Mía nuôi cấy mô được Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thay thế giống mía tím của tỉnh đã thoái hóa.
Giai đoạn 2015 - 2020, đã có 98 đề tài KH&CN cấp tỉnh được phê duyệt, tổng kinh phí thực hiện trên 34 tỷ đồng. Đến tháng 8 năm nay, có 68 đề tài được nghiệm thu, không ít trong số đó đã được ứng dụng vào thực tế và đang phát huy hiệu quả.
"Trái ngọt” từ những đề tài khoa học và công nghệ
Với diện tích trồng hàng năm lên đến gần 4.000 ha, mía tím được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, những năm 2014 - 2015, mía tím đối diện với thực trạng khó khăn trong sản xuất,tiêu thụ. Cụ thể là chất lượng sản phẩm giảm, biểu hiện ở màu sắc thâm tím nhạt, vỏ có vết xước, thịt cứng, nhiễm sâu bệnh... Nguyên nhân chủ yếu do chất lượng mía giống thoái hóa. Cùng với việc phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, cung vượt quá cầu, có niên vụ, người dân trồng mía chỉ thu đủ chi phí đầu tư, thậm chí bị lỗ.
Năm 2016, đề tài khoa học cấp tỉnh "Thay thế giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh thực hiện được khởi động, với mục tiêu khắc phục những tồn tại về chất lượng mía tím; đảm bảo cung ứng giống tốt cho sản xuất; tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp vào đầu tư chế biến các sản phẩm từ mía tím, góp phần ổn định thị trường, tăng thu nhập bền vững cho nông dân.
Từ việc tuyển chọn dòng mía tím tốt tại các vườn giống gốc đang được lưu trữ, Trung tâm đã khai thác đỉnh sinh trưởng phục vụ nhân giống trong phòng Ivitro, ngay sau đó, bắt tay vào sản xuất giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô; xây dựng các vườn nhân giống cấp I, II; mở các tập huấn kỹ thuật sản xuất giống cho nông dân...
Theo đồng chí Trần Đình Thắng, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, ở thời điểm ấy, không chỉ người dân tham gia, mà ngay cả cán bộ chuyên môn cấp huyện cũng không mấy mặn mà. Chỉ sau khi mía nuôi cấy mô chuyển sang giai đoạn xuống giống thương phẩm, cây sinh trưởng vượt trội so với bình thường, các hộ tham gia mô hình mới thực sự vững tin. Đối với mía thông thường, thời gian từ chăm sóc đến thu hoạch kéo dài từ 11 tháng đến cả năm. Với giống mía mô, thời gian thu hoạch rút ngắn còn khoảng 9 tháng. Đồng thời, mía thương phẩm có ưu điểm vượt trội với thân màu tím đậm, vỏ lóng mịn, thịt mía mềm, ngọt; sâu bệnh hại trên cây mía cơ bản được kiểm soát tốt.
Từ hiệu quả kể trên, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết thay thế giống mía tím bằng giống nuôi cấy mô. 4 năm qua,Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã cung cấp cho người dân các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy hơn 40 vạn cây giống đảm bảo chất lượng,đem về những mùa ngọt cho người trồng mía trên địa bàn.
Nhiệm vụ KH&CN "Thay thế giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô” chỉ là một trong nhiều đề tài nghiên cứu được đưa vào đời sống và đem lại hiệu quả tích cực. Đồng chí Lê Quyết Tiến, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN) dẫn chứng: Ởlĩnh vực khoa học nông nghiệp, phải kể đến đề tài xây dựng chỉ dẫn địa lý "Cao Phong” cho sản phẩm cam của huyện, góp phần tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung của tỉnh. Sau khi xây dựng xong chỉ dẫn địa lý, giá trị sản phẩm tăng 30 - 40% so với trước. Ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, dấu ấn là đề tài nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp phòng tránh sự cố sạt lở tại xã Phúc Sạn - nay là xã Sơn Thủy(Mai Châu). Qua đề tài đã đưa ra các yếu tố tác động đến hiện tượnglở đất và nứt đất, từ đó đưa ra được sơ đồ kết quả phân vùng dự báo nguy cơ sạt trượt, là căn cứ quan trọng để ngành Nông nghiệp đề xuất,triển khai hỗ trợ di dời 50 hộ dân đến khu tái định cư tại xã Đồng Tâm (Lạc Thủy)... Có thể nói, ở mỗi lĩnh vực, các đề tài KH&CN đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, bám sát sự phát triển KT-XH của tỉnh, đơn vị, doanh nghiệp, do vậy, đảm bảo tính ứng dụng cao và hiệu quả trong đời sống.
Cơ chế "đặt hàng” - giải pháp cốt lõi nâng "chất” các đề tài
Theo thống kê của Sở KH&CN, trong giai đoạn 2015 - 2020, 100% đề tài nghiên cứu cấp tỉnh được thực hiện theo cơ chế đề xuất, "đặt hàng”. Đồng chí Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Hải Hồ cho biết: Khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu, Sở thông tin rộng rãi về việc đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, đồng thời thực hiện tiếp nhận thường xuyên các đề xuất, đặt hàng nghiên cứu. Do vậy, các đề tài đều xuất phát từ những bài toán trong thực tế, có tính ứng dụng cao.
Trong đó, có thể kể đến đề tài "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị điều khiển đèn chiếu sáng công cộng nhằm tiết kiệm điện năng điều khiển từ trung tâm thông qua mạng thông tin di động”. Nhóm thực hiện đề tài đã thiết kế, chế tạo hệ thống điều khiển chiếu sáng công cộng có điều khiển từ trung tâm qua mạng thông tin di động; xây dựng các chương trình và phần mềm điều khiển,tiến hành lắp đặt 2 tủ điều khiển chiếu sáng công cộng; trung tâm điều khiển đặt tại Công ty CP Môi trường đô thị Hòa Bình. Sau thời gian thử nghiệm cho thấy, các tủ hoạt động ổn định, lượng điện năng tiêu thụ giảm trên 35% so với trước. Hiện, đề tài đã được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, khi vận hành cơ chế đặt hàng, Sở KH&CN đặc biệt chú trọng lựa chọn nhóm thực hiện, nhằm đảm bảo kết quả đề tài thực sự có chất lượng. Năm 2016, đề tài cấp tỉnh "Nghiên cứu thành phần hóa học, đánh giá hoạt tính sinh học của một số hợp chất phân lập được từ cây xạ đen tại tỉnh Hòa Bình. Thử nghiệm tạo chế phẩm làm thực phẩm chức năng từ các cao chiết tiềm năng” được Sở đặt hàng Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) thực hiện. Tháng 6 vừa qua, xuất phát từ kết quả của đề tài, Sở đã tiến hành đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế.
Cũng theo đồng chí Giám đốc Sở KH&CN, hiện nay, Công ty CP Nghiên cứu phát triển dược liệu Hòa Bình đã được UBND tỉnh giao quyền tiếp nhận và toàn quyền sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài. Công ty đang triển khai dự án thương mại hóa sản phẩm. Qua đó, tạo đầu ra ổn định cho khoảng 136,8 ha trồng xạ đen tại tỉnh, với sản lượng xạ đen khô ước tính từ 2,52 - 2,91 tấn/ha. Có thể thấy, với cơ chế đặt hàng đã gópphần quan trọng giải quyết những hạn chế khi ứng dụng đề tài, nhất là vấn đề vốn; một số đề tài sau nghiệm thu đã tạo ra chuỗi liên kết, tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương.
Tuy nhiên, có một thực tế các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh hiện đang "nghiêng” mạnh về nông nghiệp. Trong số 98 đề tài được thực hiện 5 năm qua, có tới 43 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp, chiếm xấp xỉ 50%; trong khi đó, lĩnh vực y, dược chỉ có 8 đề tài; kỹ thuật và công nghệ 7 đề tài, khoa học tự nhiên chỉ có 4 đề tài, chiếm 4%... Bên cạnh đó, với đội ngũ cán bộ quản lý KH&CN cấp huyện, thành phố chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm, do vậy, không phát huy hết vai trò đối với việc ứng dụng KH&CN cho người dân địa phương... Đây là những hạn chế cần khắc phục ngay để các đề tài sau nghiệm thu thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống.
(Còn nữa)
Hải Yến