(HBĐT) - Chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực nông nghiệp từ lâu đã trở thành giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị nông sản. Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản (TTNS) đem lại hiệu quả thiết thực. Ứng dụng CNTT và những tiến bộ của khoa học công nghệ nhằm phát triển nền nông nghiệp theo yêu cầu xanh, sạch, bền vững đang là mục tiêu hướng đến trong lộ trình thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.


Vụ nhãn năm nay, nhân viên Viettel Post tới tận vườn live stream bán hàng và hướng dẫn kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho các hộ thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Kim Bôi).

Thời gian qua, ngành NN&PTNT quan tâm phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Việc ứng dụng CNTT được cụ thể hóa trong quản lý, điều hành, tra cứu thông tin thị trường, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm… 3 lĩnh vực được ứng dụng các mô hình thông minh là trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản. Điển hình với các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP; công nghệ tưới nhỏ giọt, điều khiển tự động chăm sóc cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật; quan tâm hỗ trợ xây dựng, cấp, quản lý mã số vùng trồng đối với các cây trồng; ứng dụng CNTT trong truy xuất nguồn gốc nông sản…

Đến nay, toàn tỉnh chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ cho 3.525 ha sản phẩm quả các loại, 561 ha sản phẩm rau, 1.945 lồng cá, 22 cơ sở chăn nuôi. Bên cạnh đó, có 3 công ty chuyên liên kết với các hộ chăn nuôi để nuôi lợn khép kín, cung cấp cho thị trường khoảng 19.500 tấn thịt/năm. Năm 2021, Sở NN&PTNT tỉnh hỗ trợ cấp 6 mã vùng trồng, trong đó có 5 mã số vùng trồng bưởi xuất khẩu sang thị trường EU, 1 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện, toàn tỉnh đã cấp được 14 mã số vùng trồng, 7 mã số cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong TTNS. Nông sản của  tỉnh có mặt trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Postmart.vn, Voso.vn… Thông  qua các sàn TMĐT kết nối tiêu thụ được 100 tấn rau, củ, quả các loại, trên 60 nghìn quả trứng, 300 chai, hộp cà gai leo, ớt rẽ, shachi omega 369… Bưu điện tỉnh cam kết tiêu thụ khoảng 3.000 tấn cam tại huyện Cao Phong thông qua sàn TMĐT Postmart.vn. 

Theo chia sẻ của các HTX, hộ trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong, giữa tháng 12, cam tăng giá từng ngày xua tan lo lắng của người dân thủ phủ cam lớn nhất của tỉnh. Giá cam lòng vàng tại vườn dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Đó là kết quả của sự chủ động xây dựng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm cam quả của ngành NN&PTNT, cùng với những chính sách hỗ trợ đưa cam Cao Phong lên sàn TMĐT của các cấp, ngành. Cam Cao Phong được bán trên các sàn TMĐT, HTX nhận được nhiều đơn hàng tại nhiều tỉnh, thành phố, kể cả những tỉnh phía Nam. 

Tại huyện Lạc Thủy, công nghệ số (CNS) góp phần tạo đột phá cho nông nghiệp, nông thôn. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại như: Trồng dưa trong nhà lưới của Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP, Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam; ứng dụng công nghệ tưới thông minh điều khiển bằng máy tự động cho cây ăn quả có múi của thanh niên Vũ Duy Tân, xã Thống Nhất… Đặc biệt, năm nay, huyện bứt tốc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT Postmart.vn và VoSo.vn. Lạc Thủy được đánh giá là địa phương dẫn đầu tỉnh đưa nông sản lên sàn TMĐT. 

Ngành nông nghiệp của tỉnh đang tích cực triển khai, sử dụng các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp, nông thôn: Phần mềm thống kê theo dõi dịch bệnh; phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên đất nông nghiệp; hệ thống truy xuất nguồn gốc xác thực chống giả và kết nối cung cầu tỉnh tại địa chỉ: hb.check.net.vn; phần mềm cập nhật diễn biến rừng, dự báo cháy rừng, quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0. 

Nắm bắt thời cơ, kịp thời thực hiện CĐS trong sản xuất, TTNS là giải pháp quan trọng để ngành nông nghiệp của tỉnh vượt qua khó khăn, khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế. Năm 2021, hầu hết các chỉ tiêu phát triển của ngành đều đạt và vượt so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,8%, cao hơn 0,2% so với cùng kỳ, đạt kế hoạch giao; giá trị sản xuất theo giá so sánh ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 11,97 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ. 

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp nông dân hiểu rõ trong thời kỳ hội nhập, họ phải là nông dân thời đại 4.0, dám nghĩ, dám áp dụng CNS. Nông dân cần mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Một số lĩnh vực cần ưu tiên CĐS trong NN&PTNT: Đẩy mạnh phát triển TMĐT trong nông nghiệp để quảng bá, tuyên truyền sản phẩm nông nghiệp địa phương. Ứng dụng CNS để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc. Hỗ trợ, thúc đẩy người dân, tổ chức sử dụng, ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT để tự động hóa quy trình sản xuất, giúp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chính xác. Phát triển các ứng dụng số phục vụ công tác quản lý dựa trên dữ liệu để có chính sách điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp. 


Thu Thủy

Các tin khác


Bắc Bộ trời rét, Trung Bộ mưa to cục bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 29/12, miền Bắc vẫn tiếp tục rét, có nơi rét đậm.

Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nhiệm vụ năm 2022

(HBĐT) - Ngày 28/12, Sở KH&CN tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Phát triển kinh tế dưới tán rừng

(HBĐT) - Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp của tỉnh là 298.013 ha, chiếm 64,66% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đó là tiềm năng và cơ hội để tỉnh phát triển các giá trị của hệ sinh thái rừng, gồm: giá trị cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường, dịch vụ lưu trữ, hấp thụ các bon và du lịch sinh thái.

Ứng phó với rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh

(HBĐT) - Ngày 24/12, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh ban hành Công văn số 145/BCH-VP về ứng phó với rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh.

Bảo vệ đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò

(HBĐT) - Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia - Pà Cò được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá có tính đa dạng sinh học khá cao. Hệ động, thực vật phong phú, nhiều loài thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam. Khu bảo tồn còn được biết đến với các quần thể rừng trên núi đá vôi còn sót lại ở khu vực miền Bắc Việt Nam và các quần thể thông Pà Cò quý hiếm. Trước nguy cơ tài nguyên rừng trong khu bảo tồn bị các đối tượng tác động trái phép, Ban Quản lý (BQL) Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò đã nỗ lực để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục