Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh kiểm sát tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh.
Báo động tội phạm tham nhũng, chức vụ
Tình hình tội phạm về tham nhũng, chức vụ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều hướng tăng, đặc biệt tăng mạnh trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024; tập trung chủ yếu vào các tội "nhận hối lộ”, "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, "giả mạo trong công tác” có liên quan đến cán bộ, đảng viên phạm tội trong các lĩnh vực nhạy cảm như: đăng kiểm, đào tạo giấy phép lái xe, đầu tư công; đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, như cán bộ xã tự thu tiền đất của các hộ dân để sử dụng cho hoạt động chung của xã và chiếm đoạt cá nhân, hoặc có vi phạm về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi đất gây thiệt hại cho Nhà nước, cá nhân, nhận tiền để làm các thủ tục về đất đai… gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.
Nguyên nhân để xảy ra tội phạm về tham nhũng chủ yếu do sự buông lỏng trong quản lý, ý thức trách nhiệm của những người thực thi nhiệm vụ chưa cao, dễ bị cám dỗ của những tiêu cực trong nền kinh tế thị trường.
Theo thống kê từ năm 2022 đến nay, tổng thụ lý kiểm sát điều tra 38 vụ/113 bị can. Năm 2022 khởi tố mới 6 vụ/ 26 bị can, tăng 3 vụ so với năm 2021. Trong đó, tội tham ô tài sản 1 vụ/1 bị can, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản 1 vụ/7 bị can, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 3 vụ/17 bị can, tội giả mạo trong công tác 1 vụ/1 bị can. Điển hình là vụ án Nguyễn Đồng và đồng phạm phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư P&T và các cơ quan, tổ chức có liên quan; các bị can đã thông đồng, nâng khống giá trị hệ thống hội nghị trực tuyến của Tỉnh ủy gây thiệt hại trên 6,2 tỷ đồng.
Năm 2023 khởi tố mới 21 vụ/68 bị can, tăng 15 vụ so với năm 2022. Trong đó, tội tham ô tài sản 4 vụ/4 bị can, tội nhận hối lộ 5 vụ/23 bị can, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản 1 vụ/2 bị can, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 9 vụ/36 bị can, tội giả mạo trong công tác 2 vụ/3 bị can. Điển hình là vụ án Trịnh Thành Công và đồng phạm phạm tội nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình, các bị can đã sách nhiễu, đòi hối lộ để bỏ qua một số lỗi của các xe đến đăng kiểm, tổng số tiền nhận hối lộ và tiền cảm ơn 910 triệu đồng.
Trong quý I/2024 khởi tố mới 8 vụ/16 bị can. Trong đó, tội tham ô tài sản 2 vụ/2 bị can, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản 1 vụ/2 bị can, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 3 vụ/8 bị can, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ 2 vụ/4 bị can. Điển hình là vụ án Đặng Văn Thành và đồng phạm phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Yên Thủy; các bị can đã có hành vi thông đồng, hợp lý hóa chứng từ để quyết toán khống và nâng giá trị các hợp đồng duy tu, bảo dưỡng đường giao thông, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 500 triệu đồng.
Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra 24 vụ/77 bị can; truy tố 20 vụ/70 bị can; xét xử 16 vụ/64 bị cáo. Tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trên 13,080 tỷ đồng, đã thu hồi trên 12,485 tỷ đồng, đạt 95%.
Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Những hành vi tham nhũng thường rất tinh vi, được che đậy bởi người có trình độ, có chuyên môn; các vụ việc được phát hiện, khởi tố, điều tra, xác minh đều xảy ra từ những năm trước nên việc phát hiện, điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo tập trung của Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay.
Công tác phối hợp trong đấu tranh, phát hiện, xử lý đối với loại tội phạm tham nhũng, chức vụ được quan tâm thực hiện như: Viện kiểm sát và cơ quan điều tra phối hợp cơ quan thanh tra rà soát kết quả thanh tra trước khi cơ quan thanh tra kiến nghị, khởi tố, đảm bảo căn cứ kiến nghị và chất lượng giải quyết kiến nghị khởi tố; Viện kiểm sát cử người tham gia các đoàn rà soát, đoàn kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cùng Ban Nội chính, Ban Chỉ đạo, qua đó kịp thời phát hiện các dấu hiệu sai phạm để tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo hoặc xử lý theo quy định. Số vụ án có thiếu sót, vi phạm phải trả hồ để điều tra bổ sung chiếm tỷ lệ thấp; không có oan, sai.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ vẫn còn những hạn chế như: tiến độ giải quyết còn chậm, phải gia hạn thời hạn xác minh, gia hạn thời hạn điều tra, thậm chí có những tin báo phải tạm đình chỉ kéo dài thời hạn giải quyết; việc áp dụng pháp luật trong một số trường hợp chưa chính xác, còn lúng túng trong việc xác định tội danh; có vụ phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc bị hủy án để điều tra lại do thiếu chứng cứ. Ngoài ra, nhiều vụ việc xảy ra tại cấp huyện, thành phố nhưng đơn vị thụ lý chưa kịp thời báo cáo xin ý kiến của VKSND tỉnh nên công tác lãnh đạo, hướng dẫn xử lý đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ đôi khi còn bị động, phần nào làm ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo yêu cầu của Đảng, tiềm ẩn những hậu quả tố tụng khó lường.
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhận thức, áp dụng pháp luật chưa đúng, chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự của lãnh đạo đơn vị và của kiểm sát viên; kỹ năng, kinh nghiệm của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trong lĩnh vực này còn hạn chế; hoạt động phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thật sự chặt chẽ. Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết các vụ việc còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá hoặc do các vụ việc có diễn biến phức tạp, nhiều dấu hiệu pháp lý tương đồng giữa các tội danh.
Đồng chí Ngô Bảo Ngọc, Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, thời gian tới, VKSND tỉnh tiếp tục tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin và trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Trực tiếp giải quyết nguồn tin về tội phạm khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng không được khắc phục. Kịp thời đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh về tài sản; tham gia vào các hoạt động điều tra, bảo đảm vụ án, bị can được khởi tố, điều tra đúng thẩm quyền. Hạn chế tối đa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung do lỗi của kiểm sát viên và có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.
Nâng cao kỹ năng xét hỏi, tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa, hạn chế thấp nhất trường hợp tòa án tuyên khác tội danh Viện kiểm sát đã truy tố hoặc tòa án tuyên bị cáo không phạm tội... Tích cực, chủ động tham gia 100% hoạt động khám xét, đối chất, trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra theo thẩm quyền, nhất là việc hỏi cung, lấy lời khai, phúc cung để xem xét, quyết định việc phê chuẩn, truy tố, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố có căn cứ, đúng pháp luật. Phối hợp Tòa án nhân dân tỉnh lựa chọn các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ phù hợp để thực hiện số hóa hồ sơ vụ án hình sự...
Đinh Thắng
Nhóm ý kiến:
Cần trưng cầu giám định, định giá tài sản
Trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến tham nhũng, chức vụ, kinh tế, sau khi nghiên cứu tài liệu ban đầu do cơ quan điều tra (CQĐT) chuyển đến, kiểm sát viên (KSV) cần xem xét ngay việc có cần thiết phải trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản không. Nếu thấy cần thiết phải có kết luận giám định làm căn cứ đánh giá hành vi sai phạm hoặc kết luận định giá để xác định hậu quả, thiệt hại thì cần kịp thời yêu cầu CQĐT trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản. Đồng thời, KSV cần chủ động trao đổi với điều tra viên về những nội dung cần giám định, định giá; các cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành trưng cầu, tránh tình trạng CQĐT trưng cầu giám định, định giá không đúng cơ quan chuyên môn dẫn đến chậm tiến độ giải quyết vụ việc.
Khi cần thiết, KSV có thể cùng điều tra viên trao đổi trước nội dung cần trưng cầu với cơ quan được trưng cầu giám định, định giá để thống nhất cách sử dụng câu từ đúng chuyên môn, tránh hỏi sai ý, không đúng trọng tâm và khiến cơ quan chuyên môn khó trả lời. Đồng thời, KSV cần kiểm sát chặt chẽ việc CQĐT cung cấp tài liệu cho giám định viên, hội đồng định giá. Trong trường hợp việc giám định, định giá của cơ quan chuyên môn kéo dài do CQĐT chưa cung cấp đầy đủ tài liệu theo yêu cầu của giám định viên, hội đồng định giá thì KSV cần đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ban hành văn bản đề nghị CQĐT cung cấp đầy đủ tài liệu phục vụ việc giám định, định giá.
Nguyễn Hữu Thạch
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hòa Bình
Cần yêu cầu điều tra, xác minh vụ án
Khi nhận được hồ sơ do cơ quan điều tra cung cấp, kiểm sát viên cần nghiên cứu tài liệu, nắm bắt nội dung vụ việc để kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện định hướng kiểm tra, xác minh. Trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện, kiểm sát viên chủ động đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, tập trung vào những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án, làm rõ các dấu hiệu đặc trưng của tội phạm như hành vi sai phạm, hậu quả thiệt hại do các đối tượng gây ra và thu thập đầy đủ, toàn diện các chứng cứ buộc tội, gỡ tội… để đề xuất hướng xử lý. Có thể yêu cầu kiểm tra, xác minh nhiều lần, bằng văn bản hoặc bằng lời nói.
Kiểm sát viên cần lưu ý đánh giá khách quan tất cả các tình tiết, chứng cứ, tránh tâm lý buộc tội dễ dẫn đến thu thập chứng cứ không đầy đủ, bị động khi bị can và người bào chữa đưa ra lập luận. Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện yêu cầu kiểm tra, xác minh của cơ quan điều tra và nắm bắt tiến độ giải quyết. Khi thấy có vấn đề cần phải kiểm tra, xác minh thêm, kiểm sát viên kịp thời bổ sung yêu cầu kiểm tra, xác minh và trao đổi với điều tra viên để làm rõ những nội dung của yêu cầu điều tra. Nếu điều tra viên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu điều tra thì tùy từng trường hợp, kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện kiến nghị bằng văn bản với thủ trưởng, cấp trưởng cơ quan có thẩm quyền điều tra hoặc yêu cầu thay đổi điều tra viên, cán bộ điều tra.
Bùi Thị Thu Hằng
Trưởng phòng 1, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh