(HBĐT) - Khoảng từ tháng 7 đến nay, tình hình mưa lũ kéo dài trên diện rộng ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc. Cùng với các hồ chứa thủy điện khác, thủy điện Hòa Bình đã xả nước điều tiết để có dung tích chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ lưu và công trình khi có lũ lớn xuất hiện.


Thủy điện Hòa Bình đang thực hiện xả lũ đợt 3 phục vụ chống lũ giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu.

 Cùng lúc này, vị trí "bậc thang thủy điện dưới cùng trên sông Đà” thực hiện điều tiết xả nước của thủy điện Hòa Bình càng quan trọng hơn bao giờ hết bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vì thế, ngay từ đầu mùa mưa bão, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã xác định phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.ư để có những thông tin về tình hình mưa lũ, số liệu quan trắc lưu lượng nước về hồ thực tế tại các điểm đặt thiết bị quan trắc trên tuyến sông Đà. Đồng thời, báo cáo thường xuyên, kịp thời với Ban chỉ đạo T.ư về phòng - chống thiên tai về tình hình diễn biến lưu lượng nước về hồ Hòa Bình. Trên cơ sở đó giúp Ban chỉ đạo T.ư có những tính toán khoa học trong việc quyết định thời điểm mở cửa xả nước, tham mưu với Ban chỉ đạo đóng cửa xả nước để tích nước hồ. Theo đồng chí Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty, nếu không có những tính toán khoa học, đến cuối mùa mưa, hồ chứa không đạt mức nước quy định sẽ ảnh hưởng lớn tới sản xuất điện và cung cấp nước tưới cho vụ đông xuân ở đồng bằng Bắc Bộ trong mùa khô năm sau.

Đến nay, trải qua 29 năm thực hiện nhiệm vụ quan trọng của công trình thủy điện đa mục tiêu, thủy điện Hòa Bình đã hoàn thành tốt vai trò chống lũ, giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an toàn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội. Mặt khác, phát điện, cung cấp điện năng cho phát triển KT-XH của đất nước, cung cấp nước tưới cho vùng đồng bằng Bắc Bộ và cải thiện điều kiện giao thông đường thủy trên sông Đà, giúp cho phát triển kinh tế vùng Tây Bắc và giao thông đường thủy trên lưu vực sông Hồng.

Bình quân mỗi năm trên sông Đà có từ 5 - 7 trận lũ với lưu lượng từ 5.000 m3/s - 7.000 m3/s. Theo thống kê từ khi công trình thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành đến nay, trên lưu vực sông Đà đã xuất hiện 152 trận lũ có lưu lượng trên 5.000 m3/s và hồ thủy điện Hòa Bình đã thực hiện cắt trên 42 trận lũ có lưu lượng đỉnh từ 7.000 m3/s trở lên. Đặc biệt là trận lũ lớn lịch sử có lưu lượng đỉnh lên tới 22.650 m3/s xuất hiện vào tháng 8/1996, hồ thủy điện Hòa Bình đã cắt được 9.550 m3/s (tức 42% lưu lượng lũ được giữ lại ở hồ), đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hạ du, ngăn chặn được thảm họa vỡ đê gây ngập lụt nghiêm trọng có thể xảy ra ở nhiều địa phương.

Riêng từ trung tuần tháng 7 đến nay, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã thực hiện 3 đợt vận hành xả lũ hồ theo lệnh của Ban chỉ huy phòng - chống lũ bão T.ư. Cùng với chống lũ, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt mốc sản lượng điện sản xuất 210 tỷ kWh vào 20h50 phút ngày 14/6/2017 - một con số ấn tượng mà chưa có nhà máy thủy điện nào đạt được. Hàng năm, vào mùa khô, thủy điện Hòa Bình giữ vai trò chính cùng các các hồ thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà tăng cường cung cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân cho đồng bằng Bắc Bộ. Lượng nước xả từ hồ thủy điện Hòa Bình từ 2,5 - 3,5 tỷ m3 nước, chiếm từ 65 - 70% tổng lượng nước xả từ các hồ. Đồng thời, thủy điện Hòa Bình còn vận hành điều tiết lưu lượng, đảm bảo tăng lưu lượng nước trong mùa khô phía hạ lưu lớn hơn so với dòng chảy tự nhiên sông Đà và sông Hồng từ 120 - 230%, tạo điều kiện cho các phương tiện giao thông thủy đi lại dễ dàng, góp phần phát triển và lưu thông kinh tế giữa các vùng, miền.

Với những đóng góp to lớn cho phát triển KT-XH của đất nước, ngày 20/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 99/QĐ-TTg về việc đưa Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Đây là niềm vinh dự và tự hào, nhiệm vụ lớn lao của Công ty Thủy điện Hòa Bình và của tỉnh trong việc bảo vệ an toàn tuyệt đối công trình, khai thác hiệu quả nguồn thủy năng, góp phần phát triển KT-XH của đất nước và địa phương.

                                                                         Bùi Minh

Các tin khác


Dông, lốc kèm mưa đá gây thiệt hại nhiều nhà dân ở Thanh Hóa

Chiều tối 17/4, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trận dông, lốc kèm mưa đá, gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân.

Thời tiết ngày 17/4: Nắng nóng trải dài khắp cả nước, có nơi hơn 39 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/4, hầu khắp các vùng trên cả nước đều có nắng nóng, có nơi đặc biệt gay gắt. Dự báo, mức nhiệt tiếp tục tăng ở phía Đông Bắc Bộ những ngày tới.

Sẵn sàng cung ứng điện ổn định mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến nên nguy cơ gây quá tải đường dây, đe dọa sự cố làm gián đoạn cung cấp điện. Để cấp điện ổn định, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện đến khách hàng.

Động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại Kon Plông, Kon Tum

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 15/4, trận động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Thời tiết ngày 15/4: Nắng nóng ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Thời tiết ngày 14/4: Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục