Ngày 26/4 hàng năm được tổ chức theo chủ đề khác nhau như: Khuyến khích tính sáng tạo; Suy nghĩ - hình dung - sáng tạo; Bắt đầu bằng một ý tưởng; Đổi mới sáng tạo - cải thiện cuộc sống… Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay tôn vinh tài năng, sự khéo léo, ham học hỏi và sự can đảm của phụ nữ với thông điệp "Tiếp sức cho những thay đổi - Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo”.
ở tỉnh ta, Sở KH&CN có chức năng QLNN về sở hữu trí tuệ. Trong đó có nhiệm vụ chủ trì triển khai các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng chế, sáng kiến, sáng tạo tại tỉnh. Đối với hoạt động sáng kiến, Sở có trách nhiệm hướng dẫn tác giả tiến hành thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các giải pháp có khả năng được bảo hộ...
Sáng kiến "Thành lập mô hình CLB ngân hàng máu sống tỉnh Hòa Bình” góp phần đáp ứng nhu cầu về máu trong trường hợp người bệnh cấp cứu. ảnh: Thành viên CLB ngân hàng máu sống tỉnh hiến máu tình nguyện.
Những năm qua, phong trào thi đua phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật được phát động, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Phong trào nhận được sự quan tâm, triển khai thực hiện của hầu hết các cấp, ngành, địa phương với sự tham gia nhiệt tình, sáng tạo của đông đảo CB, CC, VC, người lao động. Các cơ quan, đơn vị chủ động bố trí kinh phí triển khai hoạt động sáng kiến cấp cơ sở. Hoạt động viết sáng kiến được đưa vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xét danh hiệu thi đua hàng năm của các đơn vị. Qua đó góp phần khích lệ CB, CC, VC, người lao động phát huy trí tuệ, sáng tạo trong công việc, tạo phong trào thi đua lao động, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật mạnh mẽ, sôi nổi.
Đặc biệt, có những giải pháp hữu ích và nhiều sáng kiến của phụ nữ. Tiêu biểu tháng 12/2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp bằng độc quyền Giải pháp hữu ích cho các sản phẩm: trà hòa tan chứa xạ đen, trà túi lọc chứa xạ đen, thuốc hỗ trợ điều trị ung thư chứa xạ đen của bà Đinh Thị Phiển. Các sáng kiến được công nhận của các tác giả nữ hoặc tác giả nữ tham gia đều là các giải pháp có tính sáng tạo, được ứng dụng trên thực tế và mang lại hiệu quả KT-XH. Cụ thể như sáng kiến "Xây dựng mô hình lớp học ngoài trời giúp trẻ mầm non trải nghiệm thực tế” của các cô giáo Nguyễn Thị Thực, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Hương Giang, trường mầm non Tân Thịnh B (TP Hòa Bình); "Xây dựng môi trường thực hành tiếng Anh cho học sinh trường THPT Công Nghiệp” của cô Vương Thị Kiều Nga, Phạm Ngọc Hà; "Thành lập mô hình CLB ngân hàng máu sống tỉnh Hòa Bình” của Phạm Thị Ngọc ánh, Bùi Thị Diệu và "Chuyến xe mơ ước - Tiếp sức mùa thi của Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Thị Ngọc Lan (Tỉnh Đoàn)…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở KH&CN, một số cơ quan, đơn vị, nhất là khối doanh nghiệp, hội ngành nghề ít quan tâm đến hoạt động sáng kiến. Phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo có nơi hình thức. Một bộ phận CB, CC, VC viết sáng kiến đối phó, nội dung nghèo nàn, giải pháp chung chung. Kết quả hoạt động sáng kiến chủ yếu được sử dụng xét thi đua, khen thưởng, chưa có chế độ hỗ trợ kịp thời, hữu hiệu đối với các sáng kiến có giá trị phát triển, ứng dụng, nhân rộng trong xã hội. Chưa có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật của các tác giả là người lao động, sản xuất trực tiếp, công nhân, nông dân…
Để thúc đẩy hoạt động sáng kiến, sáng tạo, theo Sở KH&CN, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức các phong trào nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sáng kiến. Đối với các giải pháp đã được công nhận là sáng kiến, cần xây dựng kế hoạch áp dụng, nhân rộng và thường xuyên cải tiến để phát huy hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện để CB, CC, VC, người lao động phát huy sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong lao động, sản xuất. Bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động sáng kiến. Các doanh nghiệp, cơ sở SX-KD tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện, áp dụng sáng kiến; ưu tiên xem xét nâng lương, nâng bậc thợ, đào tạo nâng cao trình độ và các chế độ phúc lợi khác cho tác giả có sáng kiến. Cần đảm bảo tính trung thực, nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về xét công nhận sáng kiến như quyền tác giả… Đối với phụ nữ, cần vượt ra khỏi tư tưởng an phận, tích cực đổi mới, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển chung.
Với mục tiêu tạo ra một mạng lưới toàn cầu cho phụ nữ vượt ra khỏi hệ tư tưởng và ranh giới quốc gia, Hiệp hội các nhà sáng chế và doanh nghiệp nữ thế giới (WWIEA) được thành lập năm 2008. Đến nay, Hiệp hội đã có thành viên từ hơn 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hòa Bình chưa có phụ nữ nào tham gia. |
Cẩm Lệ