Huyện Lương Sơn huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ gia cố các vị trí xung yếu trên tuyến đê Thanh Lương, từ đó hạn chế tình trạng ngập lụt do mưa lũ.
Tại khu vực chợ trung tâm huyện (thị trấn Lương Sơn) - nơi có khoảng 800 hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chỉ sau trận mưa lớn chiều 5/8, một số điểm ngập úng đã xuất hiện gây không ít khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các tiểu thương. Chị Hoàng Thu Hương - chủ một kiốt bán gạo cho biết: Mưa như trút khiến lượng lớn nước mưa dồn về đây trong thời gian ngắn. Khu vực kiốt trong chợ bị ngập úng làm ngưng trệ hầu hết các hoạt động mua bán từ chiều 5/8 đến hết sáng hôm sau. Do nắm được thông tin trước đó nên các chủ hộ kinh doanh trong khu vực bị ngập úng đã chủ động di dời hàng hóa, tài sản đến nơi không bị ảnh hưởng. Đồng thời, sau khi mưa ngớt, Ban quản lý chợ đã khẩn trương thực hiện các biện pháp tiêu úng nhanh như khơi thông dòng chảy, thu dọn rác bẩn, xử lý môi trường khu vực ngập úng, hỗ trợ di chuyển hàng hóa, giúp đỡ các hộ tiểu thương dọn dẹp khu vực kinh doanh… Nhờ đó, các hộ đã nhanh chóng ổn định kinh doanh, hậu quả do mưa lớn và ngập úng gây ra không đáng kể.
Được biết, trong những ngày đầu tháng 8, mưa lớn liên tục đã gây tình trạng ngập úng cho nhiều nơi trên địa bàn huyện Lương Sơn. Điểm ngập úng tập trung nhiều nhất tại các xã: Trường Sơn (thuộc lưu vực suối Trung, thượng nguồn sông Bùi), Tiến Sơn và Trung Sơn (thuộc lưu vực suối ông), Cao Răm, Tân Vinh, Nhuận Trạch, thị trấn Lương Sơn (là các địa bàn có sông Bùi chảy qua), Thanh Lương, Cao Thắng (nơi sông Thanh Hà chảy qua) và xã Tân Thành (nơi sông Cầu Đường chảy qua). Đây vốn là những trọng điểm ngập úng trong mùa mưa hàng năm được xác định có nhiều nguy cơ xảy ra lũ lụt do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mực nước 3 con sông lớn: sông Cầu Đường (khơi nguồn từ xã Tân Thành chảy cắt qua đường Hồ Chí Minh đến xã Cao Thắng), sông Thanh Hà (chảy qua các xã vùng phía đông - nam của huyện, vốn là khu vực có nhiều nguy cơ ngập lụt khi phân lũ sông Đáy và sông Hoàng Long) và đặc biệt là sông Bùi - một con sông nhỏ, ngắn và dốc, hàng năm thường gây lũ lớn trên các địa bàn chảy qua.
Chủ động ứng phó với tình trạng ngập úng, ngay khi bước vào mùa mưa năm nay, phòng NN&PTNT huyện Lương Sơn đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các đơn vị quản lý hồ, đập để điều tiết nước, giảm lũ và xả lũ hợp lý. Trước đó, các lực lượng chuyên ngành đã rà soát, xác định các hồ chứa có khả năng mất an toàn trong mùa mưa bão, bao gồm hồ Hương Hòa (xã Hòa Sơn), hồ Đom (xã Cư Yên), hồ Suối Sỏi (xã Tân Thành), hồ Bằng Gà (xã Trường Sơn); hồ Ngành (xã Tiến Sơn)… Cùng với hai tuyến đê Thanh Lương và Xuân Dương (xã Thanh Lương), đây là những trọng điểm được ưu tiên bảo vệ hàng đầu nhằm nâng cao hiệu quả phòng - chống mưa lũ và ngập lụt trong mùa mưa năm nay.
Đồng chí Nguyễn Quang Hảo, Phó trưởng phòng NN &PTNT trao đổi: Trong các loại hình thiên tai thường ảnh hưởng đến địa bàn huyện, mưa lũ và ngập lụt được xác định là loại hình có cấp độ rủi ro đáng lo ngại nhất. Để ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan này, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã đề ra nhiều biện pháp, trong đó xác định rõ các trọng điểm để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa và cảnh báo. Cụ thể, các xã có nguy cơ ngập úng cao được xác định là Trường Sơn, Cao Răm, Tân Vinh, Nhuận Trạch, Hòa Sơn, Trung Sơn, Cao Dương, Cao Thắng, Thanh Lương và thị trấn Lương Sơn. Tại các nơi này, BCH PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo lắp đặt đầy đủ các biển cảnh báo nguy hiểm, cắt cử lực lượng thường trực, huy động nhân lực và vật lực sẵn sàng tại trụ sở UBND các xã, thị trấn; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để các hộ dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động ứng phó với thiên tai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu.
Thu Trang