Trao đổi với lãnh đạo xã Mông Hóa về thông tin trên, đồng chí Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc Công ty Hoàng Loan cho hộ ông Nguyễn Xuân Thủy thuê nhà xưởng để sản xuất, tái chế bao bì nilon thành hạt nhựa chúng tôi không được biết. Bởi khi họ làm việc với nhau, không thông qua chính quyền địa phương. Chỉ đến khi người dân có đơn phản ánh, đề nghị, chúng tôi mới nắm được đó là cơ sở sản xuất hạt nhựa bằng bao bì nilon phế thải. Quá trình sản xuất cũng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bảy - nhà ngay cạnh cơ sở sản xuất hạt nhựa bức xúc: Cuộc sống của các hộ dân chúng tôi từ trước đến nay ổn định, không có gì ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như môi trường. Nhưng từ ngày Công ty Hoàng Loan cho ông Nguyễn Xuân Thủy thuê nhà xưởng tái chế bao bì nilon thành hạt nhựa thì mỗi khi hoạt động đều thải khói độc có mùi khét rất khó chịu. Người dân xung quanh ngửi phải khói này thường bị ho, đau đầu, buồn nôn. Nhiều gia đình suốt ngày phải đóng kín cửa vì khói. Không chỉ có vậy, quá trình sản xuất cơ sở này còn xả nước thải ra dòng suối Dụ phía sau. Người dân lấy nước tưới rau, hoa màu thì bị chết.
Theo người dân xóm Dụ Phượng, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn), trong quá trình sản xuất, cơ sở tái chế bao bì thành hạt nhựa đã nhiều lần xả nước thải chưa qua xử lý ra suối Dụ.
Còn chị Nguyễn Thị Bi, nhà ở đối diện với cơ sở sản xuất hạt nhựa tái chế bực bội: Khi cơ sở này hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh, chúng tôi có đề nghị trực tiếp với chủ cơ sở sản xuất 3 lần nhưng không hiệu quả, nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Chúng tôi cũng đã có cuộc đối thoại giữa đại diện lãnh đạo UBND xã, Ban quản lý xóm và người dân với đại diện cơ sở sản xuất. Về phía cơ sở sản xuất, trong cuộc họp, đối thoại với nhân dân vào cuối tháng 3 vừa qua đã cam kết đốt hết số nguyên liệu là bao bì, nilon còn lại trong vòng 10 ngày sẽ dừng hoạt động. Nhưng không biết lý do gì mà từ đó đến nay, cơ sở này vẫn còn hoạt động thường xuyên, chủ yếu vào thứ 7 và chủ nhật nhằm tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Mới đây nhất là sáng 19/8 vẫn còn đốt.
Theo đồng chí Đinh Văn Long, Trưởng xóm Dụ Phượng, khi hoạt động, cơ sở tái chế hạt nhựa này gây ô nhiễm môi trường về khói và nước thải, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng hơn 60 hộ dân ở khu vực xung quanh. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân trong xóm và các xóm lân cận cũng bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.
Qua tìm hiểu được biết, cơ sở tái chế bao bì đã qua sử dụng thành hạt nhựa do ông Nguyễn Xuân Thủy, trú tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) làm chủ. Cơ sở này bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất từ tháng 8/2018 với công suất khoảng 300 tấn thành phẩm/năm. Hoạt động của cơ sở ảnh hưởng tới môi trường gây bức xúc trong nhân dân. Đầu tháng 4/2019, cơ sở này đã bị Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương phát hiện, lập biên bản vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, trong đó có việc xả nước thải chưa xử lý ra môi trường.
Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng phòng Quản lý tài nguyên - môi trường (Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh) cho biết: Sau khi nhận được thông tin của người dân và chính quyền địa phương, về phía Ban đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường và chính quyền địa phương kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở. Qua kiểm tra thực tế thấy rằng, dây chuyền công nghệ sản xuất, hệ thống xử lý nước thải, chất thải của cơ sở này không đảm bảo. Nguyên liệu đầu vào là các loại bao bì, nilon đã qua sử dụng có nhiều tạp chất, chất thải nguy hại. Đáng nói, cơ sở này không thực hiện đúng các nội dung trong bản Kế hoạch bảo vệ môi trường đã đăng ký với cơ quan chức năng. Những sai phạm này của cơ sở đã được lập biên bản xử lý, yêu cầu khắc phục.
Trước đó, trong quá trình làm việc với các cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất đã cam kết sẽ xử lý khói, bụi, mùi trong quá trình sản xuất theo đúng quy định của pháp luật, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, theo người dân địa phương thì quá trình sản xuất cơ sở không tuân thủ theo những gì đã cam kết. "Trước thực trạng trên và để xử lý, giải quyết vấn đề này, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh sẽ thành tập tổ công tác kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất của cơ sở. Nếu còn có những vi phạm quy định về môi trường, chúng tôi kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động” - đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng phòng Quản lý tài nguyên - môi trường (Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh) nhấn mạnh.
P.V