCN có khu nhà ở công nhân, lao động, mới có 1 KCN hoàn thành. Thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ các KCN có chủ đầu tư hạ tầng, đến nay có 5 KCN, đạt 62,5% so với chỉ tiêu Nghị quyết…
Theo đánh giá của BCH Đảng bộ tỉnh, những kết quả đạt được còn hạn chế nên chưa tạo được động lực cho các KCN phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong khi đó, theo định hướng phát triển chiến lược của tỉnh, các KCN được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò hạt nhân kinh tế quan trọng, góp phần đưa ngành công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và thực hiện các mục tiêu xã hội. Vì thế, trong giai đoạn phát triển mới, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm huy động thêm nguồn lực để nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển hạ tầng KCN, từ đó, tạo đột phá để phát triển ngành công nghiệp và thúc đẩy KT-XH địa phương.
Lựa chọn chủ đầu tư có năng lực để đồng hành phát triển hạ tầng công nghiệp Nguyễn Văn Hải Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Được quy hoạch nằm trong vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh, huyện Lạc Thủy đã và đang chú trọng triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn gắn với nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thu hút đầu tư. Quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy, phát triển hạ tầng và chuẩn bị quỹ đất sạch là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sức hút cũng như hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp. Thiết nghĩ, trong bối cảnh còn khó khăn về nguồn tài chính dành cho phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tỉnh cần ưu tiên lựa chọn chủ đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý và uy tín cao để vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư phát triển hạ tầng, vừa thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp. Cùng với đó, các cấp chính quyền, sở, ngành chức năng cần đồng hành với chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế.
|
Khu công nghiệp phát huy hiệu quả nhờ giao thông kết nối và hạ tầng đồng bộ Chu Đức Tiến Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ Những năm qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ đã xây dựng hệ sinh thái đồng bộ với đa dạng lĩnh vực kinh doanh, trong đó, thế mạnh nổi bật là đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN. Tại tỉnh Hòa Bình, Tập Đoàn Phú Mỹ là chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Bình Phú (xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình). Đây là dự án nhóm A, được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ngày 22/7/2022. Dự án hướng tới tạo nguồn đất sạch, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, hiện đại để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chúng tôi tin tưởng, KCN Bình Phú có nhiều lợi thế để phát triển trở thành KCN nổi bật hàng đầu của tỉnh Hòa Bình. Khi được đầu tư hạ tầng đồng bộ và hiện đại thì nhất định có sức hút lớn đối với nhiều nhà đầu tư thứ cấp vì cùng với các điều kiện quan trọng khác, KCN Bình Phú sở hữu vị trí đắc địa, tiếp nối với hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường hàng không và đường biển. Quá trình đầu tư dự án, doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được tỉnh hỗ trợ thuận lợi về cơ chế, chính sách để dự án sớm đi vào hoạt động, góp phần tạo thêm nguồn lực phát triển cho địa phương. |
Thu Trang