Việt Nam đã bước vào thị trường trao đổi tín chỉ các-bon của thế giới sau một thời gian dài phấn đấu quản lý rừng bền vững. Đây là sự kiện lớn, đánh dấu sự khởi đầu tích cực trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững, qua đó giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu…


               Tích cực chăm sóc rừng để giảm phát thải, cải thiện thu nhập cho người trồng rừng.

Thông qua Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) vừa được ký kết giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), riêng trong giai đoạn 2018 - 2024, Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) sẽ thanh toán 51,5 triệu USD cho 10,3 triệu tấn các-bon giảm phát thải từ rừng tại sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. FCPF là quỹ hợp tác toàn cầu của các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức của người bản địa tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng các-bon rừng (REDD+) ở các nước đang phát triển. Từ khi quỹ được thành lập vào năm 2008, FCPF đã làm việc với 47 quốc gia đang phát triển, cùng với 17 nhà tài trợ đã đóng góp và cam kết với tổng trị giá 1,3 tỷ USD.

Chương trình giảm phát thải từ rừng vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam được thực hiện nhằm hỗ trợ cho bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết các nguyên nhân mất rừng ở khu vực, qua đó giảm phát thải do mất rừng, suy thoái rừng và tăng hấp thụ do phục hồi, tái tạo rừng. Vùng Bắc Trung Bộ được FCPF lựa chọn để chi trả dịch vụ vì tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học và tình hình kinh tế, xã hội. Toàn vùng có tổng diện tích tự nhiên khoảng 5,1 triệu héc-ta (chiếm 16% diện tích đất của cả nước), trong đó 80% là đồi núi, bao gồm năm hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Diện tích rừng của vùng hơn 3,1 triệu héc-ta, tỷ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 57,76%.

Thứ trưởng NN và PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, chi trả giảm phát thải rừng dựa vào kết quả là tiếp nối quá trình chuẩn bị, sẵn sàng thực thi REDD+ tiến tới triển khai toàn diện về dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật Việt Nam, là thành quả của sự hợp tác giữa Việt Nam với FCPF và WB trong việc cùng nỗ lực thực thi Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu. Thông qua đó, sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung mới, góp phần đầu tư cho các hoạt động giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập cho chủ rừng; đồng thời hướng tới hình thành thị trường tín chỉ giảm phát thải trong nước và quốc tế; góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững khu vực sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương và là quốc gia thứ năm trên toàn cầu ký ERPA. Các thỏa thuận chi trả giảm phát thải là công cụ mới nhằm khuyến khích quản lý đất đai bền vững ở quy mô lớn và giúp kết nối các quốc gia với các nguồn tài trợ khác về khí hậu. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nỗ lực bảo đảm sự cân bằng giữa bảo tồn và tái tạo rừng với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững trên trái đất. Theo đánh giá của bà C.Trấc, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam: "Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ rừng trên quy mô lớn”. 

Đây được coi là sự kiện quan trọng với ngành lâm nghiệp Việt Nam. Thông qua việc thực hiện ERPA sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, đồng thời mở ra cơ hội hiện thực hóa việc triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng. ERPA góp phần tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giảm phát thải, nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý, chủ rừng, cộng đồng, hộ gia đình, khu vực tư nhân về giá trị dịch vụ các-bon rừng, hiểu được lợi ích và giá trị kinh tế, môi trường do rừng mang lại. ERPA cũng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, chủ rừng; thu hút lao động nông thôn, tạo việc làm gắn với ổn định sản xuất và đời sống, ổn định chính trị, củng cố an ninh, quốc phòng. Qua đó, tăng diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ của rừng vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện chất lượng rừng thông qua việc trồng mới, phục hồi rừng, tăng cường chức năng phòng hộ và giá trị sinh thái của rừng, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu. ERPA còn thể hiện tầm nhìn và trách nhiệm cao của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; phát triển rừng vì sự yên bình và thịnh vượng của thế giới...

 

Theo NhanDan


 

Các tin khác


Họp Hội đồng bình tuyển, công nhận cây đầu dòng các giống cam, quýt 

(HBĐT) - Ngày 20/11, Sở NN&PTNT tổ chức họp Hội đồng bình tuyển, công nhận cây đầu dòng quýt Ôn Châu, cam CS1, cam Marss-BH. Dự hội nghị có thành viên Hội đồng bình tuyển cây đầu dòng; lãnh đạo Phòng NN&PTNT các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy và một số HTX có cây đầu dòng đề nghị bình tuyển.    

Xã vân Sơn: Nhanh chóng khắc phục khó khăn sau thiên tai

(HBĐT) - Ảnh hưởng của cơn bão số 7, trong tháng 10, trên địa bàn xã Vân Sơn (Tân Lạc) xảy ra mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày. Do địa hình đồi núi cao, nền đất yếu nên đã xảy ra tình trạng sạt lở đất, đá, làm hư hỏng nhà cửa, các tuyến đường GTNT, thiệt hại tài sản, hoa màu của Nhân dân địa phương. Trước thực tế đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã đã thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ”. Nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục thiên tai, ổn định đời sống và sản xuất.

Tăng cường quản lý hoạt động khai thác giun đất

(HBĐT) - Giun đất có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, chúng giúp cho đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm tốt; phân giun là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng.

PC Hòa Bình: Nỗ lực giảm tổn thất điện năng

(HBĐT) - Để giảm tổn thất điện năng (TTĐN), những năm qua, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã nỗ lực đầu tư, cải tạo lưới điện, cũng như nâng cao năng lực quản lý, vận hành.

Huyện Đà Bắc ứng phó với sạt lở, mưa lũ

(HBĐT) - Đà Bắc là huyện vùng cao, địa hình chia cắt, độ dốc cao, thường xuyên xảy ra sạt trượt, đá lở, đá lăn, lũ ống, lũ quét, đe dọa nghiêm trọng tính mạng, tài sản của người dân. Trước tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, khó lường, UBND huyện tập trung kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn, triển khai phương án cụ thể, kịp thời thông báo tới hộ dân vùng nguy hiểm, bảo vệ an toàn cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục