Cầu phao thôn Mạnh Tiến 2, xã Yên Bồng (Lạc Thủy) bắc qua sông Bôi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm mỗi khi lũ về.
Đồng chí Quách Hoàng Hiệp, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, mưa lũ, thông qua các kế hoạch, phương án, xã tích cực kiện toàn, xây dựng, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, tổ chức luyện tập các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn trong mùa mưa bão. Chỉ đạo rà soát, quản lý trang, thiết bị, phương tiện dùng trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Thực hiện phương châm phòng ngừa là chính, phát huy sức mạnh tổng lực, sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu, cứu người trước, cứu tài sản sau, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho Nhân dân”.
Trên địa bàn có đường 438A chạy qua từ thị trấn Chi Nê đi Ninh Bình; khoảng 22 km đường liên thôn, liên xóm; có sông Bôi chảy qua cùng nhiều suối nhỏ, hồ, đập. Mùa nước dâng thường xảy ra từ tháng 5 - 9, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, công trình công cộng, diện tích hoa màu ven khu vực sông Bôi. Mỗi mùa mưa đến, 40 - 50 hộ dân ven sông tại thôn Hồng Phong, Quyết Tiến, Mạnh Tiến đều nơm nớp, chỉ đợi loa truyền thanh của xã báo động là sẵn sàng di chuyển toàn bộ người và tài sản, kể cả trong đêm. Trong đó, thôn Hồng Phong có khoảng 30 hộ thường xuyên xảy ra ngập úng, bị cô lập khi nước dâng cao. Đỉnh điểm mùa mưa lũ năm 2017, toàn bộ các hộ ven sông Bôi phải di dời, diện tích hoa màu mất trắng, nhà cửa ngập sâu trong biển nước, thậm chí có nhà chìm trong 3m nước. BCH PCTT& TKCN xã đã khẩn trương huy động các lực lượng tại chỗ, phương tiện xuống địa bàn hỗ trợ di dời tài sản, triển khai các phương án ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, rất may không thiệt hại về người.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, xã quyết liệt chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị đóng trên địa bàn và người dân xây dựng phương án để chủ động phòng, chống lũ bão. Thông báo liên tục trên hệ thống truyền thanh của xã và các phương tiện thông tin về công điện của UBND huyện, kế hoạch chỉ đạo, diễn biến của lũ bão. Hoãn tất cả các cuộc họp không thiết yếu, cử cán bộ đến từng địa bàn đôn đốc, vận động người dân tập trung, thực hiện các phương án đã chỉ đạo. Rà soát, lập danh sách sơ tán các hộ có nhà ở không đảm bảo an toàn; kiểm tra các đoạn gia cố, cắt tỉa cành cây, dọn chướng ngại vật ảnh hưởng đến việc di chuyển trong mùa mưa lũ. Xã đã triển khai, huy động lực lượng gồm dân quân, công an, đội phòng, chống thiên tai, thảm họa cấp xã, thanh niên tập kết phương tiện, trưng dụng vật tư khi cần thiết. Thay phiên trực chốt tại các địa điểm nhạy cảm, báo cáo thường xuyên mực nước sông, tình hình hồ, đập trên địa bàn. Đoàn Thanh niên, Công an xã đã cắm nhiều biển cảnh báo nước sâu, đề phòng đuối nước tại những nơi thường xảy ra mất an toàn ven sông Bôi và các hồ, đập. Đồng thời, thông qua các lớp tập huấn về nâng cao năng lực, quản lý rủi ro thiên tai, sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe trong tình huống khẩn cấp do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức, xã tổ chức diễn tập, củng cố kỹ năng nhằm đảm bảo sẵn sàng ứng cứu đối với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Nếu thời tiết diễn biến xấu, phải triển khai phương án di dân, xã huy động lực lượng hỗ trợ di dời người dân sang nhà bán kiên cố, đảm bảo đủ điều kiện về điện, nước sinh hoạt của người dân. Lực lượng tuần tra an ninh nắm tình hình, không để xảy ra việc lợi dụng việc di dời do mưa bão để trộm cắp tài sản, gây mất ANTT. Sau khi bão tan, BCH PCTT&TKCN xã chỉ đạo việc tiêu úng, thống kê thiệt hại để có biện pháp, phương án khắc phục hậu quả.
Hiện, do chấn động địa chất, dưới chân công trình cột điện 500 kV tại thôn Hồng Phong có hiện tượng sụt lún, sạt lở, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân. Xã đã cắm biển cảnh báo, nhắc nhở người dân, báo cáo với cấp có thẩm quyền để tìm phương án khắc phục. Trang thiết bị, vật tư dùng trong công tác phòng, chống thiên tai, mưa lũ dù được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ, chưa đồng bộ. Xã mong muốn tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện nhằm triển khai hiệu quả hơn các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân.
Hoàng Anh