(HBĐT) - Hiện đang trong mùa mưa bão và dự báo những tháng cuối năm thiên tai sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Trung tâm Khí tượng thủy văn Hòa Bình thông tin, từ nay đến hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 7 - 9 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 3 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Mùa mưa năm nay có khả năng kết thúc muộn. Từ tháng 9 - 10, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%. Trên các sông, suối sẽ xuất hiện lũ, đỉnh lũ các sông nhỏ và vừa ở mức báo động 2 đến báo động 3. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra trên toàn tỉnh.
Mưa nhiều sẽ khiến lượng nước ở các hồ chứa thủy lợi tăng cao, trong khi đó còn nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp, nếu để xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại khó lường. Do vậy, UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đặc biệt coi trọng chỉ đạo các đơn vị chức năng và UBND các huyện, thành phố chủ động trong việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi để kịp thời gia cố, có biện pháp ứng phó khi xảy ra tình huống.
Toàn tỉnh hiện có trên 540 hồ chứa thủy lợi các loại. Trong đó, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý 203 hồ chứa lớn và vừa; số lượng hồ chứa còn lại được phân cấp cho cấp huyện quản lý, trực tiếp là các HTX, tổ hợp tác và UBND các xã vận hành khai thác. Theo đánh giá của các huyện, thành phố và Công ty Khai thác công trình thủy lợi thì phần lớn các công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn các huyện đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2021. Tuy vậy, vẫn còn một số hồ chứa đang thi công, sửa chữa nhưng chậm tiến độ; có những công trình bị hư hỏng, xuống cấp cần được tiếp tục sửa chữa, nâng cấp.
Cụ thể, theo Sở NN&PTNT, qua rà soát, hiện có trên 210 hồ bị hư hỏng, xuống cấp, chiếm xấp xỉ 39% tổng số hồ chứa toàn tỉnh. Song, do điều kiện khó khăn, thiếu nguồn lực đầu tư nên chưa có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp. Đáng kể là các hồ do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý như: Sam Tạng, xã Thành Sơn (Mai Châu) mái đập, cống, tràn chưa được gia cố mất an toàn trong mùa mưa bão; không có đường quản lý vận hành; hệ thống kênh mương chưa được đầu tư. Hồ Rộc Cọ, xã An Bình (Lạc Thủy) tràn xả lũ bị hư hỏng nặng, tường bên, ngưỡng tràn thủng nhiều lỗ lớn, khi mực nước dâng cao, nước chảy mạnh qua các lỗ thủng gây thất thoát nước và mất an toàn công trình. Hồ Ngọc Lương II, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) phần thân đập có đoạn xung yếu chiều dài khoảng 50m, toàn tuyến đập lát bằng đá khan sụt lún, xô lệch, mùa mưa bão có nguy cơ vỡ thân đập; phần đường tràn hiện xói lở chân, sụt lún; tuyến đê lái lũ sau tràn hư hỏng nặng. Hồ Cang, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) lòng hồ bị bồi lắng, ngưỡng tràn xây đá đã xuống cấp; kênh thoát lũ sau tràn hẹp tại vị trí cống qua đường vào đập, hạ lưu cống bị xói lở mạnh; tuyến đường dân sinh ở chân đập chưa được kiên cố, dẫn đến lún sụt khi có xe tải trọng lớn đi vào gây mất an toàn đập.... Ngoài ra, một số huyện còn nhiều hồ chứa hư hỏng cần được sửa chữa, nâng cấp, như: Huyện Tân Lạc có 18 hồ; Yên Thủy 11 hồ; Lạc Sơn 14 hồ...
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn hồ đập, theo tính toán, giai đoạn tới, trong tỉnh cần đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới 138 công trình thủy lợi với tổng nhu cầu kinh phí 2.354,5 tỷ đồng. Cụ thể, sửa chữa, nâng cấp 105 công trình, gồm: 3 hồ lớn, 16 hồ vừa, 52 hồ nhỏ và 34 công trình hồ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP với kinh phí 753 tỷ đồng, phục vụ tưới cho gần 3.040 ha lúa và trên 1.314 ha cây trồng khác. Đầu tư xây dựng mới 33 công trình với kinh phí trên 1.601 tỷ đồng, phục vụ tưới cho khoảng 790 ha lúa và trên 1.100 ha cây trồng khác. Song đây là bài toán nan giải đối với tỉnh còn nhiều khó khăn.
Để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa bão, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, các đơn vị quản lý hồ chứa cần báo cáo hiện trạng an toàn đập; xây dựng phương án bảo vệ đập, hồ chứa, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp nhằm chủ động trong công tác đối phó với tình huống mưa bão, sự cố... Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi; xây dựng phương án tích nước hợp lý hoặc hạn chế tích nước đối với các hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, đồng thời chủ động phương án bảo đảm an toàn công trình và dân cư vùng hạ du.
Đối với các hồ chứa đang tích đầy nước, khi có dự báo về mưa lũ, lũ sau bão sẽ diễn ra trên lưu vực có khả năng vượt quá mức thiết kế, đe dọa trực tiếp sự an toàn của công trình thì đơn vị quản lý công trình phải chủ động xả bớt nước ở mức độ hợp lý tăng thêm dung tích cắt lũ của hồ.
Thu Hiền